Với việc hàng loạt khách sạn, resort đăng ký trở thành nơi lưu trú cho người cách ly, những người thuộc diện buộc cách ly có thể đóng phí để lựa chọn các cơ sở này thay vì các doanh trại quân đội, cơ sở y tế, trường học. Đây cũng là cách xã hội hóa nhằm giảm áp lực cho ngân sách.
Hàng trăm khách sạn đăng ký nhập cuộc
Tới hôm qua (19.3), hàng loạt cơ sở lưu trú tại các địa phương đã đăng ký trở thành nơi cách ly. Trong đó, Ninh Thuận có 3 khách sạn (KS); Quảng Ninh có 1 KS 4 sao; Q.1 (TP.HCM) đang triển khai cách ly có thu phí tại 20 KS... TS Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết thống kê chưa đầy đủ cho thấy có khoảng 120 KS có thể dùng để cách ly có trả phí theo yêu cầu của Bộ VH-TT-DL.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng chia sẻ, Hà Nội sẽ tiếp nhận cách ly toàn bộ công dân các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra và phải chuẩn bị cách ly cho khoảng 10.000 - 15.000 người nên các KS, cơ sở lưu trú cũng là một lựa chọn để vừa giảm tải cho nhà nước, thuận lợi hơn cho người bị cách ly có điều kiện; đồng thời giúp các cơ sở này có khách.
“Đây là 1 trong 4 hình thức cách ly mà Hà Nội sẽ áp dụng trong thời gian tới. TP đang chuẩn bị 1.500 - 2.000 chỗ ở KS để cách ly những người diện F1 đã có kết quả âm tính, những người muốn cách ly tự nguyện, người nước ngoài”, ông Chung cho biết.
Tại TP.HCM, chiều 19.3, resort Phương Nam tại H.Cần Giờ (TP.HCM) tiếp nhận các trường hợp khách đến cách ly phòng dịch Covid-19 theo hình thức đăng ký cách ly có trả phí dưới sự sắp xếp của Sở Y tế TP.HCM. Công tác chuẩn bị và đón tiếp được chính quyền địa phương phối hợp cùng đội ngũ y bác sĩ, công an và quân nhân thực hiện khẩn trương, chu đáo.
Toàn bộ resort đều được khử trùng sạch sẽ, các con đường của người dân đi vào khu resort cũng được bịt kín để đảm bảo an toàn. Trước khi nhận phòng, toàn bộ khách đều được kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn quần áo và hành lý.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, tính đến thời điểm hiện tại có 7 KS, khu nghỉ dưỡng tại H.Cần Giờ đủ điều kiện và sẵn sàng đón khách đến cách ly tập trung, dự kiến có khả năng đáp ứng khoảng 342 trường hợp cần cách ly.
Trong chiều 19.3, đơn vị này đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tập huấn cho 7 KS, khu nghỉ dưỡng trên nhằm phục vụ việc cách ly người nước ngoài và người Việt Nam từ các nước có dịch nhập cảnh vào Việt Nam, lưu trú theo hình thức có trả phí.
Ngoài ra, Sở Du lịch đang tiếp tục phối hợp cùng Sở Y tế kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch khác tại TP, nếu đáp ứng đủ điều kiện phục vụ cách ly theo quy định thì sẽ đưa vào vận hành. Việc triển khai đăng ký cách ly có trả phí cũng như quyết định người nào lưu trú tại các cơ sở cách ly nào sẽ do lực lượng y tế xác định dựa trên tình trạng sức khỏe của khách.
Thu tiền nhưng đảm bảo an toàn tuyệt đối
Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề được đặt ra, như băn khoăn của TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch: “Phải có người đến các KS, resort hỗ trợ, thực hiện các việc liên quan đến y tế dự phòng chứ nhân viên KS không thể làm thay. Bên cạnh đó, cần đào tạo cho nhân viên KS, resort, trang phục bảo hộ; những điểm cần lưu ý khi phục vụ khách cách ly”.
Dùng KS, resort làm nơi cách ly, cái được lớn nhất, chắc chắn là về mặt kinh tế; giảm áp lực cho các điểm cách ly tập trung.
Bởi, theo PGS-TS Ngô Trí Long, nếu số lượng người bị cách ly tăng theo cấp số nhân hằng ngày, ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ “vỡ trận”. Ông Long phân tích: Hà Nội mỗi ngày chu cấp 100.000 đồng/người; 2.000 người là 200 triệu đồng; 20.000 người là 2 tỉ đồng, nhân 14 ngày là 28 tỉ đồng.
|
“Nếu số người tăng lên hàng chục, hàng trăm nghìn thì ngân sách Hà Nội có gánh mãi được không, chưa kể các tỉnh nghèo”, ông Long đặt vấn đề và kiến nghị, nhà nước bao cấp một phần (như: nơi ở, thuốc men...), nhưng cũng cần tính tới việc thu phí đối với những người có điều kiện, nhu cầu sử dụng dịch vụ tốt hơn. Số tiền thu được tiếp tục được dùng để trợ cấp, lo cho người khó khăn hơn.
“Tôi biết rất nhiều người ở nước ngoài về rất có điều kiện và có nguyện vọng chia sẻ với nhà nước. Nếu có dịch vụ tốt hơn, họ sẵn sàng bỏ tiền, miễn sao chúng ta phải đưa ra được giải pháp và bảo đảm an toàn”, ông Long khẳng định.
Ủng hộ việc xã hội hóa, TS Bùi Đức Thụ, Thành viên Hội đồng Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng cần phải có cơ chế xử lý tài chính rõ ràng. Quan điểm của ông Thụ là trong đại dịch, Chính phủ nên đứng ra xử lý trước. Sau khi thiếu nguồn lực mới tính đến chuyện huy động từ doanh nghiệp, người dân. Hiện tại, theo ông Thụ, ngân sách T.Ư năm 2020 đã được dự toán vài chục nghìn tỉ đồng để dự phòng chi cho thiên tai, dịch bệnh nên có thể dùng ngay nguồn này. Ngoài ra, còn các quỹ dự phòng tài chính đã được cấp cho các địa phương...
“Trong đại dịch nhà nước sẽ đứng ra, chấp nhận thiệt hại kinh tế, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người dân trước”, TS Thụ nói. Những nguồn này, theo ông Thụ dùng để chi trả thêm cho các KS, cơ sở lưu trú. Tất nhiên, việc này phải được thực hiện đúng quy trình. Đối với dịch vụ cách ly tự nguyện có thu tiền, ông Thụ tán đồng quan điểm, “có thể làm được nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân thì mới triển khai”.
Trường hợp nào người cách ly y tế phải trả tiền?Ông Trần Đắc Phu, người phát ngôn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cho biết chủ trương của Chính phủ hiện nay là không thu phí với người về Việt Nam được áp dụng cách ly y tế tại thời điểm này.
Tuy nhiên, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đóng góp về nguồn lực phù hợp khả năng, mỗi người cần có ý thức và có trách nhiệm tham gia phòng chống dịch bảo vệ cá nhân và cộng đồng, hợp tác với các cơ quan chức năng (cung cấp thông tin, phục vụ điều tra dịch tễ...).
Theo Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, các chế độ đối với người phải cách ly y tế được áp dụng theo Thông tư 32/2012 do Bộ Tài chính ban hành.
Theo đó, người được cách ly y tế tại cơ sở y tế, tại cửa khẩu, tại các cơ sở, địa điểm khác sẽ được miễn chi phí khám, chữa bệnh (KCB) khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; được cấp miễn phí: nước uống, khăn mặt, nước dung dịch rửa tay, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội... trong những ngày bị cách ly; miễn phí di chuyển đến cơ sở bị cách ly.
Trường hợp người đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ KCB; nếu người đó có thẻ BHYT thì việc thanh toán chi phí KCB thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT.
Người áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người được áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả.
Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.
Liên Châu
|
Bình luận (0)