Tại buổi họp báo chiều 29.4 của Bộ Ngoại giao, một buổi họp báo kéo dài hơn thường lệ do rất nhiều thông tin nóng liên quan đến Biển Đông và việc bảo hộ công dân trước tình hình Covid-19 gia tăng căng thẳng, phóng viên đã dẫn việc hãng RFA đưa tin, từ năm 2014, chính quyền của cái gọi là TP.Tam Sa của Trung Quốc đã gửi hồ sơ cho Chính phủ nước này phê duyệt đăng ký nhãn hiệu của 218 thực thể trên Biển Đông; và đề nghị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết quan điểm về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh lập trường của Việt Nam đã được nói rõ nhiều lần về chủ quyền cũng như quyền chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của Việt Nam trên Biển Đông.
Một lần nữa, ông Việt khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982.
"Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển của mình đều vô giá trị và không được công nhận. Việt Nam kiên quyết phản đối", ông Việt cho biết.
Liên quan đến thông tin phía Malaysia đã bắt 3 tàu cá Việt Nam vì cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này, và đề nghị Bộ Ngoại giao cập nhật thông tin về tình hình các ngư dân, ông Việt cho biết, ngay sau khi nhận thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ cơ quan sở tại để đề nghị đối xử nhân đạo với ngư dân, xác minh thông tin, chủ động các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Ngoài ra, Đại sứ quán cũng đề nghị phía Malaysia cung cấp đầy đủ tài liệu và bằng chứng liên quan đến tàu cá để chuyển đến các cơ quan chức năng trong nước điều tra, xử lý nếu có vi phạm.
Theo ông Việt, Việt Nam nhất quán chủ trương phát triển ngành đánh bắt cá theo hướng bền vững, chú trọng bảo tồn phát huy các nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường và hợp tác quốc tế.
Ngư dân Việt Nam luôn được tuyên truyền về việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và các quốc gia, cũng như các cam kết quốc tế liên quan, không xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển khác được xác lập dựa trên UNCLOS 1982, ông Việt khẳng định.
Bình luận (0)