Vượt qua Covid-19: Nghĩa tình xóm trọ

09/04/2021 08:30 GMT+7

Nghĩa tình của nhiều chủ nhà trọ ở TP.HCM đã giúp không ít gia đình công nhân, lao động tự do vơi bớt khó khăn, có thêm điều kiện và động lực để cùng nhau vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 .

Tại TP.HCM, lực lượng lao động chiếm hơn 50% dân số (hơn 4,8 triệu người). Đặc biệt, tầng lớp lao động di cư yếu thế với hơn 1,5 triệu người, mỗi tháng phải trích tiền công ít ỏi để trả chi phí thuê nhà, nay trong bối cảnh của dịch bệnh lại như tròng thêm nỗi lo, áp lực. Thế nhưng, có dịp ghé thăm hàng chục khu trọ trên địa bàn TP.HCM, thấy được bức tranh toàn cảnh mà Covid-19 ảnh hưởng người lao động, chúng tôi thật sự cảm kích tấm lòng tương thân tương ái của những chủ nhà trọ với người thuê tứ xứ.

“Mất” tiền nhưng... vui

Đầu tháng 4.2020, TP.HCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Q.Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức), rất đông người lao động lâm vào cảnh mất việc. Trước đây, những khu trọ ở P.Linh Xuân mỗi buổi chiều đông như trẩy hội với đông đảo công nhân tan ca nay bỗng trở nên vắng đến nao lòng. Trong các gác trọ chật hẹp, những gia đình lầm lũi cố gắng xoay xở nhờ khoản tiền tiết kiệm hay bảo hiểm thất nghiệp, một số khác chật vật vay mượn khắp nơi.
Ngày 2.4.2020, bà chủ trọ Đặng Thị Vy Vy (ngụ KP.3, P.Linh Xuân) dán tờ thông báo giảm 50% tiền trọ, nhưng... vui ra mặt! Chị Vy có 123 phòng trọ, giá khoảng 1,1 triệu đồng/tháng/phòng, cũng có nghĩa khi giảm 50% tiền phòng chị mất thu nhập hơn 65 triệu đồng/tháng! Chị bảo “đó là việc phải làm, dịch này gia đình nào cũng thiếu trước hụt sau, cả hai chục hộ thất nghiệp, mình góp được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.
Khu trọ do chị Tuyền quản lý cách chỗ chị Vy chừng 1 km, từ cuối tháng 3.2020 đã thông báo giảm 300.000 đồng cho mỗi phòng đến khi đời sống công nhân ổn định trở lại. Người lao động trọ tại đây ai cũng “thở phào”. Một gia đình công nhân làm trong khu chế xuất Linh Trung 1 bị mất việc, xúc động: “Dịch khiến công ty tôi cắt giảm tăng ca, trong khi công nhân sống được nhờ nguồn thu này, nên nay phải dè sẻn chi tiêu hết mức, để còn tích góp gửi về dưới quê cho con. Nghe giảm tiền phòng, chúng tôi cảm động ứa nước mắt vì tấm lòng của chủ nhà!”.
Còn ở khu vực ven nội thành tập trung nhiều lao động tự do như tạp vụ quán ăn, bán vé số... thời điểm giãn cách xã hội, xổ số ngừng phát hành trong 2 tuần, ông Trần Ngọc Bảo, chủ một khu nhà trọ có đông lao động bán vé số tại P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, “chơi lớn” thông báo miễn một tháng tiền trọ. Bà con thuê nhà hồ hởi kháo nhau, “khoe” lên mạng xã hội chuyện người Sài Gòn nghĩa tình.

Lo cho người trọ như người thân

Không chỉ giảm tiền thuê nhà, kể từ ngày có dịch Covid-19, nhiều chủ trọ trên địa bàn TP.HCM “chạy đôn chạy đáo”, tìm các nguồn hỗ trợ hay thậm chí bỏ tiền túi ra để mua tặng nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm... cho các hộ thuê trọ khó khăn. Hay như chị Đặng Thị Vy Vy, khi gần 50 trẻ là con em người trọ phải nghỉ học ở nhà do giãn cách xã hội, trong khi cha mẹ chúng vẫn phải tranh thủ đi làm, chị trở thành “bảo mẫu” bất đắc dĩ, ngày ngày đi từng phòng trông nom, ngó nghiêng lũ trẻ…
Tháng 11.2020, thời gian hậu cao điểm dịch Covid-19, mục sở thị các khu trọ tại Q.Gò Vấp, Q.Thủ Đức..., chúng tôi vẫn chứng kiến nhiều gia đình phải kham khổ, gói gọn chi tiêu. Điển hình như gia đình chị Du Thị Trúc (trọ tại P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức), chồng mất việc, cả 6 người phải trông chờ vào khoản thu nhập 2 triệu đồng/tháng của chị. “Mượn hết người này tới người khác, có lúc sống nhờ quà từ thiện”, chị Trúc kể. Cũng có nhiều công nhân vẫn chịu hệ quả dài hạn của dịch, phải xoay xở cuộc sống bằng đủ nghề tự do như rửa chén ở quán ăn, nấu ăn ở các đám, lễ...
Với tinh thần “khách trọ là láng giềng gần”, những nữ chủ nhà trọ nhiệt tình đi khắp nơi nhờ quyên góp hỗ trợ các hộ thuê trọ khó khăn của mình. Chị Đào Thị Hoa, chủ nhà trọ ở KP.6 (P.14, Q.Gò Vấp), “trực chiến” từng ngày với đời sống công nhân, chưa kể thời điểm cận Tết Tân Sửu 2021, chị tất tả hỏi thăm để xin vé tàu, vé xe cho người thuê trọ nào vì khó khăn mà không thể về quê với gia đình. Cùng khu phố chị Hoa, chị Trang, một chủ khu trọ khác, còn “bày” công ăn việc làm cho các hộ phải ở lại TP.HCM nghề may gia công tại nhà, thậm chí cho một số hộ mượn máy may của mình.
Tại KP.3, P.Linh Xuân (TP.Thủ Đức), bà chủ nhà trọ Võ Thị Hà tâm niệm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chị được các công nhân gọi với cái tên yêu mến: chị Bảy Hà! Không phải đợi dịch xuất hiện mà trước đó, chị thường xin những phiếu lãnh hàng, nhu yếu phẩm cho công nhân, thậm chí tự bỏ tiền túi để mua gạo, mì... cho khách thuê khó khăn.
Những câu chuyện tương thân tương ái trên được lan tỏa rộng khắp Facebook và báo chí. Nếp sống nhân nghĩa, lá lành đùm lá rách của người Việt nói chung và người Sài Gòn nói riêng từ lâu đời nay trở thành điểm sáng đầy tin tưởng, lạc quan, truyền cảm hứng để dìu nhau qua đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.