'U Minh' giữa Sài Gòn: Len trâu ở... phố

25/06/2020 05:00 GMT+7

Ở những công trình bị giải tỏa, cỏ mọc um tùm, người ta lại nghĩ ra cách nuôi trâu vỗ béo kiếm lời.

Nghề nuôi trâu đồng, ở vùng nông nghiệp khác hẳn với nuôi trâu ở phố. Từ việc len trâu đến giữ trâu cũng khó khăn bội phần. Nhưng nhờ len trâu ở phố, cuộc sống người nuôi cũng đỡ bấp bênh.

Rày đây mai đó

Ông Văn Đức Tởi (55 tuổi, quê Nghệ An) vào TP.HCM từ năm 1995 làm nghề quản lý công nhân bốc xếp. Một người bạn tên Sun mách nước, ở Bình Thuận có nhiều trâu bò gầy. Bỏ chút vốn, nuôi trâu bò mập lên 5 - 6 tháng sau bán đi kiếm lời. Nghe bùi tai, ông Tởi bỏ nghề bốc xếp, hùn vốn với bạn đi mua trâu bò rồi tìm nơi chăn thả.

Ông Văn Đức Tởi

Ảnh: Trung Du

“Lúc trước, tôi thả trâu bò khắp các cánh đồng, bãi đất trống cỏ nhiều ở ngoại thành. Chỉ vài tháng, trâu bò từ hở xương quai xanh đã béo lên mũm mĩm”, ông Tởi nhớ lại.
Thấy nghề vỗ béo trâu bò có tương lai, ông Tởi dồn toàn bộ số tiền mình có lúc ấy để mua thêm trâu bò. Cứ từ bãi đất này, qua bãi đất kia được vài năm thì vùng ngoại ô hiếm cỏ. Ông Tởi lại để ý thấy các dự án giải tỏa là mảnh đất tiềm năng để nuôi trâu. Ông cho hay: “Những công trình bị giải tỏa thường nằm trong thành phố. Ở đây, việc nuôi trâu bò khó hơn vì phải bỏ nhiều công nên ít người làm. Ít người làm nên cỏ tốt và đồ ăn cho trâu bò cũng vì thế mà dồi dào hơn”. Từ đây, ông bắt đầu theo các khu giải tỏa để nuôi trâu.

Đi đêm gặp nhiều... “ma sống”

Chăn trâu ở phố gần như phải thức trắng đêm và lần mò vào những nơi vắng vẻ. Nhiều người hỏi ông Tởi đã bao giờ gặp ma? Ông lắc đầu: “Ma thật chưa thấy nhưng thấy ma sống rất nhiều”. Sống ở khu giải tỏa thường xen kẽ với các lán trại của công nhân xây dựng, không ít lần trong đêm ông Tởi chứng kiến cảnh người ta ăn cắp xe máy, ắc quy… và đồ dùng ở công trình. Những lúc như vậy dù rất muốn nhưng ông cũng không dám nói vì một thân một mình, thân cô thế cô giữa nơi hoang vắng ông sợ bị… trả thù.
Những ngày đầu thả trâu ở các công trình xây dựng là khoảng năm 2004. Lúc đó, những dự án chung cư ở Thủ Đức, TP.HCM dù đã bơm đất nhưng vẫn chưa xây nên cỏ mọc nhiều. Lần đó, ông Tởi đổ vốn lên Tây Ninh, mua trâu rồi thuê xe tải chở về TP.HCM. Sau khoảng vài tháng, trâu bò mập lên ông bán lại để mua đàn trâu mới. Thời gian này, ông quanh quẩn ở những công trình từ cầu vượt Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước.
Tới năm 2014, khi các công trình ở Thủ Đức đã mòn cỏ, trong một lần chạy xe qua khu Thủ Thiêm, thấy ở đây là mảnh đất tiềm năng để nuôi trâu vì đất đai mênh mông, rừng dừa nước, cỏ mọc um tùm, ông quyết định len trâu cắm cọc tại Thủ Thiêm. Từ đó tới nay đã 6 năm.
Những ngày đầu nuôi trâu ở Thủ Thiêm, khu Đại Quang Minh lúc ấy mới bơm cát, đất sình nên cỏ mọc rất nhiều. Vài năm sau khi các công trình lần lượt mọc lên, ông phải đưa trâu qua khu P.Bình An, Q.2. “Ban ngày xe cộ qua lại nhiều, trâu đi không được. Tôi phải đợi tới 1 - 2 giờ sáng lúc xe cộ qua lại đã thưa thì lùa đàn trâu đi qua đại lộ để sang vùng đất mới”. Lúc đó đàn của ông có khoảng hơn 30 con, cũng may trâu đi theo đàn nên một mình ông vẫn có thể xử lý. Chỉ trong một đêm ông đã đưa được đàn trâu qua nơi ở mới an toàn. Đời nuôi trâu của ông không nhớ đã có bao nhiêu đêm thức trắng len trâu như vậy.

Đốt lửa, hun muỗi cho trâu

Ảnh: Eason Chang

Ai bảo chăn trâu là khổ ?

“Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu là… rất khổ”, lời cải biên bài hát Em bé quê (nhạc sĩ Phạm Duy) có lẽ rất đúng với nghề chăn trâu ở phố. Tới nay, ngoài đàn trâu do chính mình tậu, ông Tởi còn nhận len trâu mướn. Ai có một con, hai con gửi ông cũng cho nhập đàn. Ông Tởi không giấu giếm: “Sau 5 - 7 tháng chăn thả, mỗi con nuôi vỗ béo cũng lời được 1 - 2 triệu đồng/tháng. Lấy công làm lãi thôi, chứ kiếm được tiền từ con trâu không dễ”. Sự thật là vậy, chỉ tính từ tháng 11.2019 đến nay, ông Tởi đã bị mất 3 con trâu, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Chăn trâu ở phố cũng đòi hỏi nhiều công. Để đảm bảo trâu được an toàn, cứ 15 - 20 phút ông Tởi lại lượn một vòng quanh các bãi cỏ để thăm trâu. “Ban ngày nhìn xa ông thấy nhưng ban đêm thì cách nào để ông biết trâu vẫn an toàn?”, tôi tò mò. Ông Tởi cho hay, ban đêm mắt trâu màu đỏ, nhìn từ xa thấy đốm đỏ tức là trâu đang ăn. Thấy trâu còn ăn nghĩa là chúng còn an toàn.
U Minh giữa Sài Gòn: Len trâu ở... phố

Để chăn trâu thuận lợi, ông Tởi phải làm quen và hiểu tính cách từng con trâu trong đàn

Ảnh: Eason Chang

Đã quen với tính nết từng con nên việc chăn trâu với ông cũng đơn giản. Chỉ trừ những ngày trong đàn có con trâu cái nào động đực, con trâu đực nào mon men tới gần thì con trâu đầu đàn sẽ đánh cho tơi tả. Lúc này, chúng mất kiểm soát nên việc ngăn cản các cuộc tấn công lẫn nhau sẽ rất khó. Đôi khi, vì đánh nhau quá hăng mà chúng chạy ra đường lộ. Lúc này, để không gây nguy hiểm cho người đi đường phải cần tới bản lĩnh của người giữ trâu. Khi đó, ông Tởi lại vận dụng tất cả các kỹ năng của mình để thu phục con trâu đầu đàn và “giải tán đám đông”.
Ngoài những ngày trâu động đực, những ngày mưa giông gió lốc, chăn trâu buổi tối cũng cực nhọc không kém, vừa lo kẻ xấu thừa cơ bắt trâu vừa sợ trâu đi lạc. Những đêm như vậy, ông Tởi lại thức trắng và nhúng mình trong bộ quần áo ướt nguyên đêm.
Mấy chục năm nay, bữa ăn của ông Tởi thường qua loa với phần cơm bụi bình dân. Lúc nào cũng thấy ông Tởi tay xách nách mang bắp cải hư, trái cây hết đát theo chân phục vụ cho trâu. Ăn uống tuy không đầy đủ nhưng ông thấy vui.
Từ ngày vào Sài Gòn và gắn bó với nghề nuôi trâu ông Tởi rất hiếm khi về thăm quê. Thậm chí ngày tết đến, ông Tởi cũng chỉ thuê người giữ trâu theo tiếng để tranh thủ về nhà ăn cùng gia đình một bữa cơm.
Vợ con khuyên ông “nghỉ hưu” vì nghề nuôi trâu ở phố quá vất vả, hơn nữa ở cái tuổi 55 ông cũng không còn trẻ để bươn chải như trước. Nghe vậy, nhưng ông không bỏ được. “Tôi đã gắn bó với nghề nuôi trâu quá lâu. Với tôi, đó không chỉ là nghề kiếm tiền mà còn là thói quen, là niềm vui. Nghỉ nghề nuôi trâu tôi sẽ thấy đời mình thiếu đi một cái gì đó”, ông Tởi tâm sự. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.