Cuối giờ chiều 18.1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì họp báo về điểm nóng các dự án BOT. Cuộc họp được tổ chức sau khi Thủ tướng chủ trì cuộc họp về BOT sáng sớm cùng ngày.
Theo ông Thể, qua rà soát, quan điểm của Chính phủ khẳng định BOT là chủ trương đúng, ai làm sai người ấy phải chịu trách nhiệm.
Với các địa phương, Thủ tướng chỉ đạo bí thư, chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm, chỉ đạo đảm bảo an toàn thông suốt tại các dự án BOT.
Với Bộ GTVT, sẽ tiếp tục giảm giá với 2 hình thức: giảm giá toàn bộ các xe qua trạm và giảm cho các hộ dân sinh sống gần trạm... Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu giám đốc công an các tỉnh đảm bảo tình hình an ninh trật tự một cách tốt nhất, những hành vi đi qua các trạm với tính chất manh động như phá cả barie ở Sóc Trăng, chặn xe... sẽ xử lý nghiêm.
“Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm về hệ thống các trạm BOT và đang rà soát. Tại tổng kết Bộ sáng nay, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ GTVT trong năm 2018 phải giải quyết cơ bản các vấn đề BOT”, ông Thể khẳng định.
Tuy nhiên, trước câu hỏi về giải pháp tổng thể xử lý điểm nóng BOT, Bộ trưởng GTVT cho rằng Bộ chỉ là một trong các bên chịu trách nhiệm với BOT nên Bộ đang rà soát, báo cáo Chính phủ giải pháp. Việc có di dời các trạm BOT bị phản ứng không, Bộ sẽ xem xét cụ thể từng dự án.
Về câu hỏi của Thanh Niên ai chịu trách nhiệm cho những hệ lụy BOT hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Lịch sử là phải tiến lên, không có chuyện hồi tố, nếu cơ quan đơn vị nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu làm sai do bối cảnh thời điểm lịch sử khác, chủ trương khác thì để cơ quan nhà nước phán xét”. Ông Thể cũng cho rằng, nói BOT sai vị trí không chuẩn, phải nói là vị trí “chưa hợp lý”, lý do, thời điểm đó chủ trương như vậy là hợp lý, nhưng chủ trương thay đổi thì không còn hợp lý.
tin liên quan
Quốc hội yêu cầu Bộ GTVT tổng rà soát quy hoạch về BOT“Tôi không tư túi gì trong BOT Cai Lậy”
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về giải pháp cho BOT Cai Lậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết tháng 11.2017, Thủ tướng kết luận yêu cầu Bộ GTVT phải báo cáo phương án cho BOT Cai Lậy sau 1 - 2 tháng. “Chúng tôi làm rất nghiêm túc, đã báo cáo Chính phủ, nhưng phương án đến thời điểm này phải xử lý tổng thể, nên Chính phủ giao Bộ GTVT và các bộ, ngành rà soát để Thủ tướng có kết luận. Thủ tướng đã giao cho Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phụ trách. Chúng tôi chưa thể cung cấp cụ thể vì phương án nào cũng có tác động”, ông Thể nói.
Về trách nhiệm bản thân khi là người đặt bút ký hợp đồng BOT Cai Lậy, ông Thể khẳng định: “Tôi không có tư túi, lợi ích nhóm trong dự án BOT Cai Lậy, không bẻ cong sự thật. Phán quyết như thế nào thì Kiểm toán, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc với toàn bộ các dự án BOT đường Hồ Chí Minh và QL1, trong đó có BOT Cai Lậy. Cơ quan chức năng sẽ công bố đúng sai, nói tôi đúng sai bây giờ tôi cũng không thể nào nhận cho đúng”.
Cũng theo ông Thể, tại một số dự án gần đây, nhiệm kỳ trước, lãnh đạo địa phương có văn bản đồng thuận nhưng qua một nhiệm kỳ, có một số địa phương có văn bản xin dời trạm. Đa số dự án do địa phương đề xuất, Bộ GTVT thấy phù hợp, thỏa thuận bằng văn bản thì mới triển khai.
“Dự án BOT có 7 bộ, ngành chịu trách nhiệm, sau khi hoàn thành, tất cả các cơ quan liên quan đều phải có trách nhiệm. Một số dự án BOT nóng, không chỉ có trách nhiệm của Bộ GTVT mà trách nhiệm của cả địa phương khi HĐND, UBND các địa phương có văn bản đồng ý. Một số dự án mà địa phương đề xuất di dời trạm thì Bộ GTVT không đủ thẩm quyền, vì chúng tôi cũng chỉ là một trong các bên, sẽ báo cáo Chính phủ tính toán. Trách nhiệm như thế nào Chính phủ sẽ cho kết luận”, ông Thể nói.
Điểm nóng BOT lan rộng, khó hút thêm đầu tư
Về giải pháp đưa ra để tránh gây bất ổn xã hội khi một số trạm BOT bị phản ứng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ông Thể cho biết sẽ “tiếp thu, xem xét các phản ứng hợp lý của người dân để điều chỉnh cho tốt. Còn phản ứng không chính đáng, ảnh hưởng đến dòng xe lưu thông là trái pháp luật. Bộ GTVT đã có chủ trương tất cả các trạm phải xả khi ùn tắc đến bao nhiêu ki lô mét, nếu trạm nào không thực hiện, chính quyền địa phương sẽ xử lý nghiêm”.
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, điểm nóng BOT đang lan rộng tại phía nam. Về nguyên nhân, Bộ GTVT thừa nhận việc lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí tại một số dự án còn bất cập, cũng như chất lượng dịch vụ kém, đường hư hỏng, xuống cấp không kịp thời sửa chữa. Bộ trưởng cho rằng, giai đoạn trước tháng 10.2017, khi chưa có nghị quyết của Quốc hội về BOT nên vẫn cho thực hiện trên các tuyến đường đã có. Các trạm BOT làm trên các tuyến đường đã có là nguyên nhân khiến gần đây một số lái xe, bà con, doanh nghiệp phản ứng là tất yếu. Lý do khi mấy chục trạm thu phí vận hành cùng lúc, người dân phải trả phí nhiều. Tuy nhiên, theo ông Thể, nếu vấn đề BOT tiếp tục nóng lên, sắp tới sẽ rất khó kêu gọi đầu tư vào cao tốc bắc - nam.
Thủ tướng chỉ thị bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm phí BOT
Hôm qua (18.1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT.
Thủ tướng yêu cầu: Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, TP cần trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, lập tức có các biện pháp xử lý nghiêm, theo đúng quy định của pháp luật đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an và UBND các địa phương tổ chức giao thông khoa học hơn, cắm biển phân luồng, phân làn hợp lý tại các khu vực trạm thu giá các tuyến tránh, nhất là các trạm đang xảy ra phức tạp. Bộ GTVT cung cấp ngay cho Bộ Công an các hồ sơ, tài liệu chuyên ngành có liên quan đến đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu giá (kể cả đối với các hành vi đưa tin sai sự thật, làm phức tạp tình hình) để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các phần tử gây rối làm mất an ninh trật tự, nhất là các đối tượng đứng đầu, lặp đi lặp lại, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, cùng với Bộ Quốc phòng, các địa phương và UBND các tỉnh, TP xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những lái xe có hành vi cản trở giao thông (như quay đầu xe nhiều lần, cố tình dừng xe trước trạm thu giá rồi bỏ đi làm việc khác...), phá hoại trang thiết bị tại trạm thu giá; các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Bộ trưởng Bộ Công an được yêu cầu chỉ đạo giám đốc công an địa phương giải quyết kịp thời an ninh trật tự tại các trạm thu giá, xử lý nghiêm các trường hợp không nghiêm túc thực hiện; đồng thời chỉ đạo Cục CSGT họp trực tuyến với CSGT các địa phương quán triệt các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Chí Hiếu
|
Bình luận (0)