Tranh luận việc kỷ luật cán bộ về hưu

11/06/2019 05:06 GMT+7

Nhiều đề xuất của Chính phủ tại dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức đã gây nhiều tranh luận.

“Chỉ là xóa cái danh”

Việc xử lý kỷ luật với cán bộ đã về hưu được các đại biểu (ĐB) tranh luận khá gay gắt trong phiên thảo luận ngày 10.6 của Quốc hội (QH) về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.
ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng quy định này “nghe có vẻ vô lý, nhưng rõ ràng làm rất có hiệu quả, dư luận đồng tình cao, có tác dụng răn đe; ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, tâm lý của cán bộ, công chức”.
Tuy nhiên, ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) đề nghị cân nhắc vì nếu chỉ xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm thực chất chỉ là xóa cái danh. Quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo có truy thu không? Nếu luật hóa quy định này đồng nghĩa những văn bản cán bộ đó đã ký khi đương chức không còn hiệu lực, sẽ gây ra những hậu quả pháp lý.

Cần bỏ cơ chế đánh giá hình thức, nể nang

Một nội dung khác cũng gây tranh luận không kém là đề xuất bỏ hình thức hợp đồng không xác định thời hạn, để chuyển sang loại hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển mới kể từ khi luật có hiệu lực.
Đồng tình với đề xuất này của Chính phủ, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp, tạo sự cạnh tranh, động lực cho viên chức làm việc tốt, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.
Trong khi đó, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, vì chuyển sang ký hợp đồng xác định thời hạn như Chính phủ đề xuất sẽ tạo tâm lý bất an cho viên chức khi làm việc; đồng thời có thể dẫn đến lạm dụng kéo theo tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục. Bên cạnh đó, ĐB tỉnh Cà Mau cho rằng: “Chỉ nên quy định phân loại đánh giá viên chức cụ thể hơn nhằm xóa bỏ việc đánh giá hình thức, định tính và nể nang hiện nay. Hệ quả của việc đánh giá phải quy định rõ trong luật, có chế tài xử lý nghiêm, khi đó sẽ tạo được cơ chế có vào, có ra và khắc phục được tâm lý biên chế suốt đời”.
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) thì đặt câu hỏi: “Luật Viên chức hiện nay có quy định đơn vị được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong trường hợp viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. T.Ư trước giờ có tổng kết quy định này chưa, hiệu quả và bất cập của quy định này thế nào mà phải sửa luật?”.

Chưa xử lý giáng chức người nào

Một vấn đề khác gây tranh luận là đề nghị bỏ hình thức kỷ luật giáng chức. Tại tờ trình gửi đến QH về dự án luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, Chính phủ đề nghị 2 phương án là vẫn giữ hình thức giáng chức và bỏ hình thức này.
Tuy nhiên, bản thân Chính phủ chọn phương án 1 (bỏ giáng chức) vì cho rằng, giữ hình thức giáng chức dễ dẫn đến nể nang, “trốn” cách chức bằng giáng chức. Các ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) và Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với quan điểm của Chính phủ.
Tuy nhiên, số ĐBQH ủng hộ giữ hình thức giáng chức cao hơn số ủng hộ bỏ hình thức kỷ luật này. ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) cho rằng nên giữ giáng chức, vì cách chức sẽ phủ nhận mọi nỗ lực phấn đấu của công chức trong suốt quá trình dài... Theo ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), các hình thức kỷ luật hiện nay đã “hoàn toàn phù hợp”, “có tính răn đe rất cao” và có “tính công bằng”.
Giải trình các ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua báo cáo về xử lý cán bộ hằng năm đến nay, Bộ Nội vụ “chưa nhận được một hình thức nào xử lý giáng chức, chỉ có giáng cấp đối với lực lượng vũ trang”. Do đó, Bộ trưởng “đề nghị các ĐB nghiên cứu thêm để đóng góp mang tính khả thi cao về hình thức giáng chức”.

Giảm “biên chế” HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có hợp lý ?

Thảo luận về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 10.6, nhiều ĐBQH không đồng tình với đề xuất giảm số ĐB của HĐND các cấp từ 10 - 15%, giảm số phó chủ tịch HĐND, phó trưởng ban chuyên trách HĐND được đưa ra trong dự thảo luật.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), HĐND là cơ quan dân cử, cần có tiếng nói rộng rãi, có sự đại diện hợp lý cho nhân dân nên không thể chỉ nhìn vào số lượng để tính toán giảm 1 ĐB thì giảm bao nhiêu kinh phí hoạt động. Tương tự, đối với đề xuất giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, bà Quyết Tâm cho rằng phải căn cứ trên nguyên tắc hiệu quả, không thể giảm biên chế một cách máy móc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.