‘Ngạt thở’ khi Covid-19 ập đến, tôi tưởng tôi ‘toang’

03/04/2021 14:48 GMT+7

Hồi TP.HCM phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phòng dịch Covid-19, tôi tưởng tôi... "toang".

Những áp lực cơm áo gạo tiền bủa vây khiến tôi ngạt thở... Vậy mà giờ tôi vẫn sống "phà phà", khỏe re. Có lẽ là vì tôi biết... bình tĩnh sống "vượt qua Covid-19".

Tôi dành dụm những tờ tiền 1, 2 ngàn mà khách thương tình "boa" cho

Khi dịch Covid-19 hoành hành căng thẳng ở TP.HCM, chủ cơ sở sản xuất nước uống đóng bình nơi tôi làm việc, thông báo "tạm ngừng hoạt động". Vì bao nhiêu doanh nghiệp may mặc, thủy hải sản..., những mối hàng thân thiết của cơ sở đã tạm ngừng kinh doanh.
Lúc đó, tôi nghĩ về con số 4,7 triệu đồng, mức lương tôi nhận được hàng tháng. Dẫu không nhiều nhưng đủ để tôi trang trải cuộc sống ở thành phố này. Giờ nghỉ việc, lấy tiền đâu để đóng trọ, sinh hoạt, ăn uống?... Tôi căng thẳng như dây đàn. Đầu óc như muốn vỡ tung.
Sau nhiều ngày nằm lì trong phòng trọ, tôi thức giấc và thấy mình... hạnh phúc. Vì "hạnh phúc là thở một hơi/ biết mình vẫn sống với đời, thế thôi".
Tôi hiểu, nếu tiếp tục chuỗi ngày ủ rũ thì chỉ có... đói, phải cuốn gói về quê. Khoảnh khắc ấy, tôi nhớ lại một câu thật hay đã từng đọc, rằng: "Tàu bị chìm không phải do nước bên ngoài mà là do nước tràn vào. Đừng để những chuyện xung quanh ảnh hưởng xấu đến bạn" (Khuyết danh).
Tôi lật đật đăng ký làm shipper. Công việc cực, phải rong ruổi thường xuyên ngoài đường dù mưa hay nắng, nhưng giúp tôi có đồng ra đồng vào. Tôi miệt mài chắt bóp từng cuốc xe trị giá chỉ 12, 13 ngàn đồng. Tôi dành dụm những tờ tiền 1, 2 ngàn mà khách thương tình "boa" cho... Thế mà cũng đủ giúp tôi bươn qua những ngày khốn khổ.

Tôi làm "thợ đụng", ai kêu gì tôi cũng... gật đầu

Để có thêm thu nhập, tôi chẳng nề hà bất kỳ công việc chân tay nào. Tôi làm "thợ đụng", ai kêu gì tôi cũng... gật đầu. Từ chăm sóc cây cảnh cho cửa hàng ở Q.10, đến khuân vác ở chợ đầu mối Bình Điền... Nhờ vậy mà tôi "sống ổn". Thậm chí thu nhập cao hơn cả mức lương ngày trước. Quan trọng hơn, tôi thấy mình được khai phá bản thân, có thể làm được mọi việc dù là khổ ải trần ai.
Những ngày dịch giã, tôi hay gọi điện về cho ba má chuyện trò, hỏi thăm sức khỏe, tỏ bày tình cảm. Những điều mà trước đây, vì ngại ngùng, vì sợ "sến súa", vì vòng xoáy của cuộc sống vội vã... khiến tôi vô tâm bỏ qua. Nhưng giữa cơn nguy của dịch bệnh, đã cho tôi có cơ hội sống đúng với bản ngã, tìm được con người thật nguyên gốc của chính mình.
Cũng trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, tôi hay tìm về những ký ức xưa cũ, lục lại những điều dễ thương đã từng chứng kiến ở thành phố này... viết lên những bản thảo, đủ để trình làng một cuốn tản văn trong thời gian tới như niềm mong mỏi từ lâu. Mà có lẽ, nếu không có Covid-19, thì chẳng biết khi nào những ký ức ấy mới có thể thành hình, thành chữ. Chắc chắn, trong sách đó, tôi sẽ ghi: "Được viết trong những ngày Covid-19".

Đồng hành cùng cuộc thi Vượt qua Covid-19

Dãy trọ tôi sống nằm trong hẻm nhỏ trên đường Dương Đình Cúc (H.Bình Chánh), tập trung người lao động tứ xứ đổ về trọ ở, mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Giai đoạn dịch Covid-19 "nóng" ở TP.HCM, hầu hết thất nghiệp, hàng ngày nằm chèo queo trong phòng. Nhiều người túng quẫn, bế tắc. Thương tình, những người lân cận đem cho những suất cơm miễn phí, những túi gạo nghĩa tình. Nhờ vậy, tất cả đã gắng gượng vượt qua được cơn bĩ cực…
Thế mới thấy, nếu cuộc sống bình thường cứ trôi qua, có thể, tôi sẽ không có cơ hội để nhận ra tình người luôn hiển hiện ở xung quanh mình, ở ngay trong dãy trọ này.
15 năm sống ở TP.HCM, hình như tôi quen với "cơm đường, cháo chợ". Nhưng rồi thời dịch giã, quán xá đóng cửa, đìu hiu. "Cái khó ló... cái siêng". Tôi tập đi chợ, tập nấu ăn. Nhờ vậy, giờ tôi biết nấu tròm trèm... vài chục món. Tôi cảm thấy thật tuyệt khi ăn những bữa ăn giản đơn nhưng đủ chất, đảm bảo vệ sinh, lại do chính tay mình nấu.
Khi dịch chưa hoành hành, tôi chẳng hề có khái niệm về tiết kiệm. Nhưng dịch đến, tôi cân đo đong đếm kỹ lưỡng mỗi khi muốn mua bất kỳ vật dụng gì, luôn tính toán chi li sao cho hợp lý. Tôi thấy bản thân mình "ít muốn, biết đủ". Tôi biết tiết kiệm hơn, biết coi trọng giá trị của đồng tiền.

Nhìn nỗi sợ hãi và bất trắc ấy bằng lăng kính tích cực

Tôi nhận ra, cuộc sống này là vô thường, bất định, cứ biến dịch đổi thay liên tục. Chẳng thể nào đoán định, lường trước được điều gì sẽ xảy ra. Thế nhưng, điều quan trọng là biết cách nhìn nỗi sợ hãi và bất trắc ấy bằng lăng kính tích cực.
Hãy bình tĩnh sống để thấy được "cơ trong nguy", biết cách "biến nguy thành cơ". Vì ẩn phía đằng sau những tai họa, như Covid-19 là ví dụ điển hình, chính là tiềm năng lớn giúp khơi gợi sự mạnh mẽ và trưởng thành hơn trong mỗi người.
Cơn bão nào rồi cũng qua đi, những cây non rồi sẽ đâm chồi mọc lên, phát triển tươi tốt.
Hãy cứ bình tĩnh sống, và có niềm tin, rằng không lâu nữa, tất cả chúng ta đều sẽ vượt qua Covid-19!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.