Từ chủ nhật đến nửa đầu tuần sau, thời tiết chuyển sang nắng nhiều do áp thấp nóng từ phía tây lấn sang, vùng tây Bắc bộ bắt đầu đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất có nơi 35 - 370C. Đợt nóng này kéo dài đến hết ngày 8.5, sau đó lại có mưa giông và gió giật trong những ngày gần cuối tuần.
Như vậy, miền Bắc đang chuyển dần vào mùa mưa, những cơn giông đầu mùa thường kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra như sấm sét, lốc xoáy, mưa đá rất nguy hiểm, cần đề phòng.
tin liên quan
Người Sài Gòn bất ngờ dịu mát sau cơn mưa lớn 'giải nhiệt' đầu mùaMiền Trung vẫn đang trong mùa khô, cuối tuần có nơi mưa giông vào chiều tối và đêm, sau đó nắng nóng 35 - 370C trong 3 ngày đầu tuần rồi mưa trở lại. Khu vực này cũng đề phòng giông sét và gió giật trong tuần sau.
Đối với Tây nguyên và Nam bộ chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông nên những ngày vừa qua đã có mưa chuyển mùa trên diện khá rộng, xuất hiện những điểm mưa to với lượng mưa 50 - 100 mm, nhưng phân bố chưa đều, vẫn có nơi chưa có mưa.
Trong 7 ngày tới, gió tây nam bắt đầu hoạt động khá ổn định với cường độ yếu đến trung bình nên lần lượt các tỉnh miền Nam bắt đầu chuyển dần vào mùa mưa, thời tiết vẫn còn nắng nóng và oi bức từ sáng đến trưa, nhiệt độ cao nhất ở miền Đông Nam bộ trong đó có TP.HCM, Biên Hòa, Sóc Trăng, Cần Thơ, Mộc Hóa từ 35 - 360C, các nơi khác 32 - 340C. Chiều tối sẽ có mưa rào và giông, mưa tăng dần cả về diện và lượng. Trong giai đoạn đầu mùa, có nơi mưa to và giông sét, lốc xoáy, mưa đá và gió giật. Riêng vùng biển Kiên Giang đề phòng khả năng xuất hiện vòi rồng nhỏ.
Thời tiết mưa nắng thất thường nên tình hình dịch hại, sâu bệnh đối với các vùng gieo trồng lúa mùa, hè thu có xu hướng gia tăng. Trong điều kiện đầu mùa mưa, tiết trời nóng ẩm cần đề phòng nguy cơ nhiễm bệnh lùn sọc đen trở lại, lan truyền theo các đợt gió từ vùng ven biển bắc Trung bộ vào các huyện nằm sâu trong nội địa, nhất là thời kỳ từ nay đến giữa tháng 6. Các vùng trồng lúa lai sẽ nhiễm nặng hơn lúa thuần, cây lúa có lá màu xanh đậm nhiễm nặng hơn lá màu xanh nhạt.
Đối với ĐBSCL, theo dự báo của ngành nông nghiệp, vụ hè thu đang xuống giống có khả năng dịch bệnh xuất hiện nhiều và đáng lo ngại nhất là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, nên sử dụng các giống lúa kháng rầy, xuống giống đồng loạt đúng lịch thời vụ để tránh hai đợt rầy nâu di trú từ nay đến cuối tháng 5 đầu tháng 6. Đối với các vùng trồng nhãn có thể bị bệnh chổi rồng tấn công và gây hại khi cây ra đọt non và hoa ở Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long trong thời kỳ chuyển và bắt đầu mùa mưa khi độ ẩm tăng cao và thiếu nắng do mưa kéo dài.
Bình luận (0)