Họ cầu mong trời không mưa, để lực lượng cứu hộ nhanh chóng tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 - nơi còn hơn chục công nhân mất tích...
|
Ký ức kinh hoàng
Sau 1 ngày trở về với gia đình tại H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế), ông N.V.T (52 tuổi, lái xe tại công trình thủy điện Rào Trăng 3) vẫn chưa hoàn hồn khi chứng kiến cảnh những anh em đồng nghiệp của mình mất tích trong đống đất đá trơ lạnh giữa núi rừng.
Kết nối qua điện thoại, PV Thanh Niên được ông T. kể, vào khoảng 19 giờ ngày 11.10, sau khi tập trung tại lán trại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 ăn cơm tối, 22 công nhân làm việc tại công trường đã chia nhau ra các hướng đi ngủ. “Vì lán trại chật chội cũng như phải làm nhiệm vụ trực đảm bảo an toàn cho các phương tiện vận tải, khoảng 21 giờ cùng ngày, tôi cùng 4 người khác gồm anh A., anh C., anh T., và một thanh niên khác phải ra 3 xe tải để ngủ lại. Số còn lại gồm 17 người đều ngủ tại lán trại”, ông T. kể.
Cả nhóm 5 người đánh xe đến khu vực cách lán trại khoảng 200 m để ngủ. Với tinh thần “trực chiến”, sẵn sàng điều phương tiện đến ứng cứu xảy ra sự cố nên cả nhóm không dám đi vào giấc ngủ sâu. “Khi tôi đang lơ mơ thì các anh em chạy tới đấm vào cửa xe hét lớn: Lở rồi, chết hết rồi anh ơi!”. Ngay lập tức tôi choàng dậy, dùng đèn pin chạy lại hiện trường thì không thấy lán trại đâu cả, chỉ thấy đất đá vẫn đang trườn từ phía vách núi xuống vực. Anh em đèn đuốc cứ thế lao vào đống sạt lở vừa gào thét vừa bới từng mớ đất đá với hy vọng tìm thấy ai thì kéo lên. Nhưng...”, ông T. nấc lên trong điện thoại: “Mới vừa ăn bữa cơm cùng nhau mà vài tiếng sau chúng tôi chỉ còn 5 người. Có ai ngờ đó là bữa cơm đau lòng”.
Sau khi tìm kiếm trong vô vọng, đoàn 5 người thoát chết quyết định cắt rừng để về thủy điện Rào Trăng 4 cách đó khoảng 10 km. Cả nhóm di chuyển liên tục trong 6 giờ đồng hồ liền thì đến trạm kiểm lâm đóng chân gần thủy điện Rào Trăng 4. Đồng hồ chỉ 18 giờ, ngày 12.10. Do trước đó tại thủy điện Rào Trăng 3 mất điện dài ngày cộng với việc máy nổ chỉ phát điện trong chốc lát để phục vụ ăn uống, nên sau vụ sạt lở, nhóm ông T. không thể sử dụng điện thoại để báo tin. “Thế nên khi về đến trạm kiểm lâm, chúng tôi thay phiên nhau dùng điện thoại “cục gạch” đặt tại một vị trí “đón sóng” cố định để gọi điện về cho gia đình. Cả nhà tôi như vỡ òa vì biết tôi còn sống”, ông T. nói.
Chiều 14.10, sau khi được lực lượng chức năng “giải cứu” ra khỏi khu vực bị cô lập bằng đường thủy, ông T. cùng 4 người sống sót đã trở về nhà. “22 giờ ngày 14.10, tôi về đến nhà ở A Lưới. Thấy vợ con khóc òa mà lòng tôi càng thêm đau xót. Tôi rất sốc khi nhìn thấy những anh em đồng nghiệp biệt tích trong đống đất đá. Giờ trở lại đó, chắc tôi bước không nổi”, ông T. nghẹn giọng.
Sáng qua 15.10, hay tin anh C. (cùng nhóm với ông T.) đã về đến nhà, chúng tôi đã tìm đến nhà anh tại thôn Hiền An (xã Phong Xuân, H.Phong Điền). Nhưng vì quá bàng hoàng trước sự việc, anh C. đã lánh mặt...
|
Xót xa người nằm lại giữa rừng
Hôm qua, có mặt tại ngã ba đường 71 - ĐT1B dẫn vào hiện trường vụ sạt lở, chúng tôi ghi nhận cảnh xe cứu thương liên tục ra vào. Cả trăm người dân đứng bên vệ đường hóng tin tốt lành. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã không đến... Xe cứu thương rời hiện trường và hướng đến Bệnh viện Quân y 268 (tại TP.Huế). Đứng bên đường trông theo những chiếc xe cứu thương chạy vụt qua, bà Trần Thị Tích (62 tuổi, trú tại xã Phong Xuân) nước mắt chảy dài: “Biết các anh đang mất tích dưới đất đá, đau lòng lắm. Thấy xe cộ, chiến sĩ chạy lui chạy tới vậy, tui xót xa vô cùng, không ăn, không ngủ gì được”.
Một chút may mắn đã “mỉm cười” đối với một nhóm nhân viên thường trực tại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Bồ). Ông H., nhân viên của trạm, kể ông rời trạm vào buổi sáng 12.10 trước khi sự cố xảy đến với đoàn cứu nạn khi họ dừng nghỉ tại trạm vào tối cùng ngày. Ông H. và một đồng nghiệp hết ca trực kéo dài 3 ngày, khi rời khỏi trạm từng đóng chân hơn 10 năm nay họ cũng không phát hiện điều gì bất thường. Đường sá sạt lở sau mưa lớn, nhưng vì đoàn cứu nạn đã mở đường vào nên khi rời trạm càng thuận lợi. Khi về đến nhà, khuya hôm đó họ mới hay tin trạm đã bị sạt thành bình địa...
Thêm 2 người may mắn khác nữa. Mưa lớn, nước băng qua đường, 2 nhân viên thay ca trực cho nhóm ông H. đã không thể vào rừng. “Chúng tôi mừng vì đã gặp may mắn, nhưng lại xót xa trước cảnh đoàn cứu nạn phải nằm lại giữa rừng”, ông H. nói.
Gần như suốt ngày 15.10, thời tiết tại Phong Xuân không có mưa. Những người có mặt tại hiện trường có vơi bớt lo lắng cho công tác cứu nạn trong rừng sâu. Nhưng kể từ buổi chiều, tin xấu từ hiện trường loan ra khiến họ thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Trời cũng bắt đầu mưa, càng lo. Bởi đất rừng đã “no nước”, công tác cứu nạn có thể xảy ra rủi ro bất cứ lúc nào. Vì còn những nạn nhân khác tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Bão số 8 cũng rình rập ngoài khơi.
Ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay trong ngày hôm qua mũi thi công ở đường 71 tập trung để thông đến thủy điện Rào Trăng 3. Khối lượng đất đá sạt lở rất lớn ở cả 2 vị trí tìm kiếm (tiểu khu 67 và khu vực thủy điện Rào Trăng 3), rất cần có phương tiện cơ giới vào để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm. Các đơn vị cấp tập cứu nạn, chạy đua với mưa.
Có lẽ chưa bao giờ người dân Phong Xuân cầu trời đừng mưa như lúc này. Bà Trần Thị Bụi (56 tuổi, sống gần ngã ba tỉnh lộ 11B - đường 71) thầm vái trời, cầu mong phía núi đừng đổ mưa lớn. “Thấy cả ngày trời ráo tạnh, lòng tôi mừng thầm. Bởi vì chỉ cần một trận mưa lớn trút xuống Rào Trăng thì đường đi sẽ như bôi mỡ. Chưa kể lũ quét sẽ khiến bộ đội gặp nguy hiểm”, bà Bụi nói và chắp hai tay trước ngực: “Xin trời đừng đổ mưa xuống Rào Trăng!”.
Bình luận (0)