Vụ làm giả tài liệu tại Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên: Không giả mạo chữ ký

Phan Thương
Phan Thương
28/07/2020 22:40 GMT+7

Từ kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Dương, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng, việc tố cáo sai sự thật của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu của tập đoàn, cũng như làm ảnh hưởng đến danh dự cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Liên quan đến hành vụ án “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương vừa có thông báo kết luận giám định về chữ ký trên các văn bản bị bà Lê Hoàng Diệp Thảo tố giác cho rằng làm giả.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tố giác hành vi làm giả tài liệu

Qua đó, theo thông báo kết luận giám định, căn cứ vào kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Dương, chữ ký của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (49 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (47 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TNI) trên các tài liệu gồm: 2 biên bản và quyết định ngày 7.12.2009 của Đại hội cổ đông, về việc mua cổ phần Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên và cử người đại diện quản lý phần vốn góp; 3 biên bản họp đại hội cổ đông, vào các ngày 3.1.2012, ngày 5.4.2013 và ngày 22.11.2013; một danh sách cổ đông Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên, đều do ông Vũ và bà Thảo ký ra.
Trước đó, theo đơn thư tố giác của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ngày 22.4.2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Cụ thể, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có đơn thư tố giác ông Nguyễn Duy Phước, Trưởng phòng Pháp lý Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, có hành vi làm giả các tài liệu như: Biên bản họp và quyết định của đại hội đồng cổ đông, không ghi ngày mà chỉ ghi tháng 12.2011 của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên để cung cấp cho TAND TP.HCM nhằm chứng minh cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người đại diện toàn bộ vốn góp của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên tại Công ty CP và phê hòa tan Trung Nguyên.
Ngoài ra, bà Thảo cũng tố giác biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 26.12.2011 và quyết định của Đại hội đồng cổ đông ngày 3.1.2012 của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên nộp cho Sở KH-ĐT Bình Dương để làm thủ tục đăng ký thay đổi doanh nghiệp lần thứ 8 đối với Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên cũng có dấu hiệu làm giả.
Theo bà Thảo, mục đích của việc làm giả giấy tờ tài liệu nhằm tước đoạt quyền sở hữu và quản lý của bà Thảo tại Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên, gây thiệt hại cho công ty này trên 4.000 tỉ đồng.

Không chứng minh được tội phạm, đình chỉ điều tra vụ án

Liên quan đến nội dung tố giác của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và kết luận giám định nêu trên, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng, việc tố cáo sai sự thật của bà Thảo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu của tập đoàn, cũng như làm ảnh hưởng đến danh dự cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ, làm xáo trộn tâm lý của hơn 5.000 lao động đang làm việc tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Về việc này, luật sư Nguyễn Thanh Sơn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, sau khi khởi tố vụ án, mà không chứng minh được tội phạm thì Cơ quan CSĐT sẽ phải ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Đồng thời, người bị tố giác nếu cho rằng việc tố giác có chủ đích, nhằm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín thì có thể đề nghị CQĐT xem xét xử lý người tố giác sai sự thật hành vi “vu khống”.
Ngoài ra, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng nêu, trường hợp hành vi tố giác là sai sự thật, nhưng chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “vu khống”, song nếu người bị tố giác cho rằng việc tố giác đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của mình thì có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu được bồi thường thiệt hại, xin lỗi công khai.

Tập đoàn Trung Nguyên mong mỏi sớm được ổn định phát triển

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc truyền thông của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên cho biết mong mỏi lớn nhất của tập đoàn cũng như của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, là TAND tối cao sớm có kết quả giám đốc thẩm vụ án tranh chấp ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Từ đó, Tập đoàn Trung Nguyên sẽ tập trung ổn định phát triển việc kinh doanh.
Trước đó, ngày 5.12.2019, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm và tuyên án đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trong đó, HĐXX phúc thẩm công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ.
Về tài sản, tòa buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo gần 1.200 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán này, ông Vũ có quyền liên hệ các cơ quan chức năng để làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh theo quy định pháp luật.
Ngày 13.1.2020, ông Đặng Lê Nguyên Vũ thi hành án thanh toán xong phần chênh lệch tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo; đồng thời liên hệ cơ quan chức năng để làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên, sau đó, Viện KSND tối cao lại có quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan, và giao vụ án cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.