Những vì sao chưa tắt - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Nga (Bắc Ninh)

NGUYỄN THANH NGA
(Bắc Ninh)
26/05/2024 08:30 GMT+7

Căn phòng cấp cứu đêm nay thanh vắng, Liêm cởi chiếc áo blouse trắng vắt lên thành ghế, bước ra phía cửa, nhìn lên bầu trời, ngàn vì sao đua nhau tỏa sáng, ánh lên niềm hy vọng, ngời lên sự diệu kỳ của đêm.

Tiếng còi xe cấp cứu réo lên từ phía cổng, phá tan màn đêm yên tĩnh, cái nhấp nháy đặc quyền ẩn hiện trên chiếc đèn đỏ không thôi xoay vòng vòng. Hai bạn y tá nam kéo cái cáng có bánh xe đẩy, thao tác nhanh gọn để sẵn sàng đón bệnh nhân từ phía trong xe. Liêm cũng mặc áo, chạy thật nhanh theo mấy bạn y tá.

Những vì sao chưa tắt - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Nga (Bắc Ninh)- Ảnh 1.

Tuấn Anh

- Bác sĩ, cứu bố em với, bố em tự nhiên ngã gục đi trong lúc ăn tối. Em xoa ngực mãi không tỉnh nên mới quyết định đưa bố vào đây - Người thanh niên trạc tuổi đôi mươi, hốt hoảng nói.

- Em phải đưa bố vào viện kiểm tra ngay chứ? Bố em có tiền sử bệnh gì không, như tiểu đường hay huyết áp cao chẳng hạn? - Liêm vừa hỏi, tay vừa ấn ngực bệnh nhân.

- Không, bố em mọi khi vẫn khỏe mạnh. Hôm nay cũng là ngày giỗ đầu mẹ em, bao nhiêu ngày em quần quật lăn lộn ngoài đường, nay mới về ăn cùng với bố bữa cơm, mới vừa bưng được cái bát lên thì…

Người thanh niên không kìm nén được cảm xúc bật khóc. Liêm cùng mấy y tá đưa bệnh nhân vào phòng xét nghiệm, bỏ lại anh thanh niên sau cánh cửa vừa khép lại. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, Liêm nhận ra anh ta mặc chiếc áo màu xanh lá - bộ đồng phục của người tài xế xe ôm công nghệ mà ở khắp mọi ngả đường trong thành phố này đâu đâu cũng thấy.

Một y tá nữ chạy xuống đưa tờ xét nghiệm máu vừa có kết quả:

- Người nhà bệnh nhân nói ông ấy không có tiền sử bệnh gì, hay anh ta sợ bị kỳ thị mà không nói? Ông ấy có kết quả dương tính với HIV!

Liêm không tỏ vẻ gì bất ngờ, anh đang nhìn lại các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp để xem có quyết định mổ cho bệnh nhân hay không, miệng nói từ tốn:

- Chẳng phải khi dấn thân vào nghề này, chúng ta ai cũng tự biết phải bảo vệ bản thân mình để tránh bị lây nhiễm như một phản xạ vô điều kiện hay sao? Bệnh nhân bị tai biến, máu bên tiểu cầu não trái bị chảy, phải mổ gấp. Các em chuẩn bị đi. Khẩn trương!

- Nhưng mà… em vẫn thấy sợ. Sao người nhà bệnh nhân cố tình giấu diếm làm gì, anh?

- Ừ thì… họ cũng sợ bị chúng ta kỳ thị. Chính họ còn kỳ thị với bản thân họ nữa mà - Liêm cố giải thích thêm để trấn an cho nữ y tá.

Người thanh niên gọi điện thoại, vay chạy ở đâu được ít tiền để tạm đóng viện phí. Thoảng nghe câu nói của anh ta: "Nếu không có tiền, cháu bán nốt mảnh đất để trả cho cô, giờ cháu cần tiền cho bố cháu mổ gấp, xin cô!". Khuôn mặt anh ta gầy sọp, méo mó đến đáng thương.

Hơn 2 giờ sáng, thành phố đang ngủ say, tiếng còi xe trên đường thưa vắng, ánh đèn đường hiu hắt vàng vọt trên những con phố heo hút gió khẽ trở mình. Trong căn phòng mổ này, chẳng camera nào có thể ghi lại được nỗi vất vả của các bác sĩ và y tá, trong đó có Liêm. Những giọt mồ hôi âm thầm chảy trên thái dương ngập ngừng còn đọng lại, những căng thẳng tập trung cao độ không nói thành lời. Tất cả chỉ vì cứu người, để cậu thanh niên ngoài kia thêm hy vọng về sự sống của cha mình mà thôi gào khóc. Có ai biết được những vất vả của Liêm và mọi người khác ở đây, chẳng của nả to lớn nào đong đếm được; nhưng nếu có đong đếm bằng tiền thù lao của ca mổ đêm nay, ca mổ đầy khó khăn và nguy cơ lây nhiễm ấy tính ra cũng chỉ vỏn vẹn có mấy trăm ngàn đồng.

Liêm đến với nghề bác sĩ chưa bao giờ vì tiền lương, trên tất cả là niềm say mê tận hiến từ trong trái tim từng rỉ máu của mình. Trái tim của một đứa trẻ khi Liêm mới 12 tuổi, anh không sao quên được ngày hôm ấy, bố trở về nhà, mang theo tờ giấy xét nghiệm dương tính HIV run run đưa cho mẹ. Căn phòng nổ tung bởi tiếng thét của mẹ khi không giữ được bình tĩnh:

"Tại sao anh lại phản bội niềm tin của tôi? Tôi chỉ muốn sống một cuộc đời bình yên bên chồng, bên con. Tôi đã làm gì sai mà anh nỡ...?".

Mẹ đặt cho bố hàng ngàn câu hỏi tại sao, ngàn câu hỏi mà chính bố cũng không thể nào giải thích nổi. Bố chưa bao giờ làm điều gì sai trái với mẹ, bố yêu gia đình này, nâng niu, vỗ về nó bằng tình yêu bao la vô bờ bến. Bố là một người cảnh sát tận tụy với nghề, khoác lên mình màu áo xanh thân thuộc, ngày đêm phục vụ mệnh lệnh cấp trên đi bắt cướp, góp một phần nhỏ nhoi cho người dân có một cuộc sống bình yên. Bố lúc nào cũng dạy Liêm rằng: Hãy trở thành một người tốt, cố gắng là một người sống và làm việc tử tế, đúng pháp luật. Một nghìn người sống tử tế như mình, nước ta có một triệu, hàng triệu người bảo nhau cùng sống tốt, hạnh phúc vì thế mà nhiều lên theo cấp số nhân, ấy mới đáng sống là người, mới là cuộc đời đáng để ta sinh ra.

Bố rơi vào những trận sốt li bì, mê man trong bao buổi chiều nắng khản đặc, khô khốc trên giàn hoa giấy; những nốt mẩn đỏ trên người nhiều tới nỗi đáng sợ mà chẳng rõ nguyên nhân. Trước giờ bố rất ghét phải đến bệnh viện, bố nghĩ mình luôn có sức khỏe, thể lực tốt, rèn luyện đều đặn, hà cớ gì bệnh viện nhắc tên bố. Nhưng rồi, cái tờ giấy xét nghiệm dương tính với HIV, lần đầu tiên nó quật ngã bố bằng bước chân liêu xiêu, vô định trở về nhà. Bố ngồi nhẩm lại quá khứ, bố đã từng làm gì để bị lây nhiễm? Tất nhiên rồi, bố sẽ phải lần lại từng dấu chân mình đi, để còn giải thích với mẹ, để niềm tin trong mẹ không sụp đổ.

Dấu chân của bố, đó là một ngày mùa hè nóng nực, bố cùng đồng đội phục kích để bắt nhóm người buôn bán trái phép chất ma túy. Cái nghĩa địa vắng người đầy ma mị phía sau thành phố lại là nơi tụ tập của bọn chúng. Bố rượt đuổi và bắt kịp một tên nghiện gầy gò vừa chích thuốc, chân vướng phải chiếc kim tiêm dính máu. Bố không để ý, chỉ nghĩ đâu đó vết cỏ sắc hay mảnh chai nhọn cứa vào chân qua loa, bố dịt vết thương bằng miếng urgo rồi cũng quên luôn việc đó. Thật chẳng ngờ một thời gian sau, mọi chuyện xảy ra là như thế.

Mẹ thôi không gào khóc, ôm ghì lấy bố mà an ủi, mà thương. Chỗ dựa duy nhất bây giờ là gia đình nhỏ bé chỉ có ba người. Bố xin nghỉ việc ở cơ quan, mẹ tạm ngưng việc giảng dạy trên lớp. Bố mẹ chào ông bà, người thân, quyết định dắt Liêm đi tới một nơi thật xa để lập nghiệp, cũng để tránh đi con mắt e ngại của những người chưa hiểu chuyện, khó cảm thông. Từ đây, khuôn mặt tươi vui của mẹ ẩn thêm một nét buồn, khuôn mặt ngời ngời của bố hằn sâu thêm nếp nhăn, những sợi tóc bắt đầu chuyển bạc. Cuộc sống của Liêm từ đó cũng chẳng còn được như xưa. Liêm dần làm quen với những khoảng cách cần được kiểm chứng. Thuốc, găng tay… luôn có sẵn trong nhà, dao và các dụng cụ dễ gây chảy máu phải hết sức tránh xa hoặc trường hợp đặc biệt bố mẹ mới được động vào.

Thế rồi riết cũng quen, bố mẹ dần chấp nhận con virus HIV sống chung với cơ thể mình một năm, rồi vài năm. Cuộc sống dần ổn định, tiếng cười vui trở lại. Mẹ túc tắc đi dạy, bố chuyển nghề trở thành một người quản lý ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS. Thành phố này đã bao dung chào đón cả gia đình Liêm từ ngày đầu chân ướt chân ráo tới đây, nay ngót nghét cũng được 18 năm. Nhớ lúc ấy, năm thứ 11, Liêm đang là một sinh viên theo học ngành y để trở thành bác sĩ, bố yếu ớt phản kháng với con virus ngày một lan tràn khắp cơ thể. Bố dặn nếu bố ra đi, hãy đào sâu chôn chặt ba tấc đất, đổ bê tông rồi đắp đất, trồng hoa trên mộ. Bố muốn mình vĩnh viễn nằm lại với mảnh đất này, không buồn đau, không tiếc nuối, vì bố đã cố gắng hết sức có thể để trở thành người tử tế. Ngày bố đi, mẹ nắm tay bố khóc thật nhiều, mẹ gục đầu vào ngực bố để cảm nhận chút bình yên bên người mình yêu những khoảnh khắc sau cuối. Liêm trồng trên mộ bố những cây hoa hướng dương, hy vọng nó luôn tươi tốt, mãi hướng về mặt trời và nở vàng rực rỡ.

Liêm trở thành bác sĩ và làm việc trong bệnh viện này được 5 năm. Thời gian chưa đủ dài nhưng cũng không quá ngắn để anh thấy được những khuôn mặt đầy tâm trạng đến đây thăm khám. Họ hầu hết là những người dân nghèo, vì nghèo chẳng ăn uống đầy đủ nên bệnh tật xảy đến. Thường thì họ tới đây khám, căn bệnh đã diễn biến ở giai đoạn quá muộn để cứu chữa.

Một người đàn ông dắt theo con gái chừng 5 tuổi đi cùng, vợ anh ta mất vì tai nạn 3 năm trước, anh cháy nắng chạy xe ôm ngoài đường, khi không có khách thì anh hút thuốc. Thuốc lá làm anh bị ho nặng, đi khám, ung thư phổi giai đoạn cuối. Liêm chợt nghĩ: rồi sau này anh mất đi, ai nuôi con anh, thương đôi mắt con bé tròn xoe mà ánh nhìn buồn bã, bé đâu hiểu gì về đời mà đã buồn mênh mang đến vậy? Một phụ nữ cõng cha mình trên lưng, người cha gầy guộc trơ xương, chỉ có đôi mắt của ông vẫn sáng. Căn bệnh nhiễm trùng máu đã hoại tử gần hết tứ chi, người cha cắn răng chịu đựng cơn đau ra hiệu cho con gái cõng mình đi về vì không đủ tiền thuốc chữa bệnh. Những con người đến đây, họ méo mó trong cơn đau, rời rạc trong hơi thở yếu nhọc. Tất nhiên, Liêm đã làm tất cả những gì có thể để giúp họ, nhưng sức anh nhỏ bé, đôi khi anh chỉ lén nhìn họ bằng đôi mắt bất lực, bằng nỗi buồn da diết lặn xuống đáy tim.

Ngày nào Liêm cũng đem câu chuyện của các bệnh nhân về kể cho mẹ, mẹ nắm bàn tay Liêm, nói:

- Rõ ràng, ai cũng một ngày nhiều lắm ăn ba bữa cơm, ngủ một góc trên chiếc giường nhỏ. Vậy mà… những cuộc đời khó nhọc quá con ơi!

- Mẹ, hay sau này con bán một nửa mảnh đất này đi, cộng thêm tiền tiết kiệm, mở một phòng khám bệnh miễn phí cho người nghèo, được không mẹ?

- Mẹ từ chối con làm gì, như bố vẫn hay nói: mình cứ sống tử tế, trời không bao giờ phụ. Kể cả lúc ấy, có thể mẹ chẳng còn bên con nữa…

Mẹ lắng tiếng thở dài, đêm dẫu chẳng ngắn hơn. Mẹ ngồi bên Liêm, anh đã đủ lớn để mẹ dựa vào bờ vai vững chãi. Liêm hào hứng khi nghĩ về dự định đang ấp ủ của mình. Dù có thể, sẽ chẳng dễ dàng gì để thực hiện nó, nhưng chắc chắn Liêm sẽ không từ bỏ. Anh hạnh phúc khi nghĩ về những nụ cười đâu đó của bệnh nhân sau cơn đau vừa dịu lại.

***

Ca mổ thành công tốt đẹp, người đàn ông được đưa sang phòng hồi sức. Đêm đã lặn rất sâu, một đêm không có nhiều ca cấp cứu, Liêm mong ca trực nào cũng bình yên như thế.

- Cảm ơn bác sĩ, chỉ cần bố em còn sống, có rau cháo nuôi nhau em cũng thấy vui! - Người thanh niên khuôn mặt phờ phạc nhưng mỉm cười rạng rỡ, ánh mắt tràn đầy niềm hy vọng.

Một cuộc đời mới được hồi sinh, Liêm bước ra phía cửa, ngước nhìn lên bầu trời, lứa sao ban tối mọc sớm đã lặn hết, chỉ còn một vì sao Hôm chưa thôi lặn; khi ấy, ngày mới cũng sắp sửa bắt đầu…

Những vì sao chưa tắt - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Nga (Bắc Ninh)- Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.