Trên 39% diện tích ĐBSCL bị ngập khi nước biển dâng 1m

07/03/2012 15:09 GMT+7

(TNO) Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam cập nhật năm 2012 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào hôm nay 7.3, vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng 1m, sẽ có 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị nhấn chìm trong biển nước.

>> 92,1% diện tích ĐBSCL bị ngập khi nước biển dâng cao 2m
>> Trên 300 đô thị duyên hải chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
>> Trên 20% diện tích TP.HCM bị ngập khi nước biển dâng 1m
>> Chủ động ứng phó nước biển dâng  

Tại buổi lễ công bố, PGS-TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính toàn cầu, bao gồm: kịch bản phát thải thấp, kịch bản phát thải trung bình và kịch bản phát thải cao.

Theo kịch bản phát thải thấp, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tăng 1,6 - 2,2 độ C trên phần lớn diện tích phía bắc lãnh thổ và tăng ít hơn ở đại bộ phận diện tích phía nam.

Theo kịch bản phát thải trung bình, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tăng 2 - 3 độ C trên phần lớn diện tích cả nước, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với những nơi khác.

Lượng mưa năm tăng trên hầu hết lãnh thổ. Mức tăng phổ biến từ 2 - 7%. Xu thế chung là lượng mưa mùa khô giảm và lượng mưa mùa mưa tăng. Lượng mưa ngày lớn nhất tăng ở Bắc bộ, bắc Trung bộ và giảm ở nam Trung bộ, Tây nguyên, Nam bộ.

Trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 57 - 73 cm. Khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang là nơi có mực nước biển tăng nhiều hơn so với các khu vực khác.

Trong khi đó, theo kịch bản phát thải cao, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm có mức tăng phổ biến 2,5  - 3,7 độ C. Lượng mưa năm tăng trên hầu hết lãnh thổ nước ta với mức tăng phổ biến khoảng 2 - 10%.

Trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78 - 95 cm. Mực nước biển ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang có thể dâng tối đa đến 105 cm.

“Từ kết quả tính toán, nếu mực nước biển dâng 1 m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập. Gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh; khoảng 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP.HCM bị ảnh hưởng trực tiếp”, ông Thục cảnh báo.

Theo ông Thục, dự báo sẽ có trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.