Cái lẽ công bằng - Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Sơn (Thanh Hóa)

Lê Ngọc Sơn
(Thanh Hóa)
16/06/2024 08:31 GMT+7

Cách độ vài hôm, cứ vào khoảng xế chiều là lão lại sang nhà tôi. Lúc đầu lão lân la hỏi chuyện 'bố mẹ đi làm chưa về à'. Lão biết thừa giờ đó bố mẹ tôi đã về đâu. Rồi lão cũng vào chủ đề chính. Lão chìa cái cốc thủy tinh to loại dùng để uống nước chè vối ra rồi bảo: 'Có rượu không cho chú xin ít?'.

Cái ít của lão thì cũng phải nửa cốc, mà quá tay thì phải lưng lưng cốc. Mà cái đáng nói ở đây là cách lão uống rượu. Rượu đế nặng, đốt lên còn cháy xanh lửa, thế nhưng lão chỉ ngửa cổ đánh cái ậc, cạn luôn chỗ rượu vừa xin được. Uống sốc vậy nhưng mặt lão tỉnh bơ, chỉ như người khát uống một cốc nước mát mà thôi. Tôi đồ rằng lão phải là người nghiện rượu thuộc loại nặng, hoặc lão chả có cảm giác gì với rượu. Nhưng lão không lè nhè. Uống xong lão chào về luôn. Lão đi rất dứt khoát ra ngõ. Nhìn dáng người đậm của lão phía xa xa đổ bóng ngược về sau, tôi thấy cuộc đời lão cũng đằng đẵng ảm đạm như bóng đổ buổi xế chiều.

Cái lẽ công bằng - Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Sơn (Thanh Hóa)- Ảnh 1.

Minh họa: Văn Nguyễn

Vợ lão mất được gần năm nay. Nghe bảo hôm ấy lão chở vợ đi đám giỗ rồi bị xe tải lấn làn vượt ẩu bên trái ép sát vào xe. Thân trước của xe tải quệt vào cái gương bên trái xe máy của lão làm xe mất thăng bằng. Xe đổ, người ngã. Vợ lão ngồi sau ngã ra đường. Một cái chết thương tâm. Lão ngã dúi theo xe máy, lao vào bên lề đường, máu me bê bết nhưng chỉ bị xây xước ngoài da. Lão sống. Giờ lão gà trống nuôi hai con. Thằng lớn năm nay học lớp 11, thằng bé mới học lớp 5.

Ngày còn vợ, nhà lão cũng không thuộc diện khó khăn gì, mà ngược lại có đôi phần khá giả là đằng khác. Vợ lão làm y sĩ ở bệnh viện huyện. Ngoài giờ làm, vợ lão còn bán thuốc tây, đi tiêm, truyền dịch và thay băng cho người bệnh tại nhà. Thế nên ngoài lương hằng tháng còn có thu nhập phụ, có đồng ra đồng vào. Lão mở một quầy hàng làm đại lý phân bón hữu cơ ngay ở gian nhà trước, kiêm bán nước đóng chai và chạy xe ôm khi có ai gọi. Nhà lão ở mặt đường quốc lộ, thuận tiện buôn bán. Chỉ có điều hàng xóm cứ xì xào bàn tán, rằng lão "nuôi con tu hú". Hai thằng con chả đứa nào là con đẻ của lão. Nói thì chỉ dám nói sau lưng thôi, nhưng lão biết hết mấy lời đồn thổi ấy. Lão không nói, không thanh minh, không giải thích, chỉ lẳng lặng làm. Mà lão biết nói gì trong cái thế ngậm bồ hòn làm ngọt ấy.

Lão quê ở Quảng Bình. Hồi chiến tranh biên giới những năm 1980, lão đi bộ đội chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên. Được hơn một năm thì lão bị thương, ra quân là thương binh hạng ba trên bốn. Trở về quê cũ, lão được hợp tác xã sắp xếp công việc cho làm chân thu mua ở cửa hàng mậu dịch xã. Rồi có lần được phân công ra ngoài Bắc thu mua nông sản cứu đói cho dân quê mình, anh thương binh gặp chị y sĩ, phải lòng mà lấy nhau. Lão ở lại luôn quê của chị, một thị trấn ven biển cuối đất xứ Thanh. Nghe bảo ở quê, bố mẹ lão cũng đã mất. Người thân của lão chỉ có cô em gái thì đã đi lấy chồng xa tận ngoài Hà Bắc. Thỉnh thoảng lão có về quê cũ, mang cho làng xóm láng giềng ít quà quê. Tôi thích nhất là món khoai dẻo quê lão. Một miếng thôi mà nhằn cũng tơi bời mới bở ra. Khoai dai danh dách, nhưng ngọt và thơm.

Từ ngày vợ mất, cuộc sống của ba bố con lão khốn khó đi nhiều. Thu nhập từ cái cửa hàng phân bón với khoản xe ôm, tằn tiện lắm mới vừa đủ tiền sinh hoạt cho ba bố con. Thằng con lớn học cấp 3 biết ý, bỏ hết đi các lớp học thêm học bớt, chịu khó tự học hơn. Nó còn kèm cho thằng em nữa. Hai anh em nó một trắng một đen, một tóc thẳng mượt, một tóc xoăn tít, một đứa cao ráo, một đứa gầy đen nhẻm. Một đứa mặt hiền hòa, một đứa mặt hơi quắt lại với đôi mắt lồi ra. Nhìn vào thì chẳng ai bảo chúng nó là anh em ruột. Mà thật, chúng không phải là anh em ruột, và cũng chẳng phải con lão. Sợi dây gắn ba con người đó là người mẹ, thì nay đã mất, đã đứt. Thế nhưng tình cảm của ba bố con thì lão vẫn giữ, có phần thêm khăng khít từ ngày vợ mất. Thằng lớn học giỏi, nó bảo với lão, năm sau nó thi đại học y, nó muốn làm bác sĩ. Lão xoa đầu nó bảo, trường đó khó, con cố mà học. Từ ngày mẹ mất, thằng anh kiêm thêm vai trò đầu bếp. Ngoài giờ học trên lớp, nó còn đi chợ, nấu ăn, rửa bát, quét nhà. Kể cũng đỡ đần đáng kể cho bố. Thằng út còn nhớ mẹ nhiều, đi học hay khóc. Có lần nó về, thút tha thút thít khóc. Lão gặng hỏi mãi thì nó mới mếu máo bảo: "Bạn nó trêu con, không cha, không mẹ". Đắng lòng quá, lão chỉ biết ôm con, mắt cay xè.

Cái lẽ công bằng - Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Sơn (Thanh Hóa)- Ảnh 2.

Minh họa: Văn Nguyễn

Mấy bà hàng xóm có đận mối lái cho lão một bà trong xóm cũng mất chồng. Hoàn cảnh hai bên rổ rá cạp lại khá tương đồng. Gia đình có bàn tay phụ nữ, có hơi người đàn ông thì vẫn hơn là neo đơn gối chiếc. Bên kia cũng có ý ngả theo rồi. Thế nhưng lần nào dạm hỏi, lão cũng chỉ ậm ờ lắc đầu cười buồn mà bảo "chỉ làm khổ người ta thôi". Nhiều lúc thấy lão lầm lũi, khiêng từng bì phân bón lên chiếc yên xe máy cũ, rồi chằng buộc dây chun chở hàng cho khách, lúc trở về thì lão hút điếu thuốc lào, mặt buồn theo khói thuốc trắng bay lên mà thấy tội tội.

Năm sau, thằng con lớn của lão vào đại học. Nó thi đậu trường Y ở Huế, đúng mơ ước. Ngày nó nhập học, lão không đưa nó ra trường được. Chỉ gói ghém đồ đạc, dặn dò con rồi bắt xe khách tiễn nó đi. Nhà lại neo người hơn, chỉ còn lão với thằng con nhỏ. Thằng nhỏ nghe đâu là con của vợ lão với ông bác sĩ làm cùng bệnh viện. Nó giống hệt mấy người con trai của ông bác sĩ ấy. Da đen, tóc xoăn, mặt choắt không lẫn vào đâu được. Mà nào có xa xôi gì cho cam. Nhà ông bác sĩ chỉ cách nhà lão có mươi nhà dọc theo con phố. Ngày ngày có khi đi đưa nước, giao hàng, chạy xe ôm, lão chạm mặt ông bác sĩ mấy bận. Thế nhưng hàng xóm không bao giờ bắt gặp lão to tiếng hay nói chuyện với ông bác sĩ. Cũng như lão chẳng bao giờ to tiếng với vợ hồi cô còn sống. Lão cũng không đánh mắng gì thằng con nhỏ. Lão thương nó như bố ruột thương con. Thằng bé mồ côi, lão càng cố công chăm lo cho nó thêm chu đáo.

Ông bác sĩ bị bệnh nặng, nghe bảo phải sang nước ngoài thay một quả thận mà tiên lượng không sống được bao lâu. Có mấy bận, ông bác sĩ định tới hỏi thăm thằng bé, có ý muốn nhận bố nhận con. Lúc sắp gần đất xa trời, tình thương máu mủ trỗi dậy, ông cũng muốn hoàn thành điều thiêng liêng còn day dứt. Thế nhưng mấy đứa con của ông bác sĩ sợ phải chia đất đai của cải thêm cho người khác nên có ý can ngăn. Thôi thì gần hết một kiếp người, ngậm thêm một điều đắng cay tiếc nuối cũng chả nhiều nhặn gì, ông bác sĩ im lặng.

Ngày ông bác sĩ mất, kèn đưa đám nỉ non khắp phố. Tối hôm trước khi đưa ông bác sĩ ra đồng, lão bảo với thằng con nhỏ: "Con mặc bộ quần áo đàng hoàng, bố đưa con đi thắp hương cho bố của con". Thằng bé ngơ ngác chỉ lờ mờ hiểu câu chuyện qua lời đồn thổi, nhưng cũng nghe lời, theo bố đi đám. Lúc hai bố con lão tới đám, hàng xóm kín đáo đưa mắt nhìn nhau. Người bên nhà ông bác sĩ có phần bối rối, đưa nén hương cho hai bố con lão. Đứng trước bàn thờ linh vị của ông bác sĩ, lão nhìn con rồi nhìn lên bàn thờ khấn: "Nghĩa tử là nghĩa tận, hôm nay tôi đưa cháu tới đây để thắp nén hương đưa tiễn anh. Khi anh còn sống, anh chưa thể nhận cháu. Nhưng cháu dù có được nhận hay không thì vẫn là con anh. Làm con thì bố mất phải tới thắp hương đưa tiễn. Cầu mong cho linh hồn của anh ở nơi miền cực lạc sớm được an bài siêu thoát". Nói xong rồi thì lão bảo thằng bé lạy ba lạy và thắp hương cho ông bác sĩ. Theo làn hương khói, mọi oán ân, khúc mắc, tình thù cũng bay lên và tan biến hết. Hàng xóm nhìn nhau, cảm phục một lối đối nhân xử thế bao dung của bố con lão với người đã mất. Thế cũng là tận nghĩa, tận tình.

Bẵng đi năm năm trời, con trai lớn của lão đã tốt nghiệp ra trường. Bệnh viện huyện nhà trong giai đoạn tự chủ về mặt kinh tế, ưu tiên tuyển dụng các bác sĩ tốt nghiệp đại học có tay nghề trình độ cao về công tác. Con lão lại là người địa phương nên được xếp đầu danh sách tuyển dụng. Thằng con lớn đi làm, có đồng lương bác sĩ, đã tự nuôi được bản thân, và còn phụ giúp thêm cho lão nuôi thằng em ăn học. Âu cũng là hoa thơm trái ngọt cho những năm tháng vất vả nuôi con ăn học. Nét mặt lão cũng giãn ra đôi phần. Lão vẫn thỉnh thoảng sang nhà tôi nhưng không còn xin cốc rượu như trước nữa.

Một buổi chiều hè, lão sang chơi cờ với bố tôi. Khoảng sân nhà xanh mát, bộ bàn ghế đá kê cạnh cây hoa dẻ đang nở những bông hoa vàng thơm ngát. Hai ông già đánh cờ, khề khà uống chén chè mạn đặc. Cũng lâu rồi, lão mới có lại cái thảnh thơi như chiều nay. Thằng con lớn đi làm ở bệnh viện về, đang cùng thằng em nấu ăn. Nhà cửa bây giờ hai anh em nó lo cả, chúng nó thương bố nên đứa lớn đứa bé đều biết ý, lo làm, lo học. Khi mẹ tôi dọn mâm cơm lên thì lão cáo xin về, nhưng bố tôi giữ lão lại, bảo anh em làm đôi chén. Hôm nay mẹ tôi đi chợ mua được rổ cá diếc bụng đầy trứng, làm món cá diếc đồng kho rục với khế chua.

Hai ông già ngồi nhâm nhi gù rượu, có lẽ lâu lắm rồi lão mới chạm môi. Lão kể, năm ấy đi bộ đội, mặt trận Vị Xuyên đang vào giai đoạn khốc liệt. Các ngọn đồi, điểm cao đổi chủ liên tục. Đại đội của lão được lệnh đánh thốc lên để giành lại quả đồi bị giặc chiếm. Địch bắn rát, pháo cối từ xa dội xuống, đạn bắn như vãi trấu. Cả đại đội tấn công của lão nằm lại ở bên sườn đồi quá nửa. Lão bị một mảnh đạn pháo văng bắn vào phía bụng dưới, máu chảy thấm đẫm quần. Lão ngất lịm rồi được đồng đội kéo về tuyến sau. Nằm ở quân y viện vài ba tháng thì lão ra quân với cái giấy thương binh. Mà cái chỗ bị thương của lão không nhè chân, nhè tay mà lại bị vào phần mềm. Sau này lão đau đớn khi biết mảnh đạn pháo ấy làm lão bị mất đi khả năng sinh con. Vợ đi làm bệnh viện đi sớm về hôm. Cứ một tuần thì có vài hôm trực không về nhà. Lão biết rõ hai đứa con nhỏ không phải là con lão, nhưng khi nhìn đứa trẻ con đỏ hỏn ra đời, lão lại thấy thương chúng nó. Thì rằng lão không có con, nên vợ lão đi kiếm về, lão cứ nuôi chúng nó như con đẻ của mình vậy. Vợ mất, bao nhiêu năm mặc tiếng xì xào bàn tán, lão vẫn nuôi hai đứa ăn học lớn khôn trưởng thành, như một điều không thể khác.

Bố tôi cụng chén với lão, trầm tư bảo: "Cuộc đời này công bằng lắm, ông". Trong buổi chiều nhá nhem bên mâm cơm, hai ông già hàng xóm xuề xòa cười. Có lẽ, cuộc đời này đã công bằng với lão rồi chăng?

Cái lẽ công bằng - Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Sơn (Thanh Hóa)- Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.