Hoàng Lan
Các nhà nghiên cứu khoa học cho biết vitamin B12 là một trong những vi chất dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể có chủ yếu ở động vật. Loại vitamin này hoạt động như một nhà máy cung cấp năng lượng, tham gia phản ứng tổng hợp thymidylate, một thành phần trong phân tử ADN, cung cấp nguyên liệu để tổng hợp ADN, góp phần vào quá trình phân chia tế bào và trưởng thành tế bào trong cơ thể.
Vitamin B12 có tầm quan trọng thế nào đối với sức khỏe?
Một nghiên cứu tại Los Angeles cho biết có trên 15% số người tham gia vào cuộc khảo sát đã không nhận đủ hàm lượng vitamin B12 cần thiết của cơ thể. Phần lớn rơi vào những người có xu hướng ăn chay, những người gặp rắc rối về tiêu hóa. Thiếu vitamin B12 gây thiếu máu, các triệu chứng thần kinh và những triệu chứng khác. Người bệnh xanh xao, yếu, mệt mỏi, ăn không ngon, hồi hộp đánh trống ngực, đau đầu, khó thở đặc biệt khi làm việc gắng sức, nặng có thể bị ngất xỉu. Ngoài ra người bệnh có những cảm giác tê rần, nhột như kiến bò, khả năng trí óc giảm sút, loét miệng, đau lưỡi, táo bón… Nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt vitamin B12 có rất nhiều: do ăn uống, do bị viêm, teo niêm mạc dạ dày, cắt bỏ toàn bộ dạ dày, cắt bỏ đoạn cuối ruột non, hội chứng kém hấp thu, xơ gan, phụ nữ có thai…
Tại sao những người ăn chay dễ có nguy cơ thiếu hụt B12?
Không giống như các loại vitamin khác, B12 được tìm thấy chủ yếu trong các loại động vật, trứng, thịt, gan, sữa… Một số dạng thức ăn từ thực vật cũng chứa B12 song cơ thể con người không thể sử dụng dạng vitamin B12 từ thực vật, do vậy những người ăn chay dễ có nguy cơ thiếu hụt vitamin B12. Để bổ sung B12, các nhà khoa học khuyên những người ăn chay nên bổ sung bằng thức ăn lên men hoặc các loại nấm.
Lý do gì mà người trên 50 tuổi bị thiếu hụt B12?
Thiếu vitamin B12 khá phổ biến ở người lớn tuổi nhưng dễ bị bỏ sót do biểu hiện lâm sàng thường không đặc hiệu. Bên cạnh các bệnh lý mạn tính ở đường tiêu hóa như viêm niêm mạc dạ dày mạn tính, loạn khuẩn đường ruột làm giảm khả năng hấp thu vitamin B12 từ thức ăn. Bên cạnh đó, người cao tuổi, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng vào cơ thể chậm hơn, tình trạng này khiến cơ thể khó nhận đủ lượng vitamin B12. Để bổ sung loại vitamin này, các nhà khoa học khuyên người cao tuổi nên dùng cá và thủy sản có vỏ cứng, bên cạnh đó, có thể thực hiện bằng đường uống hoặc tiêm truyền nhưng đường tiêm truyền có hiệu quả ổn định hơn ở người lớn tuổi vì sự hấp thu vitamin B12 qua đường uống ở nhóm tuổi này thường bị giảm sút. Phản ứng phụ không mong muốn thường gặp khi dùng vitamin B12 là buồn nôn, khó chịu trong dạ dày, đau khớp, nhức đầu, phù nề cơ thể. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa khi sử dụng.
Vitamin B12 có ảnh hưởng gì đối với trí nhớ?
Bạn biết đấy, B12 có tác dụng bảo vệ các nơ-ron thần kinh. Nếu thiếu hụt chúng có thể gây tổn thương vĩnh viễn các tế bào não làm mất trí nhớ. Đây là lý do giải thích vì sao, càng lớn tuổi, trí nhớ càng suy giảm. Tất nhiên, tình trạng suy giảm trí nhớ cũng không phân biệt tuổi tác, người trẻ tuổi cũng có thể bị thiếu hụt B12 do thói quen sinh hoạt, chế độ ăn thiếu B12. Khi nhận biết mình bị thiếu vitamin B12, bạn cần bổ sung các loại thức ăn chứa nhiều B12 trong thực đơn hàng ngày. Nếu cần thiết, bạn cũng nên đi khám để được bác sĩ chỉ định dùng thuốc tiêm hoặc uống.
Mách bạn! |
Vitamin B12 có ở phần lớn động vật và thực phẩm lên men. Hệ vi khuẩn ruột người khỏe mạnh cũng sản sinh ra một lượng vitamin B12 đủ dùng cho cơ thể. Các loại thực phẩm giàu B12 gồm có: trứng, thịt lợn, thịt gia cầm, hải sản, sữa và các chế phẩm từ sữa. Cụ thể: Gan cừu 54mcg%, gan lợn 23mcg%, sữa bò 0,2 – 0,6mcg%, trứng 6mcg/quả, lòng đỏ trứng 1,2mcg%; thịt bò 2 - 8mcg%, thịt lợn 0,1 – 5mcg%, thịt gà 3mcg%, cá hồi 5,4mcg%. Sò, trai, ốc, hến: 84mcg%. Ngoài ra, tương, chao, sữa chua, dưa cải, dưa giá… cũng chứa nhiều B12. Nhu cầu vitamin B12 của người trưởng thành là 2mcg/ngày. |