Mỗi người phải là một pháo đài

14/05/2021 05:56 GMT+7

Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ số ca bệnh tăng trên diện rộng, mà có nhiều ca lây lan với mức độ chóng mặt.

Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp “tấn công” và cũng nhắc muốn tấn công thì phòng ngự chặt, kêu gọi toàn dân ý thức bảo vệ sức khỏe.
Chúng ta đã nói nhiều đến ý thức của người dân nhưng cần phải nâng nó lên một mức độ cao hơn: Mỗi công dân phải là một “pháo đài” chống Covid-19.

“Thượng khẩn”

Đêm 12.5, Sở Nội vụ TP.Hà Nội phát đi một công văn đóng dấu “thượng khẩn”, truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, giao Sở Nội vụ khẩn trương phối hợp Tổng công ty đầu tư phát và triển nhà Hà Nội (Handico) kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong vi phạm quy định phòng chống dịch đối với ông N.V.T, Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 (thuộc Handico).
Đây có lẽ là lần đầu tiên một công văn “thượng khẩn” được chuyển đi để làm rõ trách nhiệm của một cán bộ, khi vợ chồng ông N.V.T đi Đà Nẵng về, vợ bị sốt, bệnh viện quốc tế từ chối điều trị vì có yếu tố dịch tễ, nhưng họ tiếp tục đi chơi, tiệc tùng, hội nghị, siêu thị, gội đầu, tiếp tân... Đến ngày 12.5, bệnh nhân xuất hiện ho, đau họng nên đã cùng vợ đi khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Tại bệnh viện, bệnh nhân và vợ có kết quả dương tính Covid-19. Và như thế, không biết bao nhiêu người đã biến thành F1, F2. Phức tạp vô cùng.
Xem kỹ lịch trình của các ca dương tính, thấy họ có chung một đặc điểm là di chuyển rất nhiều, mật độ tiếp xúc dày đặc.
Cần nói rõ là, khi chưa bị F này, F khác thì đi lại là quyền của mọi người. Nhưng cũng có trường hợp nghi ngờ, như trên, hoặc như người phụ nữ tiếp xúc gần với chuyên gia Trung Quốc ở tòa nhà Mường Thanh Đà Nẵng, khi biết chuyên gia này bị dương tính, thì cô này về Quảng Ngãi và tắt điện thoại, di chuyển nơi ở để trốn tránh, cho thấy ý thức phòng chống dịch rất kém.
Đi lại là quyền công dân, nhưng đi lại giữa tâm dịch, khi có khuyến cáo, là một câu chuyện khác hoàn toàn.
Câu chuyện ở Thẩm mỹ viện Amida Đà Nẵng khiến chúng ta vẫn còn bàng hoàng khi một cô nhân viên đi với một người con trai được xác định dương tính, đã làm lây lan, phát sinh hàng chục ca dương tính, từ kế toán, nhân viên hành chính, lễ tân...
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã giao Công an TP.Đà Nẵng xác minh một clip được cho là liên quan đến thẩm mỹ viện này, trong clip, họ tụ tập đông người, bất chấp quy định phòng chống dịch.
Nếu từng người, từng đơn vị không chấp hành, không tự bảo vệ mình thì rất khó kiểm soát và việc phòng chống dịch sẽ vô cùng phức tạp.
Sáng 13.5, đọc trên Báo Thanh Niên điện tử (thanhnien.vn), sau khi phát hiện một bệnh nhân từ Bệnh viện K (Hà Nội) vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nhưng khai báo gian dối là ở Bình Dương để được khám, chữa bệnh, TP.HCM thêm một lần nữa kêu gọi khai báo trung thực. Bởi lẽ, sự khai báo gian dối hiển hiện nguy cơ gây ra “thảm họa” trong phòng chống dịch bệnh.

Tự cứu mình là cứu mọi người

Người viết bài này vừa đi trên chuyến bay Đà Nẵng - TP.HCM hôm 10.5. Sau khi thông báo hoãn 3 lần (có lẽ là dồn chuyến), chuyến bay rất đông người, kín chỗ.
Ngay tại cửa số 5 lên máy bay, mọi người bất chấp khoảng cách quy định, ken sát lưng nhau.
Rất lạ là không biết người ta vội vàng gì. Nhân viên làm thủ tục cho khách thường chỉ một người, thời gian chừng đó, thì cứ từ từ đứng xa ra, thậm chí là ngồi trên ghế chờ, sao lại phải chen nhau?
Ấy là chưa kể trên máy bay có nhiều người nói chuyện rổn rảng, trẻ con không đeo khẩu trang khóc không ngừng, khi lên xe buýt ra máy bay hoặc vào sân bay cũng chen nhau, xe chật như nêm.
Trong 5K, thì khoảng cách là rất khó duy trì.
Trừ một vài địa phương cấm hẳn hàng quán, chỉ cho bán mang đi thì vẫn còn vài nơi khác không cấm mà hạn chế. Ví dụ, mỗi nhà hàng, quán xá hạn chế 50% lượng khách hàng. Điều đó cũng rất khó vì hiếm nhà hàng, quán xá từ chối khách. Mỗi khi bia rượu vào thì âm thanh lớn hơn bình thường, sự giao đãi, mời mọc “thân thiết” hơn bình thường. Nan giải vô cùng.
Trong lúc chính quyền Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế cấm vận tải hành khách qua hầm đèo Hải Vân thì trên mạng xã hội nhan nhản quảng cáo đi xe ké, xe ghép..., một biến tướng của xe chở khách. Lực lượng nào mà kiểm tra cho xuể.
Điều đó chỉ phụ thuộc duy nhất vào ý thức mỗi người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Nếu mỗi người ý thức bảo vệ mình, nói không ngoa là tự cứu mình, tức cũng là cứu người khác.

Đừng trông chờ, ỷ lại

Tâm lý chung của nhiều người là ưa phê bình người khác mà không tự nhìn lại mình. Trong khi lãnh đạo các địa phương, các lực lượng phòng chống dịch căng mình làm việc thì mình ngồi phán xét, bới lông tìm vết.
Đành rằng, trong muôn vàn công việc phải làm hẳn không tránh khỏi sơ suất. Phê bình có thiện ý là để làm tốt hơn, khác với hằn học, mạt sát...
Ở trên, chúng ta nói đến ý thức của mỗi người, nhưng ý thức đó có được và được duy trì còn phụ thuộc vào tập thể, cộng đồng nơi làm việc và sinh sống. Nếu người lãnh đạo không nghiêm khắc với bản thân, không chấp hành quy định mà chỉ quan tâm đến lợi ích cục bộ, thì cũng làm khó người khác. Ví dụ, sếp triệu tập họp thì nhân viên không thể không chấp hành, hiếm ai có thể phản ứng lại.
Trong cuộc họp giao ban tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chủ trương giao trách nhiệm, quyền hạn cho lãnh đạo cơ sở. Trong các cuộc giao ban trực tuyến, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ trưởng cũng nhắc đi nhắc lại điều này. Vì thế, các cơ sở phải phát huy vai trò của mình để có những quyết định đúng đắn, phù hợp với tình hình cơ sở mình. Những việc chưa thật cần kíp thì nên chủ động tạm ngưng, không nên chờ vào chủ trương chung từ trên. Ví dụ, làm căn cước công dân, có thể giãn cách thời gian, có phương án bố trí phù hợp chứ không nên để như vừa qua, một số địa phương vẫn tiến hành như không có dịch, đã gây thêm lo lắng về nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Chính phủ, các bộ ngành không thể trực tiếp quán xuyến từng mét đường biên mà các đồn biên phòng, các địa phương phải chủ động làm việc đó, làm quyết liệt và có cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Mỗi người, mỗi nhà là một pháo đài

Trong cuộc giao ban trực tuyến mới đây, chúng ta không ai không cảm động khi nhìn gương mặt của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long và những người tham gia chống dịch. Công việc chất chồng khiến ai nấy đều lộ vẻ bơ phờ nhưng từng lời nói đều thấu đáo, thể hiện sự sâu sát đến từng chi tiết.
Trong cuộc giao ban đó, Phó thủ tướng đã biểu dương cách làm sáng tạo của Đà Nẵng trong việc lấy mẫu xét nghiệm gộp để sớm phát hiện, khoanh vùng diện rộng và những việc làm sáng tạo khác.
Là một công dân Đà Nẵng, tôi rất tâm đắc với việc thành phố phổ biến tờ khai y tế trên diện rộng qua website, Zalo... để mọi người dân dễ dàng khai báo.
Ở khu phố tôi (P.Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu), các tờ khai này được đưa lên nhóm Zalo. Qua đó, tổ dân phố biết được lịch trình đi lại của thành viên từng gia đình để cảnh báo các điểm có nguy cơ mà họ từng đến. Tất cả thông tin trong mùa dịch đều được bà con thông báo cho nhau. Người lạ đến lưu trú, khách của các gia đình đều được nhắc nhở khai báo. Nói tóm lại, không có chuyện gì qua được “tai mắt nhân dân”, kể cả ai đó ra khỏi nhà không đeo khẩu trang. Đó là một cách làm rất hay.
Nếu mỗi người đều có ý thức, mỗi nhà nhắc nhau, từng khu phố, cơ quan, đơn vị... nhắc nhau tạo thành những pháo đài vững chắc, tạo cơ sở cho việc “tấn công” đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta sẽ có niềm tin vào chiến thắng, vượt qua Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.