Vụ liên minh sản xuất tân dược giả: Tranh cãi hàng giả hay hàng nhái?

Phan Thương
Phan Thương
12/03/2021 18:25 GMT+7

Các bị cáo lấy nguyên liệu do các công ty khác sản xuất trộn với nhau, sau đó làm giả các nhãn hiệu một số thực phẩm chức năng và tân dược có thương hiệu, nhằm thu lợi bất chính. Vậy, đây là hàng giả hay nhái...

Trong đó, Nguyễn Đình Lạc Thư (46 tuổi, Phó giám đốc Công ty TNHH TM Asia Pharmacy, trụ sở tại P.Tân Quy, Q.7, TP.HCM), Nguyễn Đình Thái Dương (44 tuổi, em ruột của Thư) bị xét xử về 2 tội danh trên; Lê Văn Khối (61 tuổi, quê Long An, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đông Dược Việt) bị xét xử về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.
6 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Đình Kính Như (38 tuổi, là em ruột của Lạc Thư), Trần Thị Châu Thanh (39 tuổi, quê Quảng Ngãi), Nguyễn Thành Xuân (45 tuổi, quê Long An), Thạch Đết (29 tuổi, quê Lâm Đồng), Nguyễn Đình Bảo (35 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM), Dương Văn Toản (36 tuổi, quê Nghệ An) bị xét xử về 1 trong 2 tội danh trên.

Làm giả nhiều loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng

Theo cáo trạng, chủ mưu cầm đầu là Nguyễn Đình Lạc Thư và Lê Văn Khối. Theo đó, trưa 25.7.2019, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM bắt quả tang Nguyễn Đình Thái Dương đang giao nhận 20 thùng (mỗi thùng 200 hộp) thực phẩm chức năng giả tại địa chỉ 64/24Z Hòa Bình, P.5, Q.11 (TP.HCM).
Tại đây, cơ quan chức năng bắt quả tang Trần Thị Châu Thanh và Thạch Đết đang sản xuất thuốc giả. Công an xác định hộ kinh doanh Nguyễn Đình Lạc Thư tại địa chỉ nói trên là địa điểm Nguyễn Đình Lạc Thư sản xuất thuốc giả nhãn hiệu B. (thuốc lợi gan mật) và thuốc cốm nhãn hiệu X.
Cũng tại địa chỉ trên, Thư giao Nguyễn Đình Thái Dương trực tiếp điều hành sản xuất, bán tân dược, thực phẩm chức năng giả cho các đối tác. Ngoài ra, Thư sản xuất nguyên liệu bán thành phẩm dùng để làm giả các loại thuốc như: viên giải rượu, sâm nhung bổ thận, hoạt huyết dưỡng não, siro ho...
Đối với Lê Văn Khối, bị cáo này là người trực tiếp cung cấp số lượng lớn bao bì, vỏ hộp giấy cho Nguyễn Đình Lạc Thư đóng gói thuốc, thực phẩm chức năng giả. Sau đó đến khoảng tháng 10.2018, Khối tiến hành sản xuất, mua bán thực phẩm chức năng giả các thương hiệu B., X., viên giải rượu, sung nhâm bổ thận… cùng Thư, cụ thể: Thư đưa mẫu thật để Khối sản xuất hàng giả. Sản xuất xong, Khối cho người giao cho Thư.
Các loại thuốc giả do Thư và Khối sản xuất được phân phối tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Tổng cộng, Cơ quan CSĐT thu giữ hơn 14.000 hộp thuốc, thực phẩm chức năng giả các loại, trị giá hơn 2 tỉ đồng.

Tranh luận hàng giả hay hàng nhái 

Tranh luận lại, luật sư của Thư và một số bị cáo đề nghị HĐXX phân hóa lại hành vi của từng bị cáo để xem xét mức hình phạt nhẹ hơn mức hình phạt do VKS đề nghị.
Riêng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Xuân, cho rằng thân chủ mình không phạm tội “sản xuất hàng giả là thực phẩm” như cáo trạng truy tố.
Theo luật sư Tú, trước đây hành vi của các bị cáo có thể xét xử về tội danh này. Nhưng theo bộ luật Hình sự - BLHS năm 2015, bổ sung tội danh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 226 BLHS, rằng người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự.
“Hơn nữa tại tòa, qua lời khai của các bị cáo, thuốc được cho là làm giả có khả năng chữa bệnh, hỗ trợ chức năng. Đồng thời, kết luận giám định bổ sung đều ghi nhận giả về nhãn mác, thuốc có thành phần hóa học”, luật sư Tú nêu.
Từ đó, luật sư này đề nghị HĐXX áp dụng tội danh mới này cho các bị cáo.
Đối đáp trở lại, VKS nêu, nếu bị cáo giả về mẫu mã thương hiệu thì có thể hành vi này là tội danh theo Điều 226 như luật sư nêu. Song, trong vụ án này, ngoài giả mẫu mã, thương hiệu, các bị cáo còn giả nhiều nội dung khác, tức người tiêu dùng bị lừa. Vì vậy, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm tội danh như cáo trạng truy tố.
Luật sư Tú tiếp tục tranh luận, cho rằng giả bao gồm giả hình thức, nội dung, chất lượng. Trong đó, BLHS 2015 đã chuyển một phần hành vi của bộ luật cũ, là vi phạm nhãn hiệu, chuyển sang tội danh mới là tội vi phạm sở hữu công nghiệp. Hơn nữa, khi công ty sản xuất dược phẩm này không thể được nhà nước cho đăng ký những sản phẩm đã có mặt trên thị trường. Vì họ không được đăng ký và muốn nhái thương hiệu nổi tiếng, gây nhẫm lẫn cho người tiêu dùng. 
Sau phần tranh luận và nói lời sau cùng, HĐXX thông báo sẽ nghị án kéo dài, tuyên án vào ngày 15.3 tới.
Trong buổi chiều, đại diện Viện KSND TP.HCM phát biểu quan điểm khẳng định hành vi làm hàng giả của các bị cáo làm thiệt hại về quyền lợi cho người tiêu dùng, gây ảnh hưởng về sức khỏe của người sử dụng…Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Thư 17 – 20 năm tù, Dương từ 14 -17 năm tù, Khối từ 9 – 10 năm tù, Như bị đề nghị mức án từ 6 – 7 năm tù, các bị cáo còn lại bị VKS đề nghị từ 3 – 16 năm tù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.