Vụ Vinasun kiện Grab: Vinasun tố Grab 'ngụy biện về mô hình kinh doanh'

Phan Thương
Phan Thương
07/02/2018 16:53 GMT+7

Phản biện quan điểm của Grab cho rằng Grab chỉ là một công ty công nghệ, phía Vinasun khẳng định Grab đang ngụy biện, đánh tráo các khái niệm để tránh các điều kiện kinh doanh theo luật định và né các nghĩa vụ thuế.

Chiều nay (7.2), TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ kiện “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương VN - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (gọi tắt là Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi VN (Grab).
Phiên xử được dời sang phòng A trụ sở TAND TP.HCM để tiện cho việc theo dõi phiên xử do những người dự khán tham gia phiên toà khá đông.
Hôm nay, số lượng tài xế các hãng Vinasun, Grab, Mai Linh, Uber đến tòa nghe xử đông hơn nhiều so với phiên xử đầu tiên vào ngày hôm qua (6.2).
Trong chiều 7.2, cả Vinasun và Grab đã tranh luận các quan điểm của mình về vụ án.
Grab đang kinh doanh vận tải?
Luật sư (LS) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vinasun trình bày, từ năm 2014 đến nay, Grab đã thực hiện nhiều hình thức kinh doanh trái luật, gây thiệt hại trực tiếp, rất nghiêm trọng cho Vinasun nên Vinasun khởi kiện yêu cầu Grab bồi thường.
Theo LS của Vinasun, Grab đang kinh doanh lĩnh vực vận tải hành khách, chứ không phải cung ứng dịch vụ phần mềm vận tải như Grab khẳng định tại phiên tòa ngày 6.2.
Đông đảo tài xế của các hãng taxi đến dự phiên tòa Ảnh: Ngọc Dương
LS của Vinasun đã dẫn văn bản trả lời của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM trả lời về nội dung ngành nghề trong đăng ký doanh nghiệp của Grab thể hiện: vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành, vận tải hành khách đường bộ khác; đồng thời dẫn công văn của Bộ Công thương gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định “cần sửa luật để khẳng định rõ các doanh nghiệp như Uber, Grab chính là doanh nghiệp kinh doanh vận tải và phải quản lý như taxi".
LS của Vinasun tiếp tục nhắc đến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải năm 2018 trong cuộc họp với Tổng cục đường bộ về vấn đề phải "quản lý Uber, Grab như taxi"; dẫn phán quyết ngày 20.12.2017 của Tòa Công lý châu Âu nhấn mạnh dịch vụ Uber vốn dĩ liên quan đến dịch vụ vận tải, trong khi tại tòa, Grab cũng khẳng định mình kinh doanh tại Việt Nam với hình thức tương tự như Uber.
Đại diện của Vinasun đang trình bày quan điểm tại tòa ngày 7.2 Ảnh: Ngọc Dương
Vinasun tố Grab đánh tráo khái niệm để né nộp thuế
Phản biện quan điểm của Grab cho rằng Grab chỉ là một công ty công nghệ, phía Vinasun cho rằng Grab đang ngụy biện, đánh tráo khái niệm để tránh các điều kiện kinh doanh theo luật định và né các nghĩa vụ thuế.
Theo LS của Vinasun, Grab là doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải như Vinasun. Vì Grab tự quyết định giá cước vận chuyển; quyết định các chương trình khuyến mại về giá cước vận chuyển; nhận tiền thanh toán cước vận chuyển từ khách hàng đi taxi sử dụng thẻ dịch vụ Grab; có chế độ thưởng, phạt tài xế, kiểm soát hành vi, thái độ của tài xế với khách hàng đi taxi; mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng đi Grab.
Từ những điểm nêu trên, LS của Vinasun cho rằng Grab đã thông qua việc sử dụng phần mềm kết nối vận tải để cung cấp dịch vụ vận chuyển như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, còn các hợp tác xã vận tải, doanh nghiệp vận tải mà Grab ký hợp đồng hợp tác chỉ là các bên danh nghĩa.
Ngoài ra, LS của Vinasun cũng đưa ra các chứng cứ khẳng định Grab có hành vi vi phạm như: khuyến mại tràn lan, trái luật; vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; vi phạm đề án 24 của Bộ GTVT…
Từ những hành vi trái luật của Grab, phía Vinasun cho rằng có mối quan hệ nhân quả đến Vinasun, gây thiệt hại cho nguyên đơn hơn 41,2 tỉ đồng về doanh thu nên Vinasun đề nghị Grab phải bồi thường một lần cho mình.
Grab phản pháo, nói Vinasun khiếu nại "lộn sân"
Trong phần tranh luận lại quan điểm của phía Vinasun, LS bảo vệ quyền và lợi ích cho Grab tiếp tục đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc đình chỉ vụ án…
Tranh luận lại lập luận của phía Vinasun, LS của Grab cho rằng đây là vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, và để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Vinasun phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Grab có hành vi vi phạm pháp luật; Vinasun có thiệt hại thực tế; và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại.
Đối với cáo buộc của Vinasun cho rằng Grab có hoạt động kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi trái pháp luật, LS của Grab cho rằng bị đơn có vi phạm thì bên xem xét, xử lý vi phạm là Bộ Giao thông vận tải. Nhưng tại tòa, theo LS của Grab thì phí Vinasun chưa cung cấp được quyết định của cơ quan quản lý về giao thông vận tải về hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi đối với Grab.
Đối với cáo buộc rằng Grab thực hiện không đúng đề án 24 thí điểm của Bộ Giao thông vận tải, Grab cũng cho rằng việc xem xét liệu hoạt động của Grab có tuân thủ đúng đề án thí điểm hay không là thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải. Nếu cho rằng hoạt động kinh doanh của Grab gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của Vinasun thì Vinasun phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc khiếu kiện hành chính.
Đối với cáo buộc rằng Grab vi phạm pháp luật về khuyến mại, LS của Grab cho rằng việc xem xét hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh. Việc xem xét hành vi khuyến mại có đúng luật hay không thuộc thẩm quyền xem xét của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Công thương. Đồng thời, Vinasun chưa cung cấp được bất kỳ quyết định xử phạt nào của các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi này đối với Grab.
Chiều 7.2, TAND TP.HCM đã tạm dừng phiên tòa. Theo HĐXX, vụ án cần phải thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ nên phiên tòa tạm dừng, thời gian xét xử lại sẽ được thông báo sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.