Việt Nam sáng chế thành công chế phẩm sinh học xử lý rác thải nhựa

Thu Hằng
Thu Hằng
18/01/2020 12:41 GMT+7

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) vừa cấp bằng độc quyền sáng chế cho 3 chế phẩm sinh học xử lý rác thải nhựa của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong số 3 chế phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế có 1 chế phẩm được tạo ra từ tổ hợp của 4 chủng nấm đảm mới được phân lập và phân loại định danh. Hai chế phẩm còn lại được tạo ra từ các chủng xạ khuẩn chịu nhiệt phân lập từ đống ủ compost rác thải sinh hoạt, trong đó xạ khuẩn có công dụng phân hủy mạnh hơn nấm đảm.
Các chế phẩm này đã được thử nghiệm trong năm 2019 trên các nhóm túi polymer, plastic, gồm: túi có chứng nhận phân hủy sinh học của EU được thu thập ở Hà Lan, Đức và Séc; túi phân hủy sinh học là sản phẩm nghiên cứu của Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) và loại túi gắn nhãn “thân thiện môi trường” hoặc “phân hủy sinh học” được sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu tại Việt Nam.
Trong đó, “thân thiện môi trường” được hiểu là phải phân hủy 60% trong vòng 2 năm và “phân hủy sinh học” được hiểu là phân hủy hoàn toàn thành nước và CO2.
Kết quả cho thấy, sau 30 ngày thử nghiệm, các enzyme ngoại bào do nấm đảm sinh ra đã phân hủy được các loại túi polymer, plastic có cấu trúc hóa học khác nhau với hiệu suất phân hủy (thể hiện ở khối lượng suy giảm, sự thay đổi hình thái cấu trúc bề mặt, sự xuất hiện các nhóm chức mới và liên kết mới…) theo thứ tự lần lượt là túi có chứng nhận của EU, túi của Viện Hóa học - Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, túi nhập khẩu công nghệ, trong đó túi có chứng nhận của EU mất đi khoảng 34% khối lượng.
Cũng sau 30 ngày xử lý, các enzyme do các chủng xạ khuẩn ưa nhiệt sản sinh hàng loạt ở nhiệt độ cao (55oC) đều có khả năng phân hủy túi polymer, plastic với hiệu suất phân hủy theo thứ tự như đối với nấm đảm. Trong đó, túi có chứng nhận của EU mất đi từ 34 - 37% khối lượng. Đặc biệt, xử lý bằng xạ khuẩn Streptomyces sp.XKBD21, khối lượng phân tử trung bình của túi do Viện hàn lâm KH-CN Việt Nam nghiên cứu đã giảm tới 91%.
Theo nhóm nghiên cứu, các chế phẩm không chỉ thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy của các loại rác nhựa phân hủy sinh học mà cả quá trình ủ compost từ một số loại rác hữu cơ với chất lượng đầu ra “giống như được khử trùng” - có thể dùng vào việc cải tạo đất một cách bền vững hoặc làm phân bón an toàn.
PGS - TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ sinh học, chủ nhiệm đề tài, cho biết chế phẩm sinh học không chỉ thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy của các loại rác nhựa phân hủy sinh học mà cả quá trình ủ compost từ một số loại rác hữu cơ với chất lượng đầu ra “giống như được khử trùng” - có thể dùng vào việc cải tạo đất một cách bền vững.
Các chế phẩm hoàn toàn sử dụng nguồn tài nguyên di truyền của thiên nhiên Việt Nam và được tạo ra trong phòng thí nghiệm, bởi vậy không lo vấn đề cạn kiệt nguồn nguyên liệu.
Sau đề tài này, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu thêm các tổ hợp vi sinh vật, tổ hợp nấm có khả năng đẩy nhanh hơn nữa quá trình phân hủy của các loại rác thải nhựa phân hủy sinh học và tiến tới các loại rác thải nhựa khó phân hủy sinh học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.