Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ
Sáng 9.10, Hội nghị T.Ư 13 bế mạc sau gần 5 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận, về tình hình phát triển KT-XH năm 2020, T.Ư thống nhất nhận định, dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song nhờ có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, VN vẫn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển KT-XH.
Tuy nhiên, KT-XH VN vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn và cần phải có phương án điều chỉnh phù hợp để bảo đảm các cân đối lớn, nhất là cân đối về ngân sách của năm 2020 sao cho khả thi. Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết T.Ư nhất trí cho rằng đất nước ta bước vào năm 2021 cần phòng, chống dịch bệnh; phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. “Sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu nhưng chậm được khắc phục của nền kinh tế; xử lý dứt điểm các công trình, dự án thua lỗ, chậm tiến độ kéo dài; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế và xã hội...”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chú trọng nhiều hơn định hướng xã hội chủ nghĩa
Về hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước thông tin, theo Ban Chấp hành T.Ư, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã phân tích, có sự thống nhất cao trong nhận định về những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra. Từ đó khẳng định những thành tựu đã đạt được là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm đổi mới.
Lùi thực hiện chế độ tiền lương mới tới 1.7.2022
|
Về tầm nhìn, dự thảo đã cập nhật kịp thời những diễn biến mới nhất của tình hình trong nước và thế giới, phân tích, dự báo về tình hình và xu hướng phát triển của thế giới và đất nước trong giai đoạn mới, tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu phát triển mới trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.
Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát, trong đó có mục tiêu “phấn đấu để đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cụ thể, dự thảo Báo cáo Chính trị cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể là: đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp, dự thảo lần này đã bám sát tình hình và xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 - 2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với nhiều nội dung đổi mới quan trọng.
Đáng chú ý, dự thảo lần này bổ sung một mối quan hệ mới là giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng cho hay dự thảo Báo cáo Chính trị lần này nhấn mạnh thêm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
T.Ư thống nhất cao với đề xuất nhân sự của Bộ Chính trị
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng T.Ư đã thảo luận dân chủ, xem xét khách quan, công tâm, toàn diện về dự kiến danh sách nhân sự tái cử và nhân sự lần đầu được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành T.Ư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XIII và các phương án lựa chọn; đồng thời phân tích, đánh giá, góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, bổ sung vào các báo cáo và phương án nhân sự.
Tại hội nghị, T.Ư đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự T.Ư khóa XII tái cử và nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII (cả ủy viên T.Ư chính thức và dự khuyết); đồng thời T.Ư đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XII tái cử khóa XIII và giới thiệu nhân sự mới lần đầu tham gia Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XIII. “Kết quả rất tốt đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Ban Chấp hành T.Ư giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự căn cứ nghị quyết của hội nghị, báo cáo kết quả giới thiệu nhân sự T.Ư khóa XIII và các ý kiến đóng góp của T.Ư, tiếp tục xem xét, rà soát thật kỹ, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo T.Ư xem xét, quyết định thông qua tại các hội nghị T.Ư tiếp theo trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.
Cũng tại hội nghị này, T.Ư đã xem xét tờ trình của Bộ Chính trị, ghi phiếu giới thiệu nhân sự trước khi Bộ Chính trị quyết định giới thiệu để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn việc bổ nhiệm các chức danh Bộ trưởng Bộ KH-CN và Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bình luận (0)