Bài: Thùy Dung
Những nạn nhân của bạo hành
Trò chuyện cùng các phụ huynh và giáo viên, cán bộ nhân viên trường Mầm non 15, Quận Tân Bình, TP.HCM trong chuyên đề “Hãy bảo vệ con” (tổ chức đầu tháng 12/2017), Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Phạm Thị Thúy cho biết tất cả các hành vi làm tổn thương trẻ em về tinh thần và cơ thể đều được xem là bạo hành.
TS Phạm Thị Thúy tại buổi nói chuyện “Hãy bảo vệ con” tổ chức tại trường Mầm non 15, Q. Tân Bình, TP.HCM
Sau hàng loạt vụ việc bạo hành trẻ xảy ra ở các cơ sở mầm non tư nhân, không chỉ tâm lý của phụ huynh bất an mà chính những giáo viên mầm non cũng không khỏi hoang mang. Tâm lý hoài nghi của phụ huynh càng tăng thêm áp lực vốn đã nặng nề trên vai các giáo viên và bảo mẫu mầm non. Nhiều giáo viên tâm sự rằng có cha mẹ sau khi đưa trẻ vào lớp đã “rình” ngoài cửa sổ để xem cô giáo đối xử với trẻ như thế nào, có cha mẹ về nhà gặng hỏi con có bị cô đánh không? Theo TS Thúy, những hành vi này của cha mẹ là sự xúc phạm đến lòng tự trọng của các giáo viên Mầm non.
Phụ huynh cần đặt niềm tin vào nơi gởi con và chủ động hợp tác, hỗ trợ các giáo viên trong việc giáo dục trẻ
Theo TS Phạm Thị Thúy, có thể chính những bảo mẫu, giáo viên trong các vụ việc bạo hành trẻ em mà báo chí đã nêu – là nạn nhân của bạo hành khi họ còn nhỏ. Những bảo mẫu, giáo viên này bị chính cha mẹ, thầy cô, người thân... bạo hành hoặc chứng kiến bạo hành. Vì thế, khi đối mặt với những đứa trẻ không dễ cho ăn không dễ dỗ ngủ, họ không biết giải quyết bằng cách nào khác hơn là sử dụng bạo lực.
Gốc rễ của vấn đề bạo hành nói chung và bạo hành trẻ em xuất phát từ gia đình. TS Thúy cho biết: “Người ta nói bạo hành giống như một bánh xe càng lúc càng quay nhanh hơn, như quả cầu tuyết càng ngày càng to ra. Vì thế, phải giải quyết vấn đề bạo hành từ trong gia đình – là gốc rễ của vấn đề thì mới mong đẩy lùi nạn bạo hành trẻ em được”.
Yêu chiều quá mức cũng là bạo hành
Trong gia đình, trẻ em đã và đang bị bạo hành thân thể (bị đòn roi đánh đập), bạo hành tinh thần (chửi mắng, so sánh, chê bai, sỉ nhục...). Đặc biệt hành vi chiều chuộng, bảo bọc quá mức, đáp ứng quá mức nhu cầu cần của trẻ cũng là một hình thức của bạo hành tinh thần. Nhiều cha mẹ cho rằng chiều chuộng bảo bọc vì thương con nhưng thực ra hình thức bạo lực tinh thần này chỉ khiến đứa trẻ thua kém bạn bè cùng trang lứa về khả năng tự lập, tự vượt khó, tự đứng lên sau những vấp ngã trong cuộc sống sau này. Khi bước ra khỏi gia đình, trẻ giống như một chú gà công nghiệp.
Một hình thức bạo hành khác thường gặp ở trẻ tuổi thiếu niên là bạo hành kinh tế. Biểu hiệu ở các hành vi cha mẹ hay người lớn đe dọa cắt tiền tiêu vặt nếu trẻ vi phạm lỗi, cho tiền ...(kể cả tiền học phí, mua đồ dùng học tập...) kèm theo mắng chửi...
Dừng bạo lực trong gia đình
- Khi nóng giận hãy tránh xa con cái
Tránh xa con cái lúc giận dữ là cách để hạn chế tối đa nguy cơ chúng ta gây ra bạo lực cho người khác. Rất nhiều cha mẹ tâm sự rằng họ từng là nạn nhân bị bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực khi còn nhỏ. Họ biết đó là những hành vi sai trái và không muốn đánh mắng con cái. Tuy vậy, họ lại lặp lại hành vi xấu một cách không thể kiểm soát. Theo TS Phạm Thị Thuy1m cha mẹ phải thay đổi bằng cách học cách kiểm soát cảm xúc của chính mình. Khi nóng giận hãy tránh xa con cái để tránh tổn thương con. Khi một đứa trẻ đang giận dỗi, ăn vạ, làm nư... cha mẹ hay nóng giận cũng cần tránh đi để không kích hoạt cơn nóng giận của cha mẹ. Một trong những cách đơn giản để cha mẹ tự điều hòa cảm xúc của mình, giúp bình tĩnh trở lại là hít thở sâu và tập trung vào hơi thở.
- Nạn nhân cần nói KHÔNG với bạo lực
Rất nhiều đứa con bị cha mẹ đánh chửi chỉ ngồi im chịu trận. Nhiều trẻ bị bạn bè đánh “hội đồng” không tìm cách chạy trốn hay chống trả mà chỉ ngồi ôm đầu và khóc. Cha mẹ hãy dạy trẻ tránh xa những người đang giận dữ, người đang có hành vi hung hăng để bảo vệ tính mạng và thân thể của trẻ. Hành vi hung hăng khi nhận được sự đáp trả sẽ càng khiến người đó bị kích thích gia tăng hành vi. Vì thế bỏ chạy, tìm cách thoát thân là những điều mà nạn nhân của bạo hành cần làm để chấm dứt hành vi bạo lực. Đừng nói lý lẽ với người đang nóng giận mà hãy chờ cơ hội cơn giận của người đó qua đi để nói lên mong muốn của chúng ta.
Đường dây nóng quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và tổng đài 18001567 là những kênh hỗ trợ mà trẻ em cần nhớ để cầu cứu khi cần thiết.
- Phân biệt giữa giáo dục và bạo hành
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết: “Thái độ ứng xử chính là lằn ranh của giáo dục và bạo hành. Một người mẹ/giáo viên nói với âm điệu bình thường, bình thản khi yêu cầu con chấm dứt hành vi xấu, ngồi vào góc bình yên là giáo dục. Cũng người mẹ/cô giáo lớn tiếng, cao giọng bắt con về góc bình yên thì lại là bạo hành.
Nếu chúng ta đã “lỡ” la mắng hay đánh con trong lúc nóng giận thì phải làm thế nào? Tìm đọc bài viết "Làm lành với con với con sau xung đột".