Khai báo giữa chủ đầu tư và nạn nhân bất nhất
Nguồn tin từ Sở Công thương, khoảng 13 giờ 30 ngày 25.5, tại công trình thủy điện Plei Kần (xã Đăk Nông, H.Ngọc Hồi, Kon Tum) đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 3 người chết và 3 người bị thương nặng.
Nhận được tin báo, Sở Công thương phối hợp Sở LĐ-TB-XH Kon Tum kiểm tra hiện trường, tổng hợp báo cáo sơ bộ. Tuy nhiên theo ông Nhất, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể vì giữa nạn nhân và chủ đầu tư có thông tin khai báo ban đầu khác nhau hoàn toàn.
|
Cụ thể, theo báo cáo của chủ đầu tư là Công ty CP Tấn Phát (Kon Tum) thì sự việc xảy ra khi một số công nhân đang trong quá trình di chuyển đến chỗ làm việc. Khi đi trên mép bờ của cụm đầu mối, do bất cẩn, các công nhân ngã từ trên cao xuống. Trong lúc hoảng loạn, các công nhân đã lôi kéo nhau dẫn đến việc 6 công nhân rơi từ trên cao xuống nước.
Trong khi đó, người bị nạn thì thông tin: tai nạn xảy ra khi 6 công nhân đang đứng trong 1 rọ sắt để tiến hành đục bê tông trên trụ pin của van phẳng xả lũ. Trong lúc đang làm việc thì dây cáp bất ngờ bị đứt khiến cả 6 công nhân bị rơi xuống sông.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng công nhân có mặt trên công trường đã tổ chức cứu vớt, hô hấp nhân tạo nhưng 3 công nhân đã tử vong; 3 công nhân bị thương được đưa về Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu (gồm: A Thiêng, 23 tuổi; A Đục, 23 tuổi, cùng ngụ TT.Plei Kần, H.Ngọc Hồi và A Xen, 16 tuổi, ngụ thôn H.Đăk Tô, Kon Tum).
Theo ông Nhất, hiện tại chưa thể xác định được nguyên nhân của vụ tai nạn lao động này. Sau khi cơ quan công an điều tra, làm rõ sẽ có hướng xử lý các bên liên quan.
Sử dụng lao động trái luật ?
Trong số các công nhân gặp nạn, theo khai báo ban đầu, có một công nhân mới 16 tuổi là A Xen. Trao đổi với PV về việc thủy điện có làm trái luật khi sử dụng lao động 16 tuổi, ông Đặng Thanh Bình, Phó chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH Kon Tum, cho hay với công việc này mà sử dụng lao động 16 tuổi là trái với quy định pháp luật, nhưng sở vẫn đang chờ kết quả điều tra mới có hướng xử lý. “16 tuổi mới là lời khai ban đầu của nạn nhân. Bây giờ họ đang điều trị nên chưa xác định được. Còn nhiều vấn đề lắm. Bản thân người bị nạn còn phải cung cấp giấy tờ tùy thân, lúc đó mới chứng minh được họ bao nhiêu tuổi, doanh nghiệp sử dụng lao động có sai hay không”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, Sở LĐ-TB-XH Kon Tum vẫn thường xuyên đi kiểm tra những công ty, doanh nghiệp sử dụng lao động vị thành niên nhưng chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng lao động vị thành niên làm việc trong các lĩnh vực nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại.
Ông Bình cho biết thêm: “Phải chờ kết luận điều tra, sơ đồ hiện trường, lúc đó mới thành lập đoàn điều tra tai nạn để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Sau khi những nạn nhân bị thương được điều trị xong sẽ đưa đi khám xem mức độ suy giảm khả năng lao động đến đâu để tiến hành bồi thường”.
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Quân, Tổng giám đốc Công ty CP Tấn Phát, cho hay đối với các lao động tử vong, trước mắt công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng theo phong tục địa phương; hỗ trợ ban đầu gia đình mỗi nạn nhân tử vong 20 triệu đồng; hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị đối với 3 nạn nhân bị thương đang được cứu chữa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum.
Bình luận (0)