Thời tiết ngày càng nóng hơn, phải đối mặt thế nào?

01/05/2024 10:40 GMT+7

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu khiến cho các đợt nóng trở nên dài hơn, thường xuyên hơn và mạnh hơn.

Tuy vậy, Giáo sư Benjamin Horton, Giám đốc Viện Quan sát Trái đất của Singapore, cho rằng một số hiệu ứng của biến đổi khí hậu do con người gây ra không phải là không thể đảo ngược.

"Chúng ta đã gây ra nó, chúng ta có thể giải quyết nó. Chúng ta có tất cả công nghệ để làm điều đó về năng lượng tái tạo, về việc bảo vệ thiên nhiên… Vì vậy, chúng ta có sức mạnh để đảo ngược các tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng thật không may, vì lượng khí thải trong quá khứ và hiện tại, chúng ta sẽ phải đối mặt với loại nhiệt độ cao này trong thập niên tới. Nhưng nếu chúng ta hành động đúng, nhiệt độ có thể được ổn định", ông nói với Đài Channel NewsAsia. 

Thời tiết ngày càng nóng hơn, phải đối mặt thế nào?- Ảnh 1.

Người dân ở Bangkok, Thái Lan trong đợt nắng nóng cuối tháng 4.2024

REUTERS

Ông cho biết thêm việc phát triển một hệ thống cảnh báo là cần thiết vì nhiệt độ cực cao có thể gây tử vong cho trẻ em, người già và những người có sẵn bệnh lý về tim mạch, tiểu đường… Và việc thích nghi với môi trường để xử lý những sự bất thường về khí hậu là rất quan trọng.

Điều này bao gồm việc giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị - một hiện tượng nơi các khu vực có nhiều công trình xây dựng và dân số đông, khiến không khí nóng hơn so với các khu vực nông thôn. Một số cách để giải quyết hiệu ứng này bao gồm việc có thêm không gian mở xung quanh các tòa nhà và sử dụng các vật liệu mát hơn như mái nhà màu trắng.

Nhiệt độ cực cao đang ảnh hưởng đến cuộc sống ở châu Á như thế nào

Tại Singapore, các nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt về nhiệt độ lên đến 7 độ C giữa các khu vực đô thị và các khu vực ít xây dựng hơn.

Trong khi đó, Giáo sư Kathryn Bowen của Đại học Melbourne (Úc) cho rằng cả thế giới phải giảm nhanh chóng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và các nước giàu có phải đi đầu trong việc này. "Để chúng ta không phải sống trong một thế giới mà 50 năm tới sẽ chứng kiến ba hoặc bốn lần những đợt nóng như đang diễn ra hiện nay", bà nói.

Ai gặp nguy cơ cao?

Nhiệt độ cao có tác động đến cơ thể người, vốn thường có nhiệt độ trung bình khoảng 36,5 độ C. Cơ thể ra mồ hôi để giữ mát, nhưng nếu lượng nước mất đi không được bổ sung, sẽ xảy ra tình trạng mất nước. Tim cũng buộc phải bơm mạnh hơn khi tìm cách điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

"Chúng ta có ngưỡng, giới hạn sinh lý đối với nhiệt". Bà Bowen cho biết. Theo bà, nhiệt độ càng cao, cơ thể con người càng cần phải làm việc nhiều hơn để có thể đối phó. Tuy nhiên, cơ thể con người không thể duy trì mức nhiệt độ nội tại cao trong thời gian dài.

"Một phần vấn đề mà chúng ta đang thấy bây giờ là nhiệt độ về đêm không giảm, do đó không cho phép cơ thể chúng ta làm mát và hồi phục sau các giai đoạn nhiệt độ cao. Đó thực sự là một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt. Nếu chúng ta không thấy nhiệt độ về đêm giảm, điều đó thực sự sẽ gây ra thảm họa cho sức khỏe và phúc lợi con người", theo bà Bowen.

Việc kiệt sức do nhiệt là một rủi ro phổ biến khi cơ thể trở nên quá nóng, và có thể xảy ra việc bị chóng mặt và đau đầu.

Nhiệt độ "bầu ướt" vì sao lại nguy hiểm?

Tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ cao cũng có thể leo thang thành sốc nhiệt, khi nhiệt độ cốt lõi của cơ thể vượt quá 40,6 độ C. Tình trạng khẩn cấp y tế, được đánh dấu bởi các triệu chứng như thở nhanh, hoang mang hoặc co giật, có thể gây ra tổn thương cơ thể một cách lâu dài và thậm chí tử vong.

Một số nhóm có nguy cơ cao hơn khi gặp nhiệt độ cực đoan là trẻ em, người già, vận động viên, người lao động ngoài trời và người vô gia cư. Nhiệt độ cũng có thể ảnh hưởng đến những người có bệnh lý sẵn có như bệnh hô hấp và bệnh tim mạch.

Những nước có trời nóng hơn trong những tuần gần đây thường phải đối mặt với những vấn đề khác như ô nhiễm không khí ở nhiều khu vực đô thị. Ngoài sức khỏe chung, nhiệt độ nóng kéo dài có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh tinh thần và cảm xúc.

Giáo sư Bowen nói thêm: "Chúng ta biết rằng với các dự báo về việc tăng cao và tần suất của sóng nhiệt, cần phải đảm bảo rằng các cơ sở y tế đã được chuẩn bị".

Nguyên nhân gây ra nhiệt oi bức là gì?

Nhiệt độ cao được ghi nhận ở nhiều nước châu Á là kết quả của biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino, làm ấm nước biển, xảy ra từ hai đến bảy năm một lần.

Nhưng Giáo sư Benjamin Horton cho rằng nguyên nhân cơ bản của thời tiết cực đoan trên toàn cầu là biến đổi khí hậu do con người gây ra. "Mỗi năm khi chúng ta đến tháng 5 và tháng 6, nếu chúng ta đang ở giai đoạn El Nino, biến đổi khí hậu do con người sẽ làm cho nhiệt độ luôn lên mức kỷ lục", ông nói.

"Cộng đồng khí hậu đã cảnh báo về điều này trong nhiều năm rồi. Điều cần phải làm ngay bây giờ là chúng ta cần chính phủ của chúng ta và các doanh nghiệp tư nhân nghĩ về vấn đề này thật nghiêm túc và khẩn cấp, để cố gắng giữ cho mọi người được an toàn", ông nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.