“Người bạn đích thực là người xuất hiện khi ta cần họ”
Tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ý hôm 17.4 đã đăng dòng trạng thái trên, khi máy bay chở hơn 3 tấn vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trao tặng Ý hạ cánh tại sân bay Malpensa (Milan). Đây là một phần của số hàng 550.000 khẩu trang Việt Nam dành tặng Ý, Pháp, Đức, Anh và Tây Ban Nha, những nước giàu có nhất châu Âu, nhưng đang phải đối mặt với thiếu hụt vật tư y tế vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
|
Cho đến nay, tuy cũng phải đối phó với dịch Covid-19, song song với lo phát triển kinh tế, nhưng trong năng lực của mình, Việt Nam đã hỗ trợ hàng chục nước những vật tư y tế cần thiết và đang khan hiếm, để chống dịch.
Ngay từ khi Trung Quốc mới có dịch, đầu tháng 2, Chính phủ đã sớm giao Bộ Ngoại giao cùng Bộ Công thương chuẩn bị mua sắm các trang thiết bị vật tư y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch để gửi tặng Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Ngày 9.2, lô hàng vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD đã được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng trao cho ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam còn gửi tặng khẩu trang và thiết bị y tế cho các nước Lào, Campuchia, Nhật Bản, Mỹ, Nga... Với Cuba, đáp lại việc nước bạn đã hỗ trợ chúng ta một số thuốc để điều trị bệnh Covid-19, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã gửi tặng bạn 5.000 tấn gạo.
|
Thiết lập hệ thống chẩn đoán điều trị với bệnh viện tại Lào
Ngoài hỗ trợ khẩu trang - loại vật tư khan hiếm ở các nước đang bùng phát dịch Covid-19, nhưng lại là mặt hàng Việt Nam sản xuất được, cho các nước phát triển, Việt Nam còn hỗ trợ kỹ thuật xét nghiệm, trị bệnh cho các nước láng giềng khó khăn. Đơn cử Lào, Campuchia đã được Việt Nam hỗ trợ số khẩu trang, quần áo bảo hộ, kit xét nghiệm, hệ thống xét nghiệm Covid-19 trị giá hơn 7 tỉ đồng mỗi nước.
Mới đây, GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã có buổi họp trực tuyến với GS Bounkong Syhavong, Bộ trưởng Bộ Y tế Lào, đi đến nhất trí thiết lập hệ thống kết nối giữa Việt Nam và Lào để hỗ trợ kỹ thuật trong phòng, chống dịch. Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ hệ thống kết nối đường truyền cho phía Lào, đặc biệt là kết nối giữa các bệnh viện của hai nước để tư vấn, trao đổi phương pháp điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19.
|
Thể hiện vai trò, trách nhiệm với quốc tế
Đảm nhận vai trò kép - Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh toàn cầu, mang lại cho Việt Nam nhiều thách thức, ngược lại cũng giúp Việt Nam chứng tỏ vai trò của mình. Ở bình diện khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì 2 hội nghị cấp cao với ASEAN và ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) để đối phó với dịch, qua đó đề xuất nhiều sáng kiến của Việt Nam như: lập Quỹ hợp tác chung của ASEAN ứng phó Covid-19; lập kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh; lập mạng lưới các chuyên gia y tế công cộng của ASEAN và với các đối tác để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát và điều trị các ca bệnh…
“Đứng riêng lẻ, không nước nào có thể tự mình đẩy lùi đại dịch; đoàn kết lại, không hiểm họa nào có thể khuất phục được chúng ta. Bên cạnh đó, ASEAN chính là mái nhà chung để chúng ta cùng nhau vượt qua cơn bão đại dịch này. Tôi cho rằng, các nỗ lực đơn lẻ cần được gắn kết lại, vượt tầm quốc gia, trở thành hành động chung của cả Cộng đồng ASEAN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói sau khi chủ trì thành công 2 hội nghị trên. Theo Thủ tướng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch; phối hợp tổ chức và tham dự nhiều cuộc họp quan trọng với các đối tác như Trung Quốc, EU, Mỹ, WHO và Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến G20 để trao đổi về hợp tác, sớm kiểm soát, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Khó khăn trong dịch bệnh lại khiến Việt Nam chứng minh được bản lĩnh của mình, tuy vẫn còn không ít thử thách phía trước. Truyền thông quốc tế không những đánh giá cao hiệu quả của các giải pháp chống dịch “Made in Việt Nam”, mà còn đánh giá cao hình ảnh Việt Nam trong dịch bệnh: một quốc gia minh bạch, cởi mở, sẵn sàng hợp tác quốc tế; một quốc gia hào phóng, tốt bụng, sẵn sàng gánh vác khó khăn cùng thế giới.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink nhiều lần khẳng định ông tin vào sự minh bạch của Việt Nam trong chống dịch. Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Asazuma Shinichi cho rằng, hình mẫu phòng, chống dịch của Việt Nam được nhiều nước tham khảo. Ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam và Lào cho biết ông ấn tượng với những nỗ lực hiệu quả của Việt Nam để ngăn chặn Covid-19, và ông tin rằng thế giới sẽ chiến thắng nếu đoàn kết cùng nhau.
|
Bình luận (0)