Giao cảm - Truyện ngắn của Song Ngư

Song Ngư
Truyện ngắn
21/04/2024 08:30 GMT+7

Lấp ló ngoài cổng là một người đàn ông tóc bạc, ăn mặc vẻ quê mùa. Tôi đã gặp ông một lần, tuy không trò chuyện nhiều, vì ông luôn bận rộn. Ông rụt rè nói là muốn gặp mẹ tôi, vì có việc rất quan trọng.

Mẹ tôi đi công tác chưa về.

Trong phòng khách, chỉ tôi đối diện với ông. Gầy gò, cô độc và có phần sợ sệt, ông cứ hết nhìn căn phòng, lại nhìn tôi. Một lúc, trước ly nước lạnh trong suốt, ông bảo:

"Cô Trâm chết rồi. Hôm nay chú đến đây…".

Giao cảm - Truyện ngắn của Song Ngư- Ảnh 1.

Minh họa: Văn Nguyễn

Cô Trâm đã chết rồi sao? Tôi ngạc nhiên, hẫng lạnh. Mới hơn một tháng trước cô còn hào hứng bàn bạc với tôi về đám cưới…

***

Một buổi tối về nhà, tôi thấy người đàn bà lạ đang ngồi khép nép và như lọt thỏm giữa chiếc ghế rộng trong phòng khách.

"Cô Trâm, bạn mẹ" - Mẹ tôi giới thiệu ngắn gọn.

Một cái túi vải to đặt bên cạnh cửa. Tôi đoán cô sẽ ở lại nhà tôi lâu dài.

Sau khi ly hôn, mẹ đưa tôi đến một căn nhà ba tầng rộng rãi, sạch đẹp mà bà đã âm thầm mua từ lâu. Trước ngày tôi và mẹ rời khỏi ngôi nhà của bố, ông bảo có lẽ tôi nên khuyên mẹ đón một người họ hàng thật thà chân chất ở quê lên, để vừa làm người giúp việc trong nhà, vừa làm bạn tâm tình. Tôi nói với mẹ, mẹ tôi bảo làm gì có ai trên đời này mà mẹ có thể nói chuyện, chia sẻ. Mẹ ở một thế giới khác, cả thế gian đang ở thế giới khác.

Cô Trâm xuất hiện. Tôi đoán cô chính là chọn lựa của mẹ, về việc có một người bạn ở sẵn trong nhà, để sau mỗi ngày nhọc nhằn trở về, mọi tâm tư sẽ được trút buông, giống như được tắm mát, thư giãn khi nóng nực và mỏi mệt.

Tôi va phải cô Trâm liên tục, trong nhà bếp, phòng khách, phòng đọc, thậm chí ngoài ban công, nơi mẹ đặt những chậu kim tiền lá xanh dày, bóng mượt, trông vô cùng đẹp mắt. Mẹ tôi thích duy nhất cây kim tiền, một phần vì nó là cây phong thủy, luôn được người ta kỳ vọng sẽ đem về tài lộc, một phần vì nó ít khi lụi tàn, có thể nói là loài cây dễ tính. Và, một phần vì... chúng là quà tặng của bố tôi dành cho mẹ mỗi dịp năm mới xuân về. Bố tôi có thói quen, hoặc cũng có thể do ông ấy lười suy nghĩ, nên năm nào cũng tặng mẹ tôi một chậu kim tiền. Mẹ tôi hẳn chẳng còn tình yêu với bố tôi, nhưng bà vẫn rất chăm chút nâng niu những chậu cây ông tặng.

Đúng là mẹ tôi đã đón cô Trâm từ quê lên. Cô vừa là bạn cùng đơn vị với mẹ tôi thời trẻ, vừa là người em họ xa. Nhiều năm xa cách, khi gặp lại, mẹ tôi thấy cô vẫn ở vậy, không lấy chồng, cũng chẳng nhận nuôi đứa trẻ nào, hay cố "kiếm" lấy một đứa con làm chỗ dựa dẫm như những người phụ nữ quá lứa nhỡ thì khác ở quê. Vì thế, đã sáu mươi mà cô vẫn còn son rỗi. Trước khi đến nhà tôi, cô sống cùng người anh trai, chị dâu và mấy đứa cháu.

"Sao cô không lấy chồng?" - Tôi hỏi cho có chuyện, vì bỗng dưng nảy sinh một sự thương cảm lạ kỳ, chứ thực lòng tôi không muốn kéo dài những cuộc trò chuyện với cô bao giờ. Kinh nghiệm của bạn bè tôi cho tôi biết những người già chỉ thích nói chuyện quá khứ, về thời của họ, và hễ cứ nói đến thế hệ trẻ là họ chẳng có nổi một sự tán đồng ngoài than phiền, chỉ trích.

"Không phải không lấy, mà là không lấy được - Cô Trâm cười, cố cho câu chuyện trở nên hài hước - Họ bảo cô hâm". Cô nói tiếp: "Chắc là già rồi nên hâm, chứ ngày xưa còn trẻ cô có hâm đâu".

Tôi bật cười. Hâm là từ mà những kẻ tự cho là bình thường nói về những người nghĩ và làm khác họ mà thôi. Trước đây bố tôi vẫn chê mẹ tôi hâm, bởi trong khi người ta tìm mọi cách để có chân trong biên chế nhà nước, thì mẹ tôi nằng nặc đòi nhảy ra ngoài cho bằng được.

Bố đến thăm nhà, đúng hôm hiếm hoi có dịp mẹ tôi về nhà ăn cơm tối. Bốn chúng tôi lặng lẽ bên cái bàn ăn toàn những món nhà quê đơn giản: cá rô kho khế chua, rau muống luộc chấm tương và vài con tôm khô vốn nằm còng queo trong tủ lạnh cả tuần, bữa nào cũng phơi mình trên mâm mời gọi mà chẳng ai đoái hoài. Cô Trâm ngại ngùng giải thích là vì bố và mẹ tôi đều bất ngờ ăn cơm tối nên cô không kịp chuẩn bị. Mang tiếng là sống với người thành phố, nhưng cô không quen với các kiểu nấu nướng cầu kỳ của người thành phố, vả lại có nấu cũng chỉ mình cô với mâm cơm, nên cô cứ những món quê mùa quen thuộc mà thôi.

Rất hiếm khi bố đích thân đến nhà vợ cũ với danh nghĩa thăm đứa con gái mà ông đã góp công sinh thành. Những hôm bố đến, thường là không đúng bữa cơm, và hai bố con ngồi trong căn phòng treo đầy ảnh các ban nhạc nam nữ đình đám của cả Kpop lẫn Cpop của tôi. Hai bố con ngồi bên nhau cả tiếng đồng hồ, nhưng chẳng ai nói với ai chuyện gì ngoài mấy câu nhạt nhẽo quẩn quanh về một vài ai đó vốn thường qua lại cuộc sống chung của gia đình trước đây. Cậu em trai tôi đang du học ở Pháp. Một tỉ năm rồi nó chưa hề gọi một cuộc điện thoại về nhà. Tôi chỉ có thể biết về cuộc sống của nó qua những bức ảnh chẳng bao giờ được chụp chính diện mà nó rải rác đăng trên mạng xã hội.

Có lẽ mẹ chán bố ngay từ khi họ mới cưới nhau, thậm chí, tôi đoán là ngay đêm tân hôn họ đã đồng sàng dị mộng. Mẹ tôi tháo vát, năng động, thông minh và thức thời, còn bố chỉ ngày ngày quẩn quanh với cái máy chữ kêu lạch xạch, những phím chữ bập bềnh, mỗi lần gõ nó lại nở ra trên giấy một chữ cái màu xanh mà ngày nay chỉ có thể thấy được ở bảo tàng, hay trong bộ sưu tập của một người hoài cổ nào đó. Bố tôi là phóng viên, biên tập viên của một tuần báo, nhưng tôi không hề thấy ông bận rộn như những người làm báo khác. Lúc nào ông cũng đủng đỉnh, khiến mỗi khi ông xuất hiện ở đâu đó là tôi có cảm giác mọi thứ quanh ông đều trở nên uể oải.

Thế mà, họ cũng đã sống với nhau cho đến khi cả hai đứa con đều đã có thể tự kiếm sống nuôi thân và chịu trách nhiệm pháp lý về bất cứ việc làm nào. Tôi vẫn cam đoan rằng dù thế, họ vẫn không hề tỏ ra hạnh phúc giả tạo trước mặt hai chị em tôi, và cả những người xung quanh nữa. Cuộc ly hôn của họ không khiến tôi oán hận, hay hẫng hụt. Đôi khi, nghĩ về gia đình, tôi chỉ có cảm giác của những ngày lười biếng, nằm dài trên giường lắng nghe cuộc sống xôn xao xung quanh mình mà không bị ai lay thức.

"Con nên khuyên bố lấy vợ đi, ông ấy còn trẻ mà" - Mẹ đã hơn một lần nói với tôi như vậy.

Khuyên bố lấy vợ nữa ư? Hóa ra mẹ tôi vẫn lo lắng cho người chồng cũ. Hẳn bà trăn trở ông sẽ ăn uống ra sao, đau ốm thế nào khi không còn có bà ở bên. Hai mươi năm kết hôn, bố tôi đã quá phụ thuộc vào vợ, dù sự thành đạt của mẹ tôi khiến ông trở nên lẻ loi và cô độc.

...Thành phố vào thu, nắng vàng gió lộng. Cô Trâm xúng xính trong chiếc váy dạ hội sang trọng của mẹ tôi. Cô bảo mẹ tôi thật sung sướng, trong tủ lúc nào cũng ú ụ áo váy đẹp lộng lẫy nhưng chẳng mấy khi sờ đến. Mẹ tôi chỉ cười, mỗi người mỗi việc, nếu cô muốn thì cứ lấy cả tủ, rồi dùng vào việc gì thì dùng.

Bố tôi gõ cửa, hơi sựng lại giây phút khi thấy cô Trâm. Ai cũng nhận ra điều đó. Hình như, tôi thấy một tia sáng khẽ lóe lên trong mắt mẹ. Mẹ chủ động mời bố ở lại ăn cơm, rồi tới lúc cơm dọn ra, mẹ lại quày quả bỏ đi vì một cuộc điện thoại.

Chiếc áo được treo trở lại trong tủ áo của mẹ tôi. Đó là món quà duy nhất ngoài những chậu kim tiền mà bố tôi mua tặng mẹ, trong một dịp hai người cùng đi châu Âu. Tôi nhớ lần đầu diện nó mẹ vui lắm. Hồi mới lớn, tôi đã từng ngỡ ngàng và hơi suy sụp khi nhận ra có những niềm vui như pháo hoa, lấp lánh, rực rỡ và sớm lụi tàn.

***

Uống cạn ly nước, người đàn ông tóc bạc nhìn tôi một lát, rồi cúi xuống cái túi du lịch đeo bên hông. Ông mở cái túi, tiếng khóa kéo roàn roạt, dứt khoát, và lôi từ trong đó ra một xấp tiền dày cộp, mệnh giá lớn nhất hiện hành.

Tôi ngỡ ngàng.

"Tiền mẹ cháu cho cô Trâm xây nhà. Nhưng giờ cô ấy không cần nữa rồi". Ông nói, môi run run, tay cũng run run khẽ đẩy cọc tiền về phía tôi.

"Nhưng cháu…" - Tôi cũng bối rối.

Lại cúi xuống cái túi, ông thò tay vào lần tìm giây lát rồi lôi ra một vài tờ giấy ô ly có lẽ được dứt ra từ một cuốn vở học sinh, một cây bút, ông nhìn tôi ngượng nghịu.

"Cháu viết cho chú vài dòng biên nhận. Chú phải về sớm, em nó đợi ngoài kia…".

Ông ngoái về phía sau, nơi ông đoán là ngoài cổng. Hóa ra ai đó đã chở ông bằng xe máy, chạy cả trăm cây số để tìm đến nhà tôi.

"Cháu… Cháu không biết phải làm sao. Mẹ cháu đã cho cô Trâm rồi. Nếu đúng…".

Nghe tôi nói đến đó, người đàn ông bất ngờ khóc. Rưng rưng, thút thít, đôi vai gầy rung lên từng chặp. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một người đàn ông khóc to đến thế.

Ngày cô Trâm hủy hôn, không biết bố tôi có khóc. Trong căn phòng đã được sơn sửa lại của ông, bức ảnh cưới của ông và cô được treo trang trọng. Chính tay tôi đã làm việc đó. Và cũng chính tay tôi, vài năm trước đã gỡ bức ảnh cưới của bố mẹ xuống, cuốn phủ lại bằng những tờ báo khổ lớn, những tờ báo thậm chí có đăng bài ca ngợi mẹ tôi và công ty mỹ phẩm đang rất nổi tiếng của bà.

Mẹ đã rất cố gắng để làm một người lãnh đạo truyền lửa, và một người vợ hoàn hảo. Tôi nhớ những ngày còn nhỏ, chiều nào cũng là chú lái xe của mẹ đưa cả ba mẹ con tôi về nhà. Bố đang ngồi trước những trang giấy, bảo đó là bài vở của các cộng tác viên gửi về, và ông có trách nhiệm thẩm định chúng. Ông làm việc đó bất cứ lúc nào, và dường như không có lúc nghỉ, trừ khi ông phải ra ngoài, đi thực tế ở cơ sở nào đấy. Mẹ bảo chị em tôi tự tắm giặt, thay quần áo, dọn dẹp nhà cửa và dành cho bản thân vài chục phút thư thái trước bữa tối, còn mẹ thì lao vào bếp, xì xèo nấu nướng cho cái bữa tối mà chị em chúng tôi luôn háo hức chờ đợi ấy. Những món ăn mẹ nấu thực sự ngon, và nó khiến bố luôn mỉm cười.

Cô Trâm không thể nấu những món ăn cầu kỳ mà bố tôi, một người đàn ông sinh ra trong một gia đình trí thức phố cổ từ bé, đã được thưởng thức, đến mức chẳng còn có ý niệm nào về những món ăn chuẩn chỉ ngoài những bữa cơm gia đình. Nhưng vào chặng cuối cuộc đời, cô như một đóa hoa khiêm nhường, lặng lẽ, dịu dàng tỏa thơm để trái tim nhiều vết xước của bố tôi rung cảm. Ông chọn cô có lẽ không phải để khiêu khích mẹ tôi, và hẳn vậy, mẹ tôi cũng chính là người vun vén.

Về nhà lúc hai mươi giờ ba mươi, khi cô Trâm đã "đi ngủ", vì nhà quê chẳng có việc gì làm nên ngủ sớm, ngủ sớm để dậy sớm ra đồng, mẹ tôi lặng lẽ tắm giặt rồi tự pha cho mình một ly nước mát, ngồi trước mâm cơm để phần mẹ trên chiếc bàn sáng bóng trong phòng bếp. Phòng bếp có ô cửa mở ra khu vườn nhỏ mà cô Trâm đã tranh thủ gieo mớ cải, dấp khóm hồng. Ô cửa luôn được mở để không khí mới luôn được lưu thông, mẹ lại mở máy tính, trực tin tức từ các đại lý trên toàn quốc báo về.

Vậy là, mang tiếng có sẵn một người bạn trong nhà để tâm sự, nhưng cái sự ngủ sớm vì "ở nhà quê quen thế" của cô Trâm mà mẹ tôi cô đơn vẫn hoàn cô đơn.

Vậy, mẹ giữ cô Trâm trong nhà để làm gì?

Sống với gia đình tôi được hai năm, cô Trâm xin phép về quê một thời gian để trông nom việc xây nhà.

"Đời người, có thể không lấy chồng, không lấy vợ, không sinh con, nhưng nhà thì nhất định phải có một ngôi cháu ạ. Ai sinh ra cũng cần có một tấc đất để cắm dùi".

Một ngôi nhà mới sẽ được xây lên trên nền đất vườn, nơi người ta đang tíu tít với việc đổ móng. Sáu mươi nhăm tuổi có muộn để xây cho mình một ngôi nhà hay không? Xây nhà thì chẳng bao giờ là muộn cả, anh trai cô Trâm nói. Bởi với một người nhà quê, mục đích duy nhất của cuộc đời là xây cho được một ngôi nhà, dù phải nhịn ăn nhịn mặc. Có người chắt chiu cả đời để xây được một ngôi nhà, còn chưa kịp làm cỗ tân gia đã lăn đùng ra chết. Ai chết cũng là đáng buồn, nhưng họ chết trong mãn nguyện.

Lần đó, người đàn ông khắc khổ đang ngồi trước tôi đã nói như vậy. Người ta quan trọng ngôi nhà lắm, một ngôi nhà riêng, do chính tay mình xây nên càng quan trọng hơn nhiều.

"Ai cũng có thể tự xây cho mình một ngôi nhà. Nhưng không phải ai cũng có thể tự tay gây dựng một cơ đồ lớn, từ một con số không đến lúc có chỗ đứng vững chắc trên thương trường". Mẹ tôi nói trước khi ký vào tờ giấy ly hôn mà bố tôi đã soạn sẵn, đã ký sẵn. Đáp lại lời mẹ, bố tôi im lặng. Vậy người ta đã làm gì để đánh đổi. Không phải người nào cũng có sẵn một đống tiền để xây một ngôi nhà. Nhiều người phải chắt chiu một đời mới có được.

Cô Trâm về quê trông nom việc xây nhà một thời gian và không trở lại nữa. Thay vào đó, cô thông báo sẽ kết hôn. Người mà cô lấy làm chồng là… bố tôi. Mẹ tôi bảo thế là mừng cho họ.

"Con thấy cái váy này có đẹp không? Liệu cô Trâm có thích không?".

Mẹ chỉ cho tôi chiếc váy cưới đang được treo lộng lẫy trong một tiệm váy cưới sang trọng. Tôi bảo, "Đẹp và hợp hay không, sao mẹ không đón cô Trâm lên cho cô ấy thử. Nhỡ mình mang về cô ấy không ưng thì sao? Một món đồ dành cho ai đó, không chỉ cần đẹp mà còn cần hợp".

Phải. Mẹ nói. Tôi đoán chỉ vài hôm cô Trâm sẽ trở lại để thử váy cưới, nhưng cô đã không trở lại.

Và rồi, hôm nay, người anh trai khắc khổ của cô đã ngồi đây, đôi vai rung lên vì những nức nở, thương xót, đau lòng vì cái chết của người em gái. Một tuần trước đám cưới, cô Trâm đột ngột hủy hôn. Cô không giải thích gì thêm, chỉ nói là đã suy nghĩ lại, suy nghĩ kỹ càng.

Bố tôi hẳn rất buồn.

"Có những con cá sống ở sâu dưới đáy đại dương tăm tối, nhưng khi người ta mang nó lên mặt nước, nó lập tức tan chảy. Con có hiểu vì sao không?". Hồi còn sống với chúng tôi, kênh truyền hình yêu thích nhất của cô Trâm là thế giới động vật. Ở đó, cô chìm đắm hàng giờ vào đời sống nơi hoang dã. Cô bảo cả đời đối mặt với con người đâm ra chán, giờ chỉ có lũ sinh vật hoang dã mới hấp dẫn được cô.

Cô Trâm về quê xây nhà, mẹ tôi chuyển vào tài khoản của cô một số tiền khá lớn. Tài khoản do chính bà đưa cô ra ngân hàng để lập. Tại sao mẹ lại chuyển một số tiền lớn nhường đó?

"Số tiền này, là tiền mẹ cháu ứng cho cô Trâm theo hợp đồng".

Người đàn ông khắc khổ thôi khóc, lặng lẽ nhìn tôi.

"Hợp đồng?".

Mẹ tôi không giữ được cô Trâm, dù bà thực lòng muốn thế. Cô Trâm cũng không thể ở với mẹ tôi đủ năm năm, theo giao ước của hai người, để có được số tiền xây cho mình một ngôi nhà nhỏ sạch sẽ, ấm cúng.

"Cô Trâm uống thuốc sâu tự vẫn. Chết khổ lắm. Chú không biết vì sao cô ấy lại làm thế".

Người đàn ông nói trước khi ra về. Tôi bùi ngùi tiễn ông. Đôi vai gầy của ông khiến lòng tôi trĩu nặng. Khi bóng ông đã khuất sâu vào dòng người thành phố, tôi cứ thấy trải ra trước mắt mình cánh đồng quê hôm tôi đưa cô Trâm về. Dạo ấy lúa vừa hay ngả chín, vàng rộm mênh mang.

"Chỗ này mà chụp ảnh cưới thì đẹp lắm. Cô chỉ ước, nếu được chụp ảnh cưới, cô sẽ chụp ở cánh đồng lúa làng mình…".

Tôi thấy cô bay trên cánh đồng làng cô, trong chiếc váy cưới đẹp nhất mà mẹ tôi đã chọn. Trên cánh đồng ấy, mùa này, lúa đã gặt xong, một vụ mùa mới đã bắt đầu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.