Covid-19 đã thức tỉnh chúng ta trân quý những gì đang có

29/04/2021 10:23 GMT+7

Từ khi có dịch Covid-19 , khẩu trang là vật bất ly thân của mọi người khi ra đường. Chúng ta có thể quên ví tiền, quên điện thoại ở nhà nhưng không thể quên khẩu trang.

Đầu năm 2021 nghe “bão” Covid-19 lại về, Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác lại ngập trong lo lắng, hoang mang. Nhiều khu vực bị phong tỏa, hình ảnh những khu phố, thôn xóm, người dân bị cách ly… sao tôi nghe trong lòng mình cả một trời thương nhớ. Không biết tự lúc nào nước mắt tôi cứ tuôn dài trên khóe mắt. Thương lắm Việt Nam ơi.
Chưa bao giờ thuật ngữ 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập đông người - Khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế lại phổ biến, quen thuộc và nằm lòng đối với người dân Việt Nam đến thế. Tết Tân Sửu 2021 có lẽ là cái Tết đặc biệt nhất, vì diễn ra trong thời điểm dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới. Vì thế ăn Tết Tân Sửu cũng có mùi vị khang khác so với các Tết trước, vì nó có mùi vị “Tết thời Covid”, “Tết thời 5K”.

Chưa bao giờ thuật ngữ 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập đông người - Khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế lại phổ biến

Tôi nhớ mấy Tết trước, gia đình tôi về quê ngoại ăn Tết, được sống lại những cảm xúc của người con xa quê hương, được đi thăm bà con nội, ngoại và cùng mẹ chuẩn bị những món ăn truyền thống, được đi chợ quê cùng với mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên, mua một ít bánh trái… để gọi là hương vị Tết quê. Nhưng Tết năm nay, do tình hình dịch Covid-19, gia đình tôi không về quê ngoại ăn Tết mà ăn Tết ở quê nội.
Cũng vì dịch Covid-19 mà chị gái tôi ở TP.HCM không về ăn Tết lần này. Mẹ tôi khóc nức nở, thương chị gái tôi quá chừng, một mình ăn Tết ở đất Sài Gòn chắc buồn và nhớ nhà lắm. Có lẽ chị gái tôi cũng có tâm trạng như vậy. Năm nay chị em tôi mỗi người đón Tết một nơi. Tất cả vì cái Tết an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Tôi rất nhớ bố mẹ và các anh chị ở quê, thường xuyên hỏi han tình hình sức khỏe và chỉ "chúc Tết online| qua Zalo, Facebook, điện thoại để hạn chế tối đa sự tiếp xúc cá nhân, tụ tập đông người. Với sự trợ giúp của công nghệ, chúng tôi xa cách về địa lý chứ không cách lòng.
Vào ngày mồng 1 Tết hàng năm, gia đình tôi có tục lệ đi lễ chùa đầu năm. Năm nay thì khác, gia đình tôi và mọi người không tập trung quá đông người để liên hoan ăn uống và cũng không đi du xuân ở đâu cả. Thường lệ, ở quê tôi, vào ngày mồng 2 Tết, chính quyền tổ chức lễ hội Chợ Đình Bích La, nhưng năm nay các lễ hội và hoạt động vui xuân không diễn ra. Vì công tác phòng dịch, gia đình tôi và bà con đều hiểu và ủng hộ.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường hiện tại, Tết sum vầy, đoàn viên của bao người cũng đành phải nhường chỗ cho sự bình an của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Mặc dù không đi du xuân, tham gia các lễ hội nhưng hương vị Tết trong nhà tôi lúc nào cũng như xưa. Vẫn bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, dưa hành, mấy chậu hoa cúc trang trí ngày Tết. Những Tết trước, khi về nhà ngoại, tôi thấy mẹ xếp từng xấp lá chuối, nếp, đậu, thịt heo… nghĩa là mẹ chuẩn bị gói bánh chưng đấy. Năm nào cũng vậy, bà gói bánh chưng không cần khuôn, chỉ bằng tay thôi mà cái nào cái nấy vuông vức đều nhau, y như sản phẩm ra lò từ một khuôn mẫu có sẵn. Sau đó, mẹ bỏ bánh vào nồi rồi chất củi to lên nấu.
Ký ức Tết trong tôi là như thế đó, tôi nhận được niềm hạnh phúc từ sự thương yêu của mẹ. Tất cả tạo nên một miền ký ức thật đẹp, thật ấm áp.

Chợ quê ngày Tết

Ảnh: THU THANH

Năm nay cũng vậy, những ngày gần tới Tết, mẹ tôi lại điện hỏi thăm các con khi nào thì nghỉ Tết, và cũng không quên dặn chúng tôi đừng mua bánh trái gửi về vì mẹ đã làm sẵn rồi. Trong cuộc trò chuyện đó, tôi khuyên nhủ mẹ đừng làm chi cho vất vả, để chúng con mua hàng online gửi về cho tiện. Mẹ cười và nói: “Có những thứ mua ở chợ, còn có thứ mình tự làm thì mới ý nghĩa của hương vị Tết con à.” Và tôi cũng hiểu mẹ muốn nhắn nhủ chúng con không bao giờ quên hương vị Tết xưa dù cuộc sống hiện đại, tiện ích.
Vì thế mỗi lần Tết đến, trong tôi lại trào dâng nhiều cảm xúc. Tôi thèm muốn được trở về bên mẹ ngồi nấu nồi bánh chưng đêm giao thừa, nghe mẹ kể chuyện ông Công ông Táo, sự tích cây nêu ngày tết; cùng với mẹ soạn đồ lễ cúng đêm giao thừa trong thời khắc giao thoa của trời đất… Một cảm giác kỳ lạ trong thời điểm năm mới mà tôi không thể nào quên được. Nhưng dịch bệnh lại tạm hoãn mọi ước mơ.
Tết Tân Sửu không đông vui, rộn rã như mọi năm nhưng chắc chắn là một cái Tết đáng nhớ bởi diễn ra trong tình hình đặc biệt và bởi sự đồng thuận, đoàn kết của toàn dân chung tay chống dịch. Tất cả vì sức khỏe cá nhân, cộng đồng và sự bình an của đất nước. Đấy là mục đích cao nhất của Tết Việt thời Covid-19.

Tết về với mọi nhà

Ảnh: THU THANH

Covid-19 đã thức tỉnh chúng ta trân quý những gì ta đang có, nhất là sức khỏe. Bởi vậy, ai cũng mong bình an, khỏe mạnh. Rồi Covid-19 sẽ rời xa, chúng ta sẽ có những cái Tết vui vẻ hơn, an toàn hơn, nhưng có lẽ sẽ không ai quên được cái Tết thời Covid-19, cái Tết mà ai cũng phải tuân thủ thông điệp 5K.
Mong bão Covid-19 nhanh đi qua để người dân trở về với cuộc sống thường nhật, hoạt động thương mại dịch vụ du lịch lại nhộn nhịp sôi động như trước. Tôi tin người Việt Nam nói riêng và người dân thế giới nói chung sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 lần này.
Việt Nam vẫn là một điểm sáng trên bản đồ chống dịch từng khiến thế giới nể phục. Bởi vì người dân chấp hành, tuân thủ một cách tự giác thông điệp 5K.
Tình yêu, niềm tự hào, lòng yêu nước và tình người sẽ hóa thành sức mạnh để mỗi người dân Việt Nam sẵn sàng hành động bằng chính phần công sức dù nhỏ bé của mình với những việc làm thiết thực nhất, tất cả chiến thắng đại dịch Covid-19. Một khi khối đại đoàn kết của "một dân tộc gan góc" phát huy sức mạnh, ắt sẽ làm nên lịch sử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.