Xe dù núp bóng du lịch

15/10/2018 06:31 GMT+7

Từ đầu năm 2010 đến nay, tại các tỉnh bắc Trung bộ rộ lên tình trạng xe chở khách giường nằm tuyến cố định đi Hà Nội và ngược lại núp bóng 'open tour' để trốn tránh các quy định.

Trong đó, Công ty Hưng Long nổi lên như một thế lực, ngày càng hoạt động mạnh.
Thời gian qua, tại Quảng Bình nở rộ tình trạng xe chở khách dưới dạng xe “tour” từ các tỉnh như Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đi Hà Nội và ngược lại. Sở GTVT Quảng Bình cho hay, việc theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở và xử lý đối với hiện tượng xe chở khách dưới dạng xe “open tour”, xe hợp đồng là diễn ra thường xuyên. Theo Sở, hiện đa số các nhà xe đã chấp hành; chỉ còn một vài nhà xe trong tỉnh như An Hoàng Linh, HTX Nam Gianh, HTX Huy Hoàng, Cố Hương... và nhức nhối nhất là xe Công ty Hưng Long vẫn ngang nhiên hoạt động và ngày càng mở rộng.
Công ty CP vận tải du lịch Hưng Long (địa chỉ 338 Trần Khát Chân, Hà Nội; sau đây gọi là Công ty Hưng Long) núp bóng “open tour” đã biến địa chỉ 19A Lý Thường Kiệt (Đồng Hới, Quảng Bình) - tuyến QL1 qua trung tâm thành phố và có mật độ giao thông cao - và cả tại Trần Khát Chân (Hà Nội) cũng thành “bến cóc”. Từ năm 2015, chiêu thức sử dụng để “qua mặt” cơ quan chức năng là kết hợp với Công ty TNHH du lịch 338 vận chuyển khách theo hợp đồng và du lịch, nhưng thực chất là hoạt động đón, bắt khách lẻ. Tại Quảng Bình, mới đây Công ty Hưng Long mở rộng “chân rết” ra nhiều địa bàn như: H.Lệ Thủy, H.Tuyên Hóa... tạo những “bến cóc” mới.
Hợp đồng... khách nằm sàn xe
Cứ mỗi tối, đội xe của Công ty Hưng Long xuất phát cùng lúc ở 2 đầu Hà Nội - Quảng Bình, mỗi chiều có trên dưới 10 chiếc khởi hành gối đầu nhau liên tục tầm từ 18 - 21 giờ; ngày lễ thì đông hơn hẳn. Ngoài hành khách, Hưng Long còn nhận chuyển phát nhanh tiền, hàng hóa, thư từ... Để lách quy định không được bán vé, Hưng Long xuất “phiếu thu” cho hành khách dưới danh nghĩa, ghi Công ty TNHH du lịch 338. Các phiếu thu đều thể hiện “khách ghép đoàn”. Tuy nhiên, trên phiếu lại thể hiện nhiều thông tin mâu thuẫn kiểu “giấu đầu hở đuôi” như: tổng số tiền, ngày bán, hủy hoãn chuyến thì bị trừ phí... và bảng bên ngoài thì ghi rõ “điểm bán vé xe tour Hưng Long”.
Đầu tháng 9, PV Thanh Niên khi mua vé chặng Lệ Thủy - Hà Nội, được công ty này giải thích do dịp lễ nên chỉ bán vé phụ với giá 350.000 đồng/khách. Lên xe, chúng tôi mới hay đi vé phụ là khách phải... nằm sàn xe. Hai lối đi trên sàn xe, nhà xe lót một tấm nệm mỏng cho khách mua vé phụ nằm. Dọc đường, xe tiếp tục dừng đón thêm nhiều khách lẻ, lơ xe thậm chí còn thò người ra ngoài bắt khách dọc đường.
Đến khoảng 1 giờ 30 phút hôm sau, xe qua địa phận Thanh Hóa thì bị lực lượng CSGT dừng lại kiểm tra. Trước khi một CSGT bước lên xe đếm người, phụ xe đã vội vàng nhét hai hành khách vào phòng vệ sinh (có trên xe) rồi đóng chặt cửa lại. Sau đó, chiếc xe rời đi mà không gặp phải vấn đề gì.
Một điểm đón, trả khách và hàng hóa của Hưng Long tại đường Xuân Diệu, Đồng Hới
Cơ quan chức năng bất lực ?
Tại Hà Nội, ngoài địa chỉ 338 Trần Khát Chân (Q.Hai Bà Trưng), nhà xe Hưng Long còn địa chỉ 26 Phạm Hùng (Q.Nam Từ Liêm). Mỗi lần xe xuất “bến” và đến “bến”, tại 338 Trần Khát Chân đều đông đúc nhộn nhịp người và hàng hóa chẳng khác gì một bến xe giữa đường phố Hà Nội.
Địa điểm trên đường Phạm Hùng, cách đại lý nhà xe Hưng Long khoảng vài chục mét là... hai tấm biển “cấm xe khách tuyến cố định”. Nhưng vì đội lốt xe hợp đồng nên Hưng Long “độc chiếm” lòng đường đón, trả khách ngang nhiên. Hàng hóa tập kết trên đường Phạm Hùng, nhân viên phải làm việc “hết công suất” để di chuyển qua đường Thiên Hiền (cách đại lý khoảng 80 m) để chất lên xe.
Khi xe cập bến, các loại xe dịch vụ đưa đón khách đậu hết dưới lòng đường kéo dài cả trăm mét gây ảnh hưởng lớn đến trật tự giao thông cả khu vực.
Tại Quảng Bình, Hưng Long càng hoạt động như chốn không người, bất chấp các quy định. “Bến cóc” 19A Lý Thường Kiệt, Đồng Hới luôn tấp nập dàn xe giường nằm Hưng Long dừng đón khách, xe đưa đón, người lên xuống lộn xộn, chiếm dụng lòng lề đường; mặc dù đoạn này đã được dựng biển cấm dừng, đỗ xe.
Ngay từ năm 2009, khi Hưng Long mới manh nha, đoàn thanh tra của Sở GTVT Quảng Bình đã chỉ ra nhiều sai phạm của nhà xe này, như: không có chương trình du lịch theo tuyến; hoạt động dưới dạng xe tour nhưng tổ chức bán vé cho khách, vé không đúng mẫu quy định và không đăng ký với cơ quan thuế, tài chính, GTVT... Thực chất, công ty này hoạt động vận chuyển hành khách theo tuyến cố định nhưng không đăng ký với Sở GTVT để bố trí luồng tuyến.
Từ đó đến nay, hầu như năm nào, các ngành ở Quảng Bình cũng “đau đầu” với Hưng Long. Ngày 11.12.2015, Sở GTVT Quảng Bình có Công văn số 2407 gửi Tổng cục Đường bộ VN báo cáo tình hình, trong đó nêu rất rõ vi phạm của Hưng Long; Sở GTVT Quảng Bình cũng đã nhiều lần có nhiều công văn đề nghị Sở GTVT Hà Nội phối hợp. Tuy nhiên, Công ty Hưng Long vẫn hoạt động ngang nhiên và tiếp tục tái diễn các vi phạm đó ngày càng phức tạp.
Tại Quảng Bình, vài tháng trở lại đây, Công ty Hưng Long vươn ra nhiều địa phương như: H.Lệ Thủy, H.Bố Trạch, TX.Ba Đồn, H.Tuyên Hóa... tạo nên những “bến cóc” mới, không chỉ gây bức xúc với các doanh nghiệp vận tải đúng tuyến mà cả người dân địa phương. Nhiều đơn kiến nghị được gửi đến các cấp, ngành về hoạt động sai trái này.
Một vướng mắc và là mấu chốt trong xử lý đối với Quảng Bình là Hưng Long có trụ sở tại Hà Nội và do Sở GTVT Hà Nội cấp phép kinh doanh vận tải.
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe khách Nước Ngầm (Hà Nội), bức xúc: “Những vấn đề này tồn tại nhan nhản và rõ ràng như vậy nhưng không hiểu sao các cơ quan, ban ngành vẫn không xử lý được? Việc này ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn giao thông và gây cạnh tranh bất bình đẳng giữa các nhà xe”.
“Bến cóc” 19A Lý Thường Kiệt, Đồng Hới luôn tấp nập
Có hay không chuyện buông lỏng, bao che?
Làm việc với PV Thanh Niên, ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết: “Tình trạng này đã tồn tại từ lâu, thế nhưng khi thanh tra giao thông kiểm tra thì không xử lý được vì các nhà xe đều có giấy tờ, hợp đồng đầy đủ. Ở 26 Phạm Hùng, Thanh tra Sở đã từng xử phạt nhà xe Hưng Long về các lỗi dừng, đón trả khách sai quy định; còn việc xử lý nhà xe sử dụng “hợp đồng giả” để hợp thức hóa sai phạm thì chưa. Việc xử lý gặp khó khăn vì khi kiểm tra, nhà xe chốt cửa vài phút để nhân viên “dặn” khách nếu được hỏi thì nói mình là khách trong đoàn du lịch. Vấn đề này cần sự vào cuộc quyết liệt và phải có sự phối hợp liên ngành (?!)”.
Thế nhưng, ông Vũ Hà lại mâu thuẫn bởi khi xem tờ vé của nhà xe Hưng Long do PV Thanh Niên cung cấp thì ông liền “nhận dạng” vé xe đó dùng để “hợp thức hóa” xe chạy tuyến cố định thành xe chạy hợp đồng. Theo quy định, khi thực hiện vận tải khách du lịch, ngoài hợp đồng vận tải khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành thì lái xe phải mang theo chương trình du lịch và danh sách hành khách. Ngoài ra, đối với xe giường nằm Hưng Long, trước khi thực hiện hợp đồng vận tải khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành, nhà xe phải thông báo tới Sở GTVT Hà Nội các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Đối chiếu với các chuyến xe PV Thanh Niên đã đi và hàng chục lượt mỗi đêm thì không hiểu Sở GTVT Hà Nội tiếp nhận, kiểm tra thế nào?!
Hai trong một
Trụ sở của Công ty TNHH du lịch 338 cũng chính là Công ty Hưng Long và là văn phòng bán vé, đón trả khách xe Hưng Long tại 338 Trần Khát Chân, Hà Nội. Trên “phiếu thu”, dưới dòng “Công ty TNHH du lịch 338” và số điện thoại lại in dòng “mua trực tuyến: www.xequangbinh.vn”, vào địa chỉ này thì đây chính là website của Công ty TNHH du lịch 338. Trên trang web chỉ hiển thị “mua vé online”, điểm khởi hành và điểm đến là 2 đầu Hà Nội và Quảng Bình, kèm các thông tin, hình ảnh về Hưng Long như là website của Hưng Long chứ không hề có dòng nào về “tổ chức tour du lịch”.
Thực tế nhân viên bán vé xe Hưng Long đều sử dụng một chiêu thức: hỏi tên, số điện thoại... rồi xuất vé “khách ghép đoàn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.