40% thanh niên Việt Nam có việc làm nhờ bạn bè và gia đình giới thiệu

Thu Hằng
Thu Hằng
29/01/2019 12:05 GMT+7

Phần lớn việc làm ở Việt Nam hiện nay tuyển nhân sự thông qua liên hệ cá nhân. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, khoảng 40% thanh niên có việc làm việc nhờ giới thiệu từ bạn bè và gia đình.

Đây là thông tin Tổ chức Lao động Thế giới tại Việt Nam (ILO) công bố sáng nay, 29.1, nhân dịp Việt Nam phê chuẩn Công ước 88 của ILO - Công ước về Tổ chức Dịch vụ Việc làm.
Theo bà Valentina Barcucci, chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO Việt Nam, một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam, thông tin thị trường lao động là một nguồn dữ liệu quan trọng cho biết thị trường lao động đang biến chuyển như thế nào.
Tuy nhiên, phần lớn việc làm ở Việt Nam hiện nay tuyển nhân sự thông qua liên hệ cá nhân. Theo nghiên cứu của ILO thực hiện dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, có 40% thanh niên có việc làm, tìm được việc nhờ giới thiệu từ bạn bè và gia đình. Công nghiệp hóa, hội nhập vào các thị trường khu vực và toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên đã và đang biến thị trường lao động trở thành nơi mà cơ hội việc làm, yêu cầu về trình độ và kỹ năng trở nên chính thức hơn. Theo đó, cần áp dụng các phương thức kết nối giữa công việc tuyển dụng với người tìm việc hiệu quả và dễ tiếp cận hơn.
“Dịch vụ việc làm có thể cung cấp một tập hợp lớn thông tin thị trường lao động thông qua dữ liệu hành chính từ hồ sơ của người tìm việc, nghề nghiệp theo yêu cầu của người sử dụng lao động và cùng với đó là yêu cầu về kỹ năng, thời gian tìm việc theo hồ sơ của người tìm việc, những vị trí khó tuyển nhân sự và những thông tin khác nữa. Tất cả những dữ liệu này giúp trả lời những câu hỏi như Người sử dụng lao động đang cần những kỹ năng nào? Người tìm việc có tìm được công việc phù hợp với trình độ của họ không? Đối tượng nào cần tìm việc trong thời gian tương đối dài hơn? Những kỹ năng nào đang còn thiếu - và chưa cần đến - trên thị trường lao động?”, bà Valentina Barcucci chia sẻ.
Bà Valentina Barcucci cho biết thêm, Công ước số 88 quy định, một trong những mục tiêu của dịch vụ việc làm là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và dịch chuyển về địa lý. Trong bối cảnh Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến 2025, với định hướng hội nhập kinh tế và văn hóa, ASEAN dự kiến sẽ mở cửa hơn nữa trong một số lĩnh vực, trong đó có cả việc “di chuyển tự do” lao động có kỹ năng. Thúc đẩy dịch vụ việc làm cũng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch khối ASEAN vào năm 2020.
Công ước về Tổ chức Dịch vụ Việc làm là Công ước thứ 22 của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn. Dự kiến trong năm 2019, Việt Nam cũng sẽ gia nhập Công ước số 98 về Quyền được Tổ chức và Thương lượng Tập thể - một trong những công ước cơ bản chưa được phê chuẩn - và Công ước số 159 về Phục hồi Chức năng Lao động và Việc làm (Người khuyết tật).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.