Xử lý thế nào với chứng cứ phát sinh tại tòa

Phan Thương
Phan Thương
25/05/2018 15:49 GMT+7

Chứng cứ phát sinh tại tòa có thể ảnh hưởng như thế nào đến quá trình xét xử một vụ án? Chứng cứ phải được thu thập theo trình tự, thủ tục gì mới được pháp luật thừa nhận?

Thời gian qua, nhiều vụ án khi được đưa ra xét xử đã phát sinh tình tiết luật sư (LS) cung cấp chứng cứ mới tại tòa.
Chứng cứ phát sinh tại tòa gây xôn xao
Mới nhất, trong vụ án "8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Bệnh viên đa khoa Hòa Bình", LS Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, đã cung cấp tại tòa video ghi lại cuộc nói chuyện giữa  của ông Hoàng Đình Khiếu, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, với bà Bùi Thị Phương Thúy, Phó phòng Tài chính - Kế toán, về việc hoàn thiện hồ sơ sau khi xảy ra sự cố 8 người thiệt mạng vào ngày 29.5.2017.
Quang cảnh phiên tòa xét xử đối với bị cáo Hoàng Công Lương Ảnh: Phi Hùng
Vụ án dù đang ở phần tranh luận, nhưng HĐXX đã cho quay lại phần xét hỏi để làm rõ tài liệu, vật chứng là đoạn video do LS Thiệp vừa cung cấp. 
Ngày 16.5 vừa qua, LS bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn cũng bất ngờ cung cấp cho HĐXX một thẻ nhớ (USB) có nội dung ghi lại cuộc nói chuyện về khoản vay trên 9.000 tỉ đồng giữa Ngân hàng Đại Tín - TrustBank và Công ty Phương Trang.
Sau khi HĐXX lập biên bản và niêm phong USB cùng các tài liệu, đồ vật liên qua và chuyển giao cho Viện KSND TP.HCM đánh giá, thì sau 3 ngày, Viện KSND TP.HCM có công văn cho biết không chấp nhận tài liệu, đồ vật do LS của bị cáo Phấn cung cấp tại tòa.
Trước những tài liệu, đồ vật do phía LS của bị cáo Hứa Thị Phấn cung cấp tại tòa, LS Phan Trung Hoài và LS Nguyễn Huy Thiệp (bảo vệ quyền lợi cho Công ty CP đầu tư Phương Trang, 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác với Công ty Phương Trang) cùng đề nghị HĐXX làm rõ tính hợp pháp của chứng cứ và phải xác định rõ tài liệu, đồ vật LS Thơ nộp tại tòa không phải là chứng cứ của vụ án.
HĐXX cho biết dù Viện KSND TP.HCM cho rằng không có cơ sở xác định tài liệu, đồ vật do LS Thơ cung cấp là chứng cứ mới, liên quan đến vụ án nhưng để đảm bảo tính toàn diện, khách quan thì HĐXX vẫn xem xét.
Chứng cứ mới có thể khiến vụ án phải điều tra lại
Đã có nhiều trường hợp LS cung cấp chứng cứ mới dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề trong vụ án, thậm chí tòa đã phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Phiên tòa xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga) do TAND TP.HCM xét xử, ngày 27.6.2017, Lữ Minh Nghĩa trình bày trước HĐXX mình nhận được hơn 10 bức thư trong khoảng 5 - 7 lần mà Nguyễn Thùy Dung (cáo trạng xác định là đồng phạm với Phương Nga) gửi từ trại tạm giam ra. Nghĩa cũng nộp 5 bức thư cho HĐXX.
Khai trước tòa về cách thức viết thư, chuyển ra cho Lữ Minh Nghĩa khi đang ở trại giam, Dung trình bày, dùng đầu bàn chải đánh răng mài đi, sau đó lấy đầu mài viết lên túi ni lông.
Xem xét các bằng chứng được cho là các bức thư 'ni lông' bị cáo Dung gửi cho nhân chứng Nghĩa từ trại tạm giam ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Chứng cứ phát sinh tại tòa là những "bức thư ni lông" đó đã khiến HĐXX cho rằng có dấu hiệu thông cung và hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, lập tức niêm phong, lập biên bản thu giữ tài liệu, vật chứng; đồng thời, do vụ án còn có nhiều vấn đề chưa rõ của. HĐXX đã trả hồ sơ cho Viện KSND TP.HCM điều tra bổ sung. Vụ án này hiện nay vẫn đang bị tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định.
Chứng cứ mới phải làm thay đổi bản chất vụ án
LS Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn LS TP.HCM) cho biết theo quy định pháp luật, với những chứng cứ phát sinh tại tòa thì HĐXX sẽ lập biên bản, niêm phong vật chứng, tài liệu dưới sự chứng kiến, có chữ ký nhận của người cung cấp, đại diện VKS tham gia phiên tòa từ đó, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá về tài liệu, đồ vật này như thế nào, có được xem là chứng cứ của vụ án hay không. 
Nhận xét, so sánh về chứng cứ mới, phát sinh tại tòa trong các vụ án kể trên, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết, theo bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, LS có quyền tự thu thập chứng cứ. Và Điều 86 BLTTHS 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Đối với vụ án Trương Hồ Phương Nga, LS Quynh nhận xét, các LS bào chữa cho bị cáo Nga đã chứng minh được việc bức thư được “lén lút” viết và trao đổi qua lại giữa bị cáo trong vụ án và người làm chứng trong vụ án là hành vi pháp luật nghiêm cấm; nội dung bức thư hoàn toàn liên quan đến vụ án. Từ đó, các LS cũng khẳng định chứng cứ mới này có thể làm thay đổi toàn bộ bản chất vụ án, nên có căn cứ đề nghị HĐXX hoãn xét xử và trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Đối với chứng cứ phát sinh tại tòa trong đại án TrustBank, ông Quynh cho rằng việc cung cấp chứng cứ tại tòa, LS bào chữa cho bà Phấn cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ cung cấp chứng cứ để HĐXX có thể xem xét.
“Tuy nhiên, luật cũng đã quy định, chứng cứ là những gì có thật được thu thập theo trình tự thủ tục do bộ luật tố tụng hình sự quy định. Nếu tại thời điểm phát hiện ra chiếc USB, LS bào chữa cho bị cáo Phấn yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng nhận USB từ bà Phấn, lập vi bằng hành vi dịch thuật 48 trang tài liệu được nghe lại từ USB, thì tài liệu, đồ vật do LS Thơ cung cấp sẽ được xác định là chứng cứ mới, vì theo các quy định pháp luật liên quan, tài liệu do Vi bằng lập được coi là chứng cứ”, LS Quynh nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.