‘Vụ Đồng Tâm là điển hình việc thế lực thù địch kích động chống phá’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/03/2021 13:33 GMT+7

Vụ án Đồng Tâm được Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí dẫn chứng trong báo cáo như trường hợp "điển hình" cho việc các thế lực thù địch kích động biểu tình, chống phá Đảng, Nhà nước.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2020 gửi tới Quốc hội.
Theo đó, ông Lê Minh Trí đánh giá tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp; các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố 375.884 vụ, tăng 4.409 vụ (1,18%).
Năm 2016, khởi tố mới 70.430 vụ, giảm 2,8%; năm 2017, khởi tố mới 70.093 vụ, giảm 0,4%; năm 2018, khởi tố mới 72.367 vụ, tăng 3,24%; năm 2019, khởi tố mới 78.723 vụ, tăng 8,8%; năm 2020, khởi tố mới 84.271 vụ, tăng 7%.
Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh, trong đó, nổi lên là các thế lực thù địch và tổ chức phản động tiếp tục lôi kéo những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, lợi dụng triệt để sơ hở, thiếu sót của cơ quan Nhà nước để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; kích động biểu tình, chống đối, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.
Báo cáo dẫn chứng việc một số chức sắc tôn giáo lợi dụng việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa xả thải gây ô nhiễm ven biển một số tỉnh miền Trung đã kích động, xúi giục giáo dân biểu tình, chống đối, bắt giữ người trái pháp luật...
Bên cạnh đó, lợi dụng Quốc hội thảo luận về dự thảo luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt và luật An ninh mạng để kích động gây rối trật tự công cộng, đập phá, hủy hoại tài sản của cơ quan Nhà nước tại một số địa phương, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về chính trị, xã hội.
Báo cáo cũng nêu rõ, “điển hình là vụ giết người, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội”.

Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng

Báo cáo do ông Trí gửi tới Quốc hội cũng cho hay, tội phạm về tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố mới giảm nhưng cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm tại phiên tòa

Ảnh Thái Sơn

Trong một số vụ có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; đã khởi tố, điều tra nhiều người giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước.
Báo cáo dẫn chứng một loạt vụ án điển hình như vụ án tại Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG); vụ án Đinh La Thăng, vụ án Trịnh Xuân Thanh, vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc")...
Về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, báo cáo cho hay, việc khởi tố mới giảm, tuy nhiên tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu băng nhóm diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều vụ giết người thể hiện tính man rợ, manh động.
Nhiều vụ xâm phạm tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet tăng, nhiều vụ quy mô đặc biệt lớn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao của cơ quan tư pháp.
Đặc biệt, báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, xuất hiện nhiều vụ án đan xen giữa tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.
Báo cáo dẫn chứng các vụ án điển hình như vụ Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”) và đồng phạm xảy ra tại tỉnh Thái Bình; vụ Nguyễn Quốc Tuấn (Tuấn cá), Lý Thị Loan (Loan cá) cùng đồng phạm xảy ra tại tỉnh Đồng Nai;...
Báo cáo của ông Lê Minh Trí cũng cho hay, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, phổ biến nhất là hành vi lừa đảo; khởi tố nhiều vụ vi phạm các quy định cho vay tiền của các ngân hàng gây thiệt hại đặc biệt lớn, không có khả năng khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, phát hiện nhiều vụ sản xuất hàng hóa giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm, nhu yếu phẩm, gây bức xúc dư luận xã hội.

Số vụ án về ma túy tăng 31,8%

Tội phạm về ma túy tiếp tục tăng mạnh, hoạt động ngày càng tinh vi và rất liều lĩnh, nhiều đối tượng phạm tội chống trả quyết liệt khi bị bắt giữ. Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy lớn của khu vực và thế giới; khối lượng ma túy vận chuyển trái phép tăng, nhiều vụ có khối lượng đặc biệt lớn; phát hiện một số vụ sản xuất trái phép chất ma túy với quy mô lớn.
Báo cáo dẫn chứng, trong nhiệm kỳ đã khởi tố mới 96.710 vụ án về ma túy, tăng 31,8%.
Báo cáo cho hay, ma túy được vận chuyển qua đường hàng không, đường biển chủ yếu từ châu Phi, châu Mỹ, núp bóng dưới việc nhập khẩu hàng hóa của các pháp nhân; ma túy được đưa vào Việt Nam theo các tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, qua cảng hàng không để vận chuyển đến các cảng biển, tập trung chủ yếu tại khu vực TP.Hồ Chí Minh để chuyển đến nước thứ 3 tiêu thụ.
Ngoài ra, báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao cho hay, tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại và khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng.
Báo cáo cho hay, trong kỳ đã thụ lý 1.642.491 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, tăng 328.790 vụ việc (25%); thụ lý 23.599 vụ án hành chính, tăng 1.306 vụ (5,8%).
Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài; nhiều vụ khiếu kiện hành chính phức tạp, nhiều vụ liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách kinh tế của Nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.