Ngày ba mất, tôi cầu xin “con Covid-19” tai hại sớm bị tận diệt

23/03/2021 07:37 GMT+7

Ba tôi mất ngày 19.4.2020 nhằm đợt cách ly xã hội toàn quốc do đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội trên toàn cầu.

Mọi người dân xứ dừa Bến Tre quê tôi đều tuân thủ nghiêm ngặt chủ trương phòng chống, ngăn ngừa Covid-19 một cách triệt để. Nhà có tang, người thân ai cũng buồn đau! Gia đình tôi tuân thủ lệnh của Chính phủ nên hạn chế tin báo tử, tránh tụ tập đông người để khỏi gây nguy cơ nhiễm bệnh.
Chỉ bạn bè thân thuộc nhà gần nhau, họ thấy nhà có cắm cờ tang thì "nghĩa tử là nghĩa tận" mới vội vã đeo khẩu trang đến thắp nhang viếng chia buồn sau khi đã rửa tay bằng thuốc sát trùng sạch sẽ, giữ khoảng cách 2 m an toàn, rồi vội vã về nhà, hạn chế đi lại, tụ tập đông người nơi công cộng.

"Phòng bệnh hơn trị bệnh"

Đợt Covid-19 đó, người mất cũng không được đội mai táng khiêng quan tài vô nhà thờ để linh mục làm lễ theo nghi thức tôn giáo, mà vị chủ chăn bên đạo Công giáo đích thân đến nhà người mất làm lễ nhanh gọn.
Nỗi buồn cũng được bạn bè thân thiết cảm thông, vì nhiều người không được tôi báo tin ông cụ thân sinh qua đời để đến phúng điếu, chia buồn, an ủi...
Thời buổi công nghệ phát triển, nên tin tức, hình ảnh đám tang được đưa trên mạng xã hội cũng phần nào giúp cho bạn bè, thân nhân gia đình tôi hiểu và đồng tình với chủ trương "phòng bệnh hơn trị bệnh" của Chính phủ. Nhiều bằng hữu góp lời chia buồn và cầu nguyện cho linh hồn ba tôi sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng thông qua mạng Facebook.
Cảm động nhất là đoàn giáo viên thầy cô và học trò của người anh ruột từ Bình Dương có thuê mướn xe, dù khi đó rất khó khăn đi lại trong giao thông, chỉ một người ngồi một băng ghế, đeo khẩu trang kín mít đến viếng cầu nguyện cho linh hồn ba tôi, rồi nhanh chóng trở về.
Lạ nữa là có nhà bà con quê tôi chỉ cách có một ngã ba khoảng 500 m thôi, mà họ cũng đứng từ xa đưa mắt nhìn khi đám tang ba tôi được đưa đến nghĩa trang để chôn cất. Có lẽ họ chỉ ra đường, ra lộ khi thật sự cần thiết như mua sắm thực phẩm, nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày.
Buồn đau và cảm động ở hai hình ảnh "trái ngược" nhau như thế. Tuy nhiên mục đích trên hết, cần thiết nhất là giữ gìn an toàn sức khoẻ cho cộng đồng, tuân thủ triệt để mọi mệnh lệnh phòng chống dịch bệnh do Chính phủ đề ra trong cơn đại dịch Covid-19 khủng khiếp kéo dài, gây thiệt hại trầm trọng về kinh tế, sinh hoạt, tính mạng, sức khoẻ người dân trên toàn thế giới...

Lúc hoạn nạn mới thấu hiểu chân tình

Đám tang ba tôi "mùa Covid" càng thêm ảm đạm buồn bã vì bạn bè thoạt đầu trách móc sao không báo tin cho họ biết để tranh thủ thời gian đến chia buồn. Tuy nhiên, sự đồng cảm cũng giúp họ thông hiểu và gia đình tôi cũng tránh gây phiền toái đến họ khi lệnh cách ly toàn xã hội đã được ban ra.
Chỉ cần một lời an ủi, chia buồn đăng trên mạng xã hội hay tin nhắn, hoặc qua điện thoại thì cũng san sẻ nỗi buồn phần nào của thân nhân người quá cố.
Lúc khốn cùng, hoạn nạn mới thấu hiểu tấm chân tình của bè bạn, bà con thân thuộc gần xa. Hình ảnh bạn bè chia cho nhau vài cái khẩu trang, dăm chai nước diệt khuẩn, sau khi tốn thời gian lùng sục tại các tiệm thuốc tây.
Tình trạng cửa hàng có nơi tuân thủ bán buôn công khai giá cả hợp lý, có nơi lợi dụng đẩy giá lên cao nhằm trục lợi hoặc treo bảng "hết khẩu trang" đã dần dần chấm dứt nhờ sự quản lý triệt để, dứt khoát của các cấp thẩm quyền nhà nước, giúp cho người dân an tâm hơn.
Ai cũng mong trong phòng chống bệnh Covid-19 này sớm mau mau chấm dứt, khi thế giới đã có vắc xin ngừa Covid-19, và qua đợt chích ngừa mà Việt Nam chúng ta cũng đang áp dụng.

"Trong họa có phúc"

"Trong họa có phúc", khi nhà nhà, bà con đi đâu cũng dặn nhau luôn đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát trùng, diệt khuẩn và giữ khoảng cách an toàn cũng như hạn chế đi lại, tụ tập đông người nơi công cộng...
Lúc này đây mới thấy cái tình người da diết, sâu sắc quan tâm đến nhau thật giàu cung bậc cảm xúc, gây thương cảm trân quý cho nhau.
Cầu xin "con Covid-19" tai hại này sớm bị tận diệt để mọi người trên toàn cầu trở lại cuộc sống bình thường, an vui trong sinh hoạt và việc làm mưu sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.