Đó là chương trình Câu chuyện hòa bình năm nay bước vào năm thứ hai và Điều còn mãi đã bước vào năm thứ 6. Cả hai chương trình có điểm chung là đầu tư dàn dựng và thực hiện nghiêm túc, chỉn chu mừng ngày Quốc khánh.
Chương trình hòa nhạc quốc gia
Cho đến bây giờ, Điều còn mãi vẫn là chương trình nghệ thuật hiếm hoi diễn ra vào buổi chiều, đúng vào ngày quốc khánh. Năm nay, trở lại sau một năm gián đoạn, Điều còn mãi sẽ tiếp tục được duy trì thực hiện thường niên và được nâng tầm lêntên gọi Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi 2015 do Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì, báo VietNamNet và dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội lúc 14h ngày 2/9/2015 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1. Mục đích chương trình vẫn không thay đổi, như như lời khẳng định của nhạc sỹ Dương Thụ, là để tôn vinh âm nhạc đỉnh cao Việt Nam. Trong khuôn khổ sự kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển lãm tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa tại sảnh Nhà hát Lớn để thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền với biển đảo và khơi dậy lòng yêu nước nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Mỹ Linh tại chương trình hòa nhạc quốc gia
Chương trình quy tụ một ê-kíp thực hiện lên tới gần 200 người, gồm nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc trưởng Lê Phi Phi, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, dàn hợp xướng Đại học sư phạm Trung ương, dàn hợp xướng Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội cùng các ca sĩ: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Nguyên Thảo, Đăng Dương, Trọng Tấn, Duyên Huyền...
Điều Còn Mãi 2015 sẽ trình diễn hai nội dung: thanh nhạc và khí nhạc xen kẽ để làm “mềm hóa” chương trình chứ không tách làm 2 phần riêng biệt như trước đây. Nhạc trưởng Lê Phi Phi cho biết: “Sau nhiều năm tổ chức, chúng tôi nhận thấy rằng, khi chia hòa nhạc làm 2 phần thì mức tập trung của khán giả cũng chia làm 2 phần. Do vậy, chúng tôi đã làm nhạc xen kẽ để khán giả thấy hấp dẫn hơn. Đây là nét mới của chương trình. Ngoài ra, chúng tôi quyết định mạnh dạn đưa Aria Cô Sao của Đỗ Nhuận do Hà Phạm Thăng Long và Mạnh Dũng thể hiện để giới thiệu thêm cho khán giả về nhạc kịch của Việt Nam”.
Chương trình Điều còn mãi 2015
Mặc dù có những đổi mới về mặt hình thức và nội dung nhưng chương trình Điều còn mãi 2015 được đánh giá vẫn ở mức “an toàn” với những tác phẩm kinh viện quen thuộc. Theo như ban tổ chức chia sẻ, thì kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là một sự kiện trọng đại nên chọn lựa cho chương trình một cách thể hiện vừa đổi mới, vừa an toàn là phương án tối ưu của ban tổ chức. Ông Phạm Anh Tuấn, thành viên ban tổ chức cho biết thêm: “Mọi người nói sao không thử những cái mới lạ nhưng thực ra chúng tôi không đủ thời gian để làm những việc đó. Các ca sĩ mới cũng vậy. Một số ca sĩ trẻ cũng đã được đưa vào danh sách chọn, nhưng sau một hồi bàn bạc, để đảm bảo chương trình thành công thì dứt khoát phải chọn những nghệ sĩ có kinh nghiệm từng làm việc với hòa nhạc Điều Còn Mãi để đảm bảo chương trình thành công 100%. Sang năm, chương trình sẽ có những đổi mới đột phá hơn”.
Những câu chuyện hòa bình được kể bằng âm nhạc
Được tổ chức lần đầu vào năm ngoái, cũng vào dịp Quốc Khánh 2/9, Câu chuyện hòa bình không dấu tham vọng sẽ được thực hiện thường niên, mà việc thực hiện số thứ 2 với chủ đề Lửa là cố gắng của cả ê kíp thực hiện.
Họp báo "Câu chuyện Hòa Bình"
Ông Lê Quốc Phong - Bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam - nói: “Chúng tôi rất vui mừng khi các đơn vị đồng hành đã đánh giá cao chương trình năm ngoái và tiếp tục chung tay tổ chức chương trình năm nay. Chương trình là một trong những cách chúng tôi truyền lửa cho thế hệ trẻ, giúp các bạn nuôi dưỡng lòng tự hào, nhiệt huyết và biến nhiệt huyết đó thành hành động để bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, phát triển bản thân mình”.
Đạo diễn Thái Huân - tổng đạo diễn chương trình cho biết ê kíp thực hiện và duy trì một chương trình ca nhạc chất lượng cao, không nhất thiết phải hoành tráng nhưng nhất định phải là một chương trình hay. Với chủ đề Lửa, chương trình gồm 3 phần: ngọn lửa thiêng, người truyền lửa, giữ lửa, kể lại những câu chuyện xúc động, chuyên biệt bằng âm nhạc. Lửa sẽ ưu tiên dàn dựng lại những ca khúc cách mạng ít phổ biến hoặc ít được trình diễn trong thời gian qua như Hoa sim điểm tựa, Vì đâu em chết…
Điều đáng nói là chương trình nhận đươc sự ủng hộ hết mình của các ca sĩ tham gia. Đạo diễn âm nhạc Cao Trung Hiếu cho biết, khi anh làm chương trình, nhiều ca sĩ đã nhắn tin nhắc nhở rằng tại sao sắp đến hẹn lại lên mà không thấy mời tham gia, đưa bài vở để tập. Các ca sĩ hát những bài chưa bao giờ họ hát cả, nhưng chỉ mới giới thiệu nội dung bài hát đã thích và không có yêu cầu gì ngoài việc đưa cho họ hát một ca khúc hay. Nỗi ngần ngại chuyện ca sĩ chuyên hát nhạc trẻ nay quay lại các ca khúc truyền thống – vốn không phải là những bài họ hát hàng đêm, liệu có thuộc lời và trình diễn có tốt, cũng nhanh chóng được xóa tan.