Trong hai ngày cuối tuần (25 - 26.8), miền Bắc vẫn có mưa ở vùng Tây Bắc rồi lan dần sang vùng đồng bằng trung du. Qua tuần sau, từ thứ hai (27.8) đến thứ tư, rãnh thấp suy yếu nên thời tiết có xu hướng tốt lên, nắng tăng mưa giảm, chủ yếu là mưa nhỏ trên diện hẹp vào chiều tối.
Cuối tháng 8 rãnh thấp đi ngang qua miền Bắc sẽ hoạt động mạnh dần, có khả năng xuất hiện vùng áp thấp trên vịnh Bắc bộ gây thời tiết chuyển xấu tập trung nhiều ở vùng ven biển phía đông, có nơi mưa vừa mưa to, đề phòng giông sét, lốc xoáy và gió giật có thể xảy ra.
Miền Trung có mưa giông ở các tỉnh phía bắc, còn từ Quảng Bình cho đến Phú Yên ban ngày trời nắng, vài nơi có nắng nóng trên 350C do hiệu ứng gió phơn yếu, mưa chỉ xảy ra diện hẹp vào chiều tối nhưng là mưa giông nên cũng tiềm ẩn khả năng xuất hiện giông sét và lốc xoáy trong thời kỳ chuyển mùa sau nhiều tháng nắng hạn. Độ ẩm tăng dần, hầu hết từ 70% đến hơn 80% nên tình hình khô hạn không còn ảnh hưởng nhiều đến cây trồng, khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Miền Nam, sau gần 2 tháng hoạt động mạnh, từ nay đến cuối tháng 8 đầu tháng 9, gió mùa tây nam sẽ giảm dần về cường độ (do ít khả năng có bão trên Biển Đông, ngoại trừ các nhiễu động trong vịnh Bắc bộ và bão trên vùng biển nam tỉnh Quảng Đông, Đài Loan, TQ). Mưa có xu hướng giảm, sáng nắng đến trưa, cường độ nắng tăng so với vừa qua. Mưa vào chiều tối trên hơn nửa diện tích khu vực, tập trung chủ yếu ở miền đông và vùng ven biển, mưa nhỏ có nơi mưa vừa, đề phòng gió giật trong cơn giông. Như vậy, mặc dù không có hạn “bà chằng”, nhưng đợt hơi giảm mưa này cũng giúp bà con ở các tỉnh miền Tây tranh thủ làm vệ sinh ruộng đồng, vườn cây trái, diện tích trồng hoa màu, nhằm hạn chế sâu bệnh do mưa ẩm liên tục hai tháng vừa qua, giảm thiệt hại sau thu hoạch của vụ lúa hè thu.
Theo dự báo, mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai lên theo đợt triều cường giữa tháng 7, đỉnh triều lớn nhất sẽ xuất hiện vào ngày thứ hai và thứ ba, dưới mức báo động 1. Ở các tỉnh ĐBSCL, vùng hạ lưu và ven biển mực nước lên nhanh và đạt đỉnh trong hai ngày 28 - 29.8 (18 - 19 âm lịch) vượt báo động 1. Trong khi đó ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng lũ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường nên mực nước sẽ lên nhanh trong những ngày tới, mỗi ngày tăng thêm từ 5 - 10 cm. Đài khí tượng thủy văn Nam bộ dự báo đến ngày 31.8 mực nước cao nhất tại Tân Châu và Châu Đốc có thể vượt báo động 2 khoảng 10 cm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 khoảng 1 m. Cần Thơ trên sông Hậu ở mức báo động 2, một số nơi bị ngập trong nửa đầu tuần sau. Vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nước còn lên chậm.
Thời tiết có thuận lợi hơn trên cả 3 miền do mưa lũ tạm thời giảm, cần tranh thủ thời gian này để chăm sóc cây trồng, tiêu thoát nước chống ngập úng. Tình hình sâu bệnh, dịch hại cần chú ý đặc biệt ở phía bắc là bệnh lùn sọc đen và sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại trên trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng. Các tỉnh ĐBSCL cần quan tâm nhất là rầy nâu di trú, cần giữ chân ruộng đủ nước nhưng không để ngập sâu và theo dõi bệnh đạo ôn trên ruộng đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Miền Đông Nam bộ cần theo dõi phát hiện sớm những ruộng bị bệnh khảm lá sắn trên các vùng có diện tích lớn, bệnh có nguy cơ lan rộng từ nay đến cuối mùa 2018 do điều kiện thời tiết ẩm ướt và thiếu nắng.
Bình luận (0)