Bài: Bích Hà
1. Nên ngắn gọn
Theo chuyên gia tư vấn các nghi thức Jodi R. R. Smith, đồng thời là chủ tịch Mannersmith, một tin nhắn chỉ nên gồm khoảng 2-3 câu ngắn. Chẳng hạn, khi vừa trải qua một đêm hẹn hò tuyệt vời và muốn chia sẻ ngay với cô bạn thân của mình, bạn nên kiểm tra kích thước màn hình điện thoại trước khi nhắn tin cho cô ấy “một cuốn tiểu thuyết”. Nếu tin nhắn quá dài, nên chia thành nhiều tin nhắn nhỏ. Hầu hết các điện thoại đều cài đặt chế độ tin nhắn bao gồm 160 ký tự. Điều đó có nghĩa nếu văn bản bạn muốn gửi đi dài hơn, nó có thể được chia thành tin nhắn thứ hai, tùy thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ điện thoại của người nhận. Do vậy nếu thấy câu chuyện của mình có thể biến thành một câu chuyện đa văn bản thì nên email hoặc gọi điện thoại.
2. Không nên tiếp tục nhắn tin cho đến khi nào nhận được hồi âm
Mặc dù ngày nay mọi người dường như dán mắt vào điện thoại di động, nhưng bạn cũng không thể chắc rằng bạn của mình sẽ nhận được tin nhắn ngay khi bạn gửi cho họ. Theo chuyên gia April Masini, người sáng lập trang web AskApril.com cho biết, điện thoại không phải lúc nào cũng luôn được mở, vì vậy việc nhắn tin liên tục để kiểm tra xem bạn của mình có nhận tin nhắn chưa là một hành động thô lỗ. Khi người nhận cầm đến điện thoại, hẳn cô ấy hay anh ấy sẽ bị tấn công dồn dập bởi các tin nhắn của bạn.
3. Nhắn tin để xác nhận kế hoạch
Hẹn ăn tối với bạn bè sau giờ làm việc chẳng hạn. Ngay cả khi bạn đã lên kế hoạch qua email hoặc điện thoại, thì việc gửi tin nhắn xác nhận vẫn là cách tốt nhất. Chỉ với một tin nhắn đơn giản: “Tối nay bạn sẽ đi chứ?” thì người nhận buộc phải phản hồi lại cho bạn câu trả lời “có” hoặc “không”. Nếu thay đổi kế hoạch vào phút chót, thì việc nhắn tin là lựa chọn dễ dàng nhất, tuy nhiên trong trường hợp này gọi điện thoại sẽ thể hiện thành ý hơn bởi vì người nhận chưa chắc đã đọc tin nhắn của bạn. Ngoài ra, việc gửi tin nhắn với lời mời cũng không phù hợp. Ngay cả ăn trưa với đồng nghiệp, bạn cũng nên điện thoại hoặc gặp trực tiếp. Tin nhắn chỉ nên gửi cho em gái, bạn thân hay một mối quan hệ gần gũi khác.
4. Không nên nhắn tin để chia tay
Bạn nghĩ rằng cách này hiệu quả bởi vì sẽ chia tay mà không cần nói lời nào. Cho dù bạn có đưa ra lý do để tránh mặt ra sao thì việc nhắn tin như thế này là cách cư xử tệ. Một mối quan hệ cho dù với đồng nghiệp, khách hàng hay nhà cung cấp cũng không nên kết thúc chỉ bằng một tin nhắn.
5. Nên sử dụng ngữ pháp và chấm câu
Đúng là khi nhắn tin có thể viết tắt, và với số lượng ký tự hạn chế, nên theo thời gian dấu phẩy và dấu hỏi tự nhiên biến mất. Tuy nhiên, tin nhắn nên bao gồm dấu câu thích hợp, chính tả và ngữ pháp để người nhận dễ dàng đọc hơn.
6. Không gửi quá nhiều file đính kèm
Mặc dù ngày nay tin nhắn đã có tính năng gửi kèm hình ảnh, video và âm thanh, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo không nên đính kèm nhiều hơn 1 tập tin hoặc đường dẫn. Bởi vì các tập tin quá lớn sẽ làm chặn hộp thư của người nhận, khiến họ không thể nhận được tin nhắn hay tập tin khác. Thay vào đó, nên dùng email nếu bạn muốn gửi nhiều file cùng lúc.
7. Nhắn tin vào thời điểm thích hợp
Nếu bạn biết ai đó quá bận rộn và không thể nghe điện thoại, thì việc nhắn tin giúp người ấy có thể đọc tin nhắn vào thời gian thuận tiện hơn. Chẳng hạn, tránh gửi tin nhắn trong khi đang có cuộc họp, cho dù là chính thức hay không chính thức, bởi vì nó sẽ gây phiền đến những người khác. Ngoài ra, không nên gửi tin nhắn khi đang không khỏe trong người, đang buồn ngủ, khi đang lái xe hoặc khi pin yếu.