Tôi nhớ ngày hôm ấy, vợ đã thuyết phục tôi gom hết số vàng ít ỏi mà cả hai đã dành dụm từ ngày cưới nhau, để thuê mặt bằng dài hạn, và vợ tôi sẽ lèo lái một quán bún mắm như mơ ước từ bao lâu qua của cô ấy.
Ước mơ nào cũng phải đương đầu với một cuộc chiến
Thoạt tiên, ai cũng nghĩ việc thuê một cơ sở để kinh doanh gì đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đó là việc bình thường của những người có tiền, hoặc có tâm thế sẵn sàng được ăn cả ngã về không. Chúng tôi có thể ăn cả, nhưng không thể ngã về không được, khi sau lưng vẫn còn con cái và bố mẹ ngày ngày cần sự chăm sóc của vợ chồng tôi.
Khi tôi nhìn vào mắt vợ mình, và thấy được khát khao phải làm cho bằng được mơ ước, cũng như tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến, tôi gật đầu ngay với vợ mà không đắn đo. Ai lại chẳng muốn giúp vợ mình chứ!
Số vàng ít ỏi cùng khoản tiền vay mượn thêm của vợ tôi đã nhanh chóng hình hài nên một mặt bằng con con, rộng tầm 20 m2. Diện tích ấy tuy nhỏ, nhưng nó đủ để chứa trọn 1 xe hàng, 5 cái bàn sau nhiều năm đắn đo, suy tính của cô chủ thận trọng.
Từ khi có cơ sở rõ ràng, vợ tôi lao vào cuộc chiến đầu tư chất lượng tô bún, xây dựng quan hệ khách hàng, “điều tra” nguồn cung nguyên liệu đầu vào...
“Bươn chải vì ước mơ” là từ xa lạ với vợ tôi, người vốn quen nhìn giá tôm, giá thịt hơn nhìn chữ nghĩa. Nhưng khi thấy vợ lao tâm khổ tứ đêm ngày, để gìn giữ và phát triển cơ sở bún mắm mơ ước của mình, tôi biết, dù là nơi phố bên lề, ước mơ nào cũng phải đương đầu với một cuộc chiến.
|
Quán bún mắm của vợ tôi nhanh chóng đông khách, và cuộc sống mới cũng từ từ mở ra với gia đình tôi. Mỗi khi kết thúc ngày buôn bán lao lực, nghe giọng cười giòn tan của vợ, tôi hiểu thêm cảm giác chiến thắng được ước mơ là điều vô cùng hạnh phúc. Chúng tôi đã mơ mộng về những phát triển khác từ thành công của cơ sở bún mắm hiện tại. Vợ tôi muốn mở rộng giấc mơ của mình.
Quyết không đầu hàng hoàn cảnh, để giành lại giấc mơ đã mất
Nhưng tháng ngày hạnh phúc không kéo dài được bao lâu, khi những giọt mồ hôi của vợ tôi còn chưa kịp tưới tắm cho những dự định, thì dịch Covid-19 âm thầm kéo về tàn phá mọi thứ. Tôi bị nghỉ việc, con nghỉ học, còn quán bún mắm của vợ tôi thì leo lét qua ngày trong vắng lặng.
Nhiều lần tôi kiếm cớ đi ngang hàng bún của vợ mình, nhìn vào quán vắng tanh, thấy vợ ngồi buồn hiu, lọt thỏm giữa những cái bàn còn đầy ắp gia vị trong xế trời dần chiều. Tôi ước mình đừng đi ngang, để đừng thấy vợ trong tình cảnh như vậy.
Rồi cơ sở bún mắm của vợ tôi cũng phải đóng cửa. Đêm ấy, vợ chồng tôi chẳng nói nổi một lời nào. Vợ quay sang tôi, khẽ ôm hờ như cố tìm giấc ngủ, vai tôi âm ấm những giọt nước mắt của cô ấy.
Chủ nhà lấy lại mặt bằng, giấc mơ của vợ tôi chính thức khép lại, khoản nợ dư âm từ giấc mơ đã tắt ngấm của vợ lại bắt đầu nở ra, giữa lúc Covid-19 đang làm mưa làm gió khắp nơi.
Không đầu hàng nghịch cảnh, vợ tôi nhanh chóng cương quyết đối đầu với Covid-19 thay vì bó gối buồn bã tại nhà, bằng việc tiếp tục buôn bán. Lần này là bán gỏi cuốn, vì đó là món ít vốn nhất. Ban đầu, vợ bán giao tận nhà cho khách.
Khi mọi thứ được nới lỏng hơn, vợ vay thêm bà con chút ít để sắm chiếc xe bán gỏi cuốn, bò bía, và ngày ngày cô ấy đẩy xe ra ngoài ngã ba khu phố, đối diện quán bún mắm đã từng là của mình “khi xưa” để bắt đầu giai đoạn mới, giai đoạn từ quán… “rớt” ra vỉa hè.
Vậy mà 1 năm đã trôi qua, vợ tôi ríu rít khoe đã trả hết nợ nần nhờ xe gỏi cuốn này, và cô ấy đang tích lũy từng chút một, quyết không đầu hàng hoàn cảnh, để giành lại giấc mơ đã mất.
Trước đây, mơ ước của vợ tôi khép lại vì Covid-19, và giờ đây, cô ấy đã mạnh mẽ hơn sau cú ngã bất ngờ ấy, để làm lại từ đầu, bất chấp Covid-19 vẫn còn lởn vởn đâu đây.
Tôi biết, chiếc xe gỏi cuốn của vợ mình chỉ nhỏ nhoi thôi, nhưng trong nó lại chở đầy nghị lực và niềm tin không hề bị Covid-19 đánh bại.
Bình luận (0)