Vụ rò rỉ 'ảnh nóng' trong rạp CGV: Nạn nhân có quyền đòi bồi thường thiệt hại

Ngọc Lê
Ngọc Lê
01/08/2018 15:54 GMT+7

Cặp đôi bị nhân viên rạp phim CGV phát tán 'ảnh nóng' có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự đối với hình ảnh, bí mật đời tư của mình.

Như Thanh Niên đã đưa tin, mới đây một nhân viên CGV đã chụp lại màn hình camera giám sát trong cụm rạp với "ảnh nóng" của một cặp đôi nam nữ rồi tung lên mạng. Phía CGV cho biết đã đình chỉ công tác tạm thời một nhân viên cụm rạp này
Việc rò rỉ "ảnh nóng" của khách xem phim ở cụm rạp CGV gây ra nhiều tranh cãi trái chiều với sự quan tâm đặc biệt về vấn đề quyền riêng tư cá nhân.
Không được sử dụng, lan truyền hình ảnh người khác từ camera
Trả lời PV Thanh Niên, Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết đối với vấn đề sử dụng camera an ninh bên trong phòng chiếu phim, pháp luật không có quy định cấm nào về việc lắp camera. Các phòng chiếu phim hoàn toàn có thể sử dụng camera làm công cụ kiểm soát an ninh hay ghi nhận lại những sự cố ngoài ý muốn cần xử lý.
Tuy nhiên, việc sử dụng camera trong phòng chiếu phim phải đúng với mục đích sử dụng, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật, quy định phòng chiếu đặt ra. Và chỉ những người được phân công, có trách nhiệm giám sát, hoặc trường hợp cần thiết được sự cho phép của các cấp thẩm quyền, mới có quyền xem và sử dụng các hình ảnh mà camera ghi nhận lại.
Việc lan truyền, sử dụng bừa bãi các hình ảnh của người khác từ camera, nếu việc sử dụng đó chưa được sự cho phép của "chính chủ", làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh bị phát tán, là xâm phạm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo LS Công, Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng bảo vệ người bị lan truyền hình ảnh từ camera ngoài ý muốn gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Ai bảo vệ quyền riêng tư cá nhân của khách hàng đi xem phim?
Trả lời về vấn đề quyền riêng tư của cá nhân khi xem phim trong rạp, LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) đánh giá, khi sử dụng các dịch vụ trong rạp chiếu phim, có nghĩa là người đi xem phim phải tuân thủ các quy định tại phòng chiếu.
"Mặc dù vậy, khi sử dụng dịch vụ này, khách xem phim vẫn được pháp luật bảo vệ các quyền công dân của mình, đơn cử là quyền riêng tư khi xem phim trong rạp, theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015", LS Trang cho biết.
Luật sư Trang phân tích thêm: "Theo đó, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Nếu trong trường hợp không có pháp luật khác quy định thì các hình ảnh riêng tư được ghi lại không được sử dụng, công khai nếu không được chủ nhân cho phép".
CGV cho rằng điều này chưa từng xảy ra ở CGV từ trước đến nay, và khẳng định đặt camera chỉ để kiểm soát các vấn đề an ninh ẢNH: CGV CUNG CẤP
Có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại
LS Công đánh giá trong sự việc rò rỉ "ảnh nóng" trong rạp CGV, hành vi của đôi nam nữ đã vi phạm quy định tại phòng chiếu. Tuy nhiên hình ảnh của họ lại thuần túy là chuyện riêng tư, cá nhân. Không ai được soi mói vào đời tư, đem hình ảnh, nội dung cuộc sống riêng tư của người khác phát tán ra xã hội.
Như vậy hành vi phát tán hình ảnh mang tính “nhạy cảm” của nhân viên rạp chiếu phim CGV là hoàn toàn sai trái, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, thậm chí còn có dấu hiệu xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, được quy định tại các Điều 32, 34, 38 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo LS Công, cặp đôi trong vụ rò rỉ "ảnh nóng" trên có quyền yêu cầu rạp chiếu phim CGV xác minh, xử lý trách nhiệm cá nhân, yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, quyền nhân thân đối với hình ảnh, bí mật đời tư của mình.
Về vấn đề bồi thường, LS Trang cho biết theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, mức yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần bao gồm các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Người bị hại cũng có quyền yêu cầu bù đắp tổn thất tinh thần. Mức yêu cầu này do các bên thỏa thuận nhưng tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Ngoài ra, họ cũng có quyền yêu cầu người cố ý tung "ảnh nóng" lên mạng phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền về hình ảnh (xóa bỏ hình ảnh bị phát tán), xin lỗi công khai. 
Chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính về loại hành vi tương tự
Để hạn chế những sự việc tương tự lặp lại, LS Công cho rằng cần thiết phải tăng cường giáo dục cùng với thiết lập quy định pháp luật hành chính để xử lý nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm.
Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân, thiết lập kênh thông tin trực tuyến (điện thoại, trang web...) để người bị xâm phạm có thể khiếu nại, tố cáo kịp thời các hành vi vi phạm. Mặt khác, cũng cần phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của người dân về vấn đề bảo mật thông tin cũng như vấn đề tôn trọng quyền riêng tư, quyền được bảo vệ hình ảnh, thông tin cá nhân.
Theo LS Công, hiện nay chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính về loại hành vi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.