Thời tiết xấu kết hợp, mưa lớn trên diện rộng

28/09/2012 12:30 GMT+7

* Mưa kéo dài, ngập lênh láng, giao thông hỗn loạn (TNO) Tổ hợp các yếu tố thời tiết xấu đang hoạt động mạnh khiến cả nước mưa trên diện rộng. Nam bộ mưa to đến rất to; các hồ thủy điện xả lũ; kèm theo triều cường đang lên.

* Mưa kéo dài, ngập lênh láng, giao thông hỗn loạn

(TNO) Tổ hợp các yếu tố thời tiết xấu đang hoạt động mạnh khiến cả nước mưa trên diện rộng. Nam bộ mưa to đến rất to; các hồ thủy điện xả lũ; kèm theo triều cường đang lên.

Tin nhanh từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, tại miền Bắc, đêm hôm qua và sáng sớm nay (28.9), không khí lạnh đã tràn về, ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía bắc và khu đông bắc.

Dự báo, ngày và đêm nay, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc bộ. Sau đó, khối không khí này di chuyển xuống ảnh hưởng đến bắc Trung bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ có mưa vài nơi; trung Trung bộ có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông.

Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 2 - 3, vùng ven biển mạnh cấp 3 - 4. Ở vịnh Bắc bộ, gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Jelawat kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên ở khu vực phía đông bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8, biển động.

Riêng tại khu vực Nam bộ, mưa lớn trên diện rộng ở tất cả các tỉnh từ đêm qua (27.9) kéo dài đến hôm nay (28.9). Lượng mưa đo được ở các tỉnh từ 50 - 130 mm. Một số điểm có lượng mưa lớn là: Thốt Nốt (Cần Thơ) 92 mm, Thới Bình (Cà Mau) 130 mm, Bình Phước 50 - 130 mm, Đồng Nai 50 - 130 mm.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ, cho biết hệ thống tổ hợp thời tiết xấu hoạt động mạnh đang ảnh hưởng, gây mưa trên diện rộng tại Nam bộ, nam Trung bộ và nam Tây Nguyên.

Bà Lan phân tích: Mặc dù bão Jelawat đã di chuyển về phía Đài Loan, hướng lên Nhật Bản nhưng đây là “siêu bão” nên tầm ảnh hưởng rất lớn. Đuôi bão vẫn còn đang kéo qua vịnh Thái Lan. Ảnh hưởng bão đồng thời đã làm cho gió Tây Nam mạnh lên, kèm theo đó là một dãy hội tụ nhiệt đới mây mưa đang hoạt động ở miền Trung, kết hợp với ảnh hưởng không khí lạnh phía Bắc.

Tất cả các yếu tố này làm cho miền Nam đang có những ngày thời tiết xấu và dự báo kéo dài đến cuối tuần. Sau đó, các khu vực mưa vừa, mưa to sẽ được thu hẹp lại, lượng mưa sẽ giảm dần.

Tin tức sáng nay từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cho hay, cả ba hồ thủy điện Thác Mơ, hồ thủy điện Cần Đơn và hồ Dầu Tiếng đều thông báo xả lũ.

Theo đó, mực nước hồ Dầu Tiếng lúc 7 giờ ngày 27.9 ở cao trình 27,71 m cao hơn so với quy trình là 0,06 m, dung tích vượt quy trình 10,68 triệu m3 nước. Để đảm bảo an toàn cho công trình và chuẩn bị đón lũ trong thời gian tới, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa sẽ xả tràn hạ thấp mực nước hồ từ 7 giờ ngày 1.10.

Hồ chứa nước Thủy điện Thác Mơ xả tràn khẩn cấp từ 7 giờ sáng 28.9. Tại hồ chứa nước Thủy điện Thác Mơ, lúc 6 giờ sáng nay, mực nước hồ đạt cao trình 218,055 m, lưu lượng bình quân ngày 27.9 là 690 m3/s, lưu lượng bình quân từ 0 giờ đến 6 giờ ngày 28.9 là 1.000 m3/s và đỉnh lũ lúc 6 giờ sáng ngày 28.9 là 1.500 m3/s.


Nước ngập trên đường Phan Văn Hớn, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn - Ảnh: Quốc Duy

Hiện nay, mực nước hồ chứa Thủy điện Cần Đơn đang xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Do ảnh hưởng của thời tiết và tình hình khí tượng thủy văn khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, Công ty CP Thủy điện Cần Đơn đang tiến hành xả lũ với lưu lượng 500 m3/s.

* Sáng cùng ngày, mưa dầm kéo dài nhiều giờ liền, kết hợp với thủy triều làm một số tuyến đường tại TP.HCM ngập nặng, đi lại khó khăn.

Khoảng 9 giờ 30, đường Hòa Bình, P.5, Q.11 (trước cổng nhà hàng Thủy Tạ - Đầm Sen) ngập sâu do cơn mưa lớn kéo dài, có đoạn ngập hơn 30 cm. Do đường bị ngập nên hoạt động đi lại, buôn bán của người dân quanh khu vực này gặp nhiều khó khăn.

Cơn mưa lớn sáng 28.9 trùng với thời điểm triều cường dâng cao làm nước ngập gây khó khăn cho các phương tiện đi lại qua đường Đồng Đen, u Cơ, Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Xí, Bình Quới (Q.Bình Thạnh)…

Tình trạng giao thông ùn ứ cũng xảy ra tại nhiều khu vực nội thành lẫn các cửa ngõ, địa bàn giáp ranh như QL 22, cầu vượt Bình Phước 1, 2 (giáp ranh giữa TP.HCM và Bình Dương, Bình Phước), Xa lộ Hà Nội (đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến trạm 2)…

Theo tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, từ hôm nay, tại TP.HCM triều cường đang bắt đầu lên. Mực nước đo ở trạm Phú An lúc 3 giờ 30 phút sáng nay là 1,25 m. Dự báo, đỉnh triều tiếp tục lên 1,31 m (lúc 4 giờ 30 phút, ngày 29.9); 1,36 m (lúc 5 giờ 30 phút, ngày 30.9); 1,39 m (lúc 6 giờ 30 phút, ngày 1.10) và cao nhất là 1,42 m (lúc 7 giờ, ngày 2.10).

“Những ngày nay, tại TP.HCM, thời điểm đỉnh triều và mưa lớn trùng nhau nên ngập cao ở nhiều nơi là chắc chắn”, bà Lan nhận định. Đồng thời, người dân cần đề phòng thêm gió giật.


Mưa lớn nhiều giờ liền làm các tuyến đường nội thành bị ngập, việc đi lại của người dân trở nên khó khăn - Ảnh: Quốc Duy


Trạm xe buýt trước cổng Nhà hàng Thủy Tạ - Đầm Sen, Q.11 bị ngập nước - Ảnh: Quốc Duy


Ngập nước trên đường Hòa Bình, P.5, Q.11 - Ảnh: Quốc Duy

Nguyên Mi - Quốc Duy

>> TP.HCM mưa lớn, đường thành sông
>> Mưa lớn gây thiệt hại tại nhiều địa phương
>> Nam bộ mưa do ảnh hưởng bão Jelawat

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.