Lê Thống Nhất và ‘con ngựa thồ’ sống đẹp như Lục Vân Tiên thời nay

08/04/2021 09:26 GMT+7

Nhiều người dân Gia Lai cũng như ở Việt Nam làm công tác thiện nguyện biết Lê Thống Nhất ở phố núi Pleiku với hình ảnh 'con ngựa thồ' là chiếc xe bán tải cũ kỹ...

Nhiều người dân Gia Lai cũng như ở Việt Nam làm công tác thiện nguyện biết Lê Thống Nhất ở phố núi Pleiku với hình ảnh 'con ngựa thồ' là chiếc xe bán tải cũ kỹ cùng ông chủ dáng bụi bặm, bao năm cần mẫn sẻ chia khó khăn với đồng bào vùng sâu vùng xa. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi ở Gia Lai, anh ngược xuôi tham gia hỗ trợ chống dịch khiến nhiều người nể phục.

Gian khó, có Nhất!

Tôi gặp Nhất trong một chiều muộn phố núi, anh kể mới đi kiểm tra công trình giếng nước sạch do một tổ chức thiện nguyện ở TP.HCM kết nối tài trợ.
“Giếng nước thì xong rồi nhưng đợt dịch Covid-19 vừa rồi nên các cháu học sinh không đến lớp được. Do vậy không thể thả máy bơm xuống. Toàn đồ có giá trị cả, không ai trông coi kỹ càng, chưa vận hành trơn tru nên mình chưa cho nghiệm thu dù nhà thầu hối thúc. Mình nói đơn vị tài trợ chậm một thời gian đã rồi mới hoàn công, thanh toán tiền đầy đủ. Người ta đã thông qua mình, trao toàn quyền cho mình rồi thì mình phải có trách nhiệm. Lần này còn có lần sau. Với lại học sinh, bà con bản địa có được nguồn nước sử dụng lâu dài cũng yên tâm”, Nhất nói.
Sinh đúng ngày 30.4.1975, ba mẹ đặt luôn tên cho anh là Lê Thống Nhất. Anh đùa rằng chả thấy nhất đâu, bao năm nay toàn đứng sau, cùng chung tay với mọi người chia sẻ gian khó với những phận người khó khăn, cuộc sống đồng bào nơi xa vắng.
Anh Nhất làm công việc thiện nguyện này một cách lặng lẽ, tránh truyền thông, tránh những hình ảnh trên mạng xã hội. Cứ vậy, cặm cụi từng chuyến hàng, khi thì nhu yếu phẩm, khi thì quần áo cho bà con, tôn lợp nhà… Anh còn kết nối, chung tay với các tổ chức thiện nguyện khác ở TP.HCM khoan giếng, xây cầu cho người dân, cộng đồng khó khăn.
Cứ vậy, cặm cụi làm, không nề hà bất cứ khó khăn, gian khổ và thậm chí là nguy hiểm nữa. Nhớ có lần anh Nhất cùng chúng tôi đến Kon Pne, H.Kbang - xã xa nhất tỉnh Gia Lai với đường đi gần 200 km để tổ chức trung thu cho các cháu. Cơn mưa dầm cùng với đoạn đường đang làm khiến chuyến đi càng nguy hiểm. Bởi phải vượt qua một dốc dài trơn trượt, bên dưới là vực thẳm. Chỉ sơ sẩy một chút thì…
Hôm đó, dù tay lái khá cứng nhưng anh Nhất vẫn phải đầu hàng vì bánh xe lọt xuống bùn cứ quay tròn, không cách gì di chuyển được. Trời thì mưa tầm tã. Vậy là phải ở lại bên đường, hôm sau nhờ xe ở xã ra hỗ trợ mới đến được. Đó là một trong rất nhiều gian khó, nguy hiểm mà Nhất và các bạn đồng hành của mình phải đối mặt trong bao năm qua.

Anh Lê Thống Nhất cùng nhóm thiện nguyện của mình hỗ trợ nước uống, thực phẩm cho Bệnh viện đa khoa Gia Lai

Ảnh: TRẦN VĂN

Anh Nhất kể ở nhà luôn có sẵn vài tấn quần áo cũ để giúp cho người dân vùng sâu vùng xa. Anh nói: “Có nhiều người bán quần áo biết mình làm thiện nguyện nên họ cũng rất nhiệt tình hỗ trợ. Thỉnh thoảng lại gọi điện cho đồ. Mình mang hết về nhà, lựa chọn rồi ai cần thì hỗ trợ hay chở đến tận nơi”.
Đằng đẵng như vậy, mỗi năm Nhất và những người đồng hành của mình huy động gần cả tỷ đồng để làm từ thiện.

Chống dịch Covid-19 kiểu… của Nhất

Trước Tết Nguyên đán 2021, ngành chức năng lẫn người dân Gia Lai sững sờ khi nhận tin không vui: 2 trường hợp từ Hải Dương về dương tính với Covid-19. Không khí những ngày cận Tết chùng hẳn. Mọi kế hoạch vui chơi dịp Tết đảo lộn. Trong khi mọi người ở nhà, thì ngược lại, Anh Nhất liền xông ra đường tích cực tham gia phòng chống dịch.
Thời gian này, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai phải “phong tỏa” 2 ngày để soát xét toàn bộ vì có bệnh nhân điều trị ở đây dương tính với Covid-19. Anh Nhất kể: “Lúc đó lo thật sự chứ. Hơn cả ngàn con người ở đó, lỡ có việc gì thì đúng là họa thật. Những ngày đó, việc ăn uống là ổn vì đã có chính quyền TP.Pleiku lo rồi. Mình gọi vào anh em trong đó cần gì, họ nói là cần nước uống đóng chai vì tiện lợi. Mình huy động các nơi có ngay 2.400 chai nước suối chở ra hỗ trợ lực lượng tham gia trực tiếp ở bệnh viện. Nhóm của mình cũng “cứu trợ” ngay kha khá sữa, mỳ tôm nữa”.
Dịch Covid-19 xảy ra, anh Nhất cũng kịp thời huy động được 300 bộ quần áo bảo hộ tặng cho lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch. Hàng ngàn lọ nước sát khuẩn, hàng chục ngàn khẩu trang cũng đã được nhóm của anh huy động, kịp thời đưa đến những nơi phòng chống dịch.
Gia Lai có dịch Covid-19 cũng là lúc thấy rõ bao tấm lòng của người dân phố núi. Họ tặng khẩu trang, huy động thực phẩm hỗ trợ người dân vùng dịch. Nhóm thiện nguyện của anh Nhất cũng huy động làm được hơn 5.000 tấm kính ngăn giọt bắn hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch. Anh cũng là một trong những người bảo trợ cho một số bếp ăn tập thể nên càng lo hơn.

Chỗ nào cần hỗ trợ, anh Lê Thống Nhất (áo đen) sẵn sàng!

Ảnh: TRẦN VĂN

Anh Nhất nói: “Khoảng tầm 5 giờ sáng là một số chị em buôn bán rau ở chợ đêm hay gọi cho các loại rau củ. Vì thế điện thoại mình luôn để sẵn để họ gọi thì chạy ra ngay cho kịp người ta dọn hàng về. Mình nhận xong thì chở cho một số bếp ăn tập thể còn khó khăn ở TP.Pleiku và ở H.Mang Yang. Được cái mọi người biết mình cũng nhiều nên nhiều nơi hay gọi hỗ trợ. Vậy là vui rồi!”
Công việc làm các sự kiện nho nhỏ, các quầy hàng khi có trưng bày, hội chợ may ra chỉ đem đến nguồn thu tương đối trong mưu sinh của anh Lê Thống Nhất. Rất may mắn, 2 cô con gái ngoan, học giỏi cùng cô vợ đảm đang luôn là chỗ dựa vững chắc để anh có thể nối dài sự sẻ chia ấy đến với bao cảnh đời, bao thận phận và cộng đồng còn gian khó ở những bản làng xa vắng nơi cao nguyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.