(Lược dịch từ businessoffashion.com)
Vừa qua, Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu Burberry – Christopher Bailey đã có lời thông báo chính thức về việc chia tay với hãng. Anh sẽ giữ chức vụ Giám đốc Kinh doanh cho đến ngày 31/03/2018 và hướng dẫn cũng như bàn giao công việc cho Giám đốc Điều hành Marco Gobetti đến 31/12/2018. Bailey vẫn sẽ giữ vai trò chủ chốt trong đội ngũ thiết kế bộ sưu tập Spring/Summer 2018 kế tiếp.
Anh chia sẻ: "Thật sự là một đặc ân tuyệt vời khi đồng hành cùng Burberry, được làm việc và học hỏi từ những con người đặc biệt trong suốt 17 năm. Tôi thật sự mong chờ để đón nhận những thử thách sáng tạo mới, song, vẫn cam kết giữ vững sự thành công cho thương hiệu và sự chuyển giao thuận lợi”.
Theo một nguồn tin, cuộc “săn” người thay cho vị trí của Bailey đang bắt đầu ngay từ bây giờ. Một số nhà phân tích cho rằng Phoebe Philo – người cộng tác tuyệt vời của Gobbetti tại Céline, có thể là ứng cử viên sáng giá nhất nếu Giám đốc Điều hành muốn nâng tầm thương hiệu.
Cổ phiếu của Burberry với sự ra đi của Bailey tại London đã giảm 1,46%.
Bà Rose Marie Bravo là người góp công “dẫn mối” Bailey cho Burberry vào 2001. Đây có lẽ là sự cứu vớt kịp thời dành cho nhà mốt Anh quốc sau thời kì hưng thịnh nhờ hoạt tiết kẻ sọc “chavs” huyền thoại của thương hiệu. Cho đến sự ra đi của bà vào 2006, Bravo ghi tên Angela Arhendts, người đã quen với Bailey từ những ngày còn ở Donna Karan, là người kế nhiệm của mình.
Trong tám năm tiếp theo, Ahrendts và Bailey chứng minh rằng cả hai là “dành cho nhau”. Cùng nhau, họ đã làm mới công việc kinh doanh, mua lại giấy phép và biến Burberry thành một thương hiệu sang trọng đáng tin cậy. Trong suốt thời gian đó, Burberry vụt sáng như một ngôi sao mới trong làng thời trang cao cấp. Đến năm 2011, công ty thu về 1.5 tỷ bảng Anh về doanh thu, tăng 27% so với năm trước, với vốn hóa thị trường là 5,8 tỷ bảng Anh và gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và giá trị thị trường của LVMH trong cùng thời kỳ.
Đồng thời, còn phải kể đến khả năng nhạy bén về các kiến thức công nghệ hiện đại của Burberry. Thật vậy, dưới trướng Bailey, Burberry có vẻ là một trong những nhà tiên phong trong sử dụng sức mạnh của mạng xã hội và cộng đồng trực tuyến. Mùa này sang mùa khác, Burberry đã mở ra một con đường phát triển hiện đại hóa, chẳng hạn như việc phát trực tuyến các buổi diễn runway trên Twitter, Facebook, Instagram và Snapchat. Chiến lược đã mang đến nguồn lợi không ngờ, vừa cho phép nhãn hàng trải nghiệm những phương thức tiếp cận mới vừa mang đến giá trị kết nối với mọi người qua kênh online. Chính bước đi này đã thổi vào một luồng năng lượng mới giúp đội ngũ sản xuất thêm hào hứng. Đây cũng là điểm cạnh tranh vô cùng mạnh của hãng so với các thương hiệu cao cấp khác ở Anh và Pháp.
Nhưng, chiếc lược số càng phát triển thì các thiết kế của nhà mốt lại dậm chân tại chỗ. Các buổi trình diễn liên tục lặp đi lặp lại công thức nhàm chán: lại là những chiếc trench coat “đặc trưng”, lại là trung tâm trình diễn ở Kingston Garden, lại những giai điệu indie Anh quốc, những người mặc quen thuộc từ dàn mẫu đến khách mời hay thậm chí cả màn rải pháo bông luôn xuất hiện mỗi cuối buổi diễn. Dĩ nhiên, không thể bỏ qua các thiết kế trang phục. Những nhà phân tích cho rằng chính những đột phá vang dội trong quá khứ đã ngăn bước Burberry trước các sáng tạo mới mẻ và khác biệt hơn.
Vào năm 2014, Ahrendts quyết định chạy chương trình bán lẻ của Apple và trở thành động thái gây ngạc nhiên cho cả ngành công nghiệp và thị trường tài chính, Bailey được bổ nhiệm vào cả hai vai rò là Giám đốc Sáng tạo và Giám đốc Điều hành. Sự thật cho thấy đó lại là bước đi sai lầm nhất vì anh không thể nào dồn hết tinh thần vào phát triển dòng sản phẩm mới. Sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Burberry thực sự giảm dần trong thời của ông.
Tuy nhiên, dưới thời Bailey, Burberry đã đạt một số tiến bộ nhấ định: chuyển sang mô hình hoạt động và sáng tạo mới, bắt đầu củng cố hệ thống phân cấp thương hiệu vào cuối năm 2015 và cắt giảm chi phí. Về mặt sáng tạo, anh đã thay đổi địa điểm trình diễn và chuyển hướng bộ sưu tập của mình sang một cái gì đó bí truyền và ít thương mại hơn.
Trên thật tế, Burberry có tiềm năng phát triển toàn cầu rất lớn, là nhà mốt gần nhất với định nghĩa “cao cấp kiểu Anh quốc”. Khác với Dior và Chanel cùng chia nhau miếng bánh “thời trang cao cấp Pháp” hay hằng hà sa số nhà mốt cùng gắn mác “Made in Italy”, Burberry được ví như “một mình một ngựa” theo phong cách “rất” Anh. Các tín đồ thời trang có quyền tin vào một tương lai tươi sáng hơn dành cho thương hiệu. Hãy cùng chờ xem Marco Gobetti sẽ làm được gì nào.