Giờ đây không chỉ đi miền núi xa xôi mới có chợ phiên, mà ngay giữa phố thị Sài Gòn đông đúc cũng có những phiên chợ cuối tuần, từ mấy năm nay. Chợ phiên phố thị mang một nét riêng rất đặc trưng của những người sống ở Sài Gòn. Chẳng thế mà những người tổ chức thường chia sẻ, nhu cầu chính ở chợ phiên không phải là bán - mua, mà là giao lưu, gặp gỡ, không chỉ là trao đổi sản phẩm mà là trao đổi cả niềm vui, tình cảm của nhau, thân thiện và năng động như chính con người Sài Gòn.
Một vòng chợ phiên
Nói đến chợ phiên Sài Gòn hẳn ai cũng biết phiên chợ diễn ra vào cuối tuần hiện đang mọc lên như nấm phục vụ các bạn trẻ thích săn hàng độc và giảm giá. Phiên chợ thường mở định kỳ vào 2 ngày cuối tuần nên khá thu hút khách hàng vừa có nhu cầu mua sắm vừa kết hợp đi chơi. Đến chợ phiên, người ta dễ dàng chọn được cho mình những món phụ trang handmade độc đáo như túi xách bằng da, vải bố hay trang sức bằng đồng được đục đẽo công phu…mà người chủ nhân như những nghệ nhân khéo tay có tuổi đời còn rất trẻ. Chợ phiên cũng là cơ hội để các nhãn hàng bị giảm sức mua có dịp tiêu thụ sản phẩm với giá khuyến mãi. Tùy theo ý tưởng của nhà tổ chức, mỗi một chợ phiên có nét đặc trưng riêng, không chỉ bán các mặt hàng thời trang mà còn có đồ thủ công, mỹ phẩm, nữ trang, giày dép, túi xách, cây cảnh… Một số phiên chợ còn có các dịch vụ “cộng thêm” để níu chân khách như bói bài Tarrot, vẽ Hena, vẽ chibi, vẽ móng, viết thư pháp…
Chợ phiên 1spot tại sảnh của khách sạn Victory trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tuy diện tích nhỏ nhưng thu hút khá nhiều khách hàng. Những mặt hàng được bày bán nhiều nhất phần lớn là quần áo, túi xách, phụ kiện handmade…dành cho các bạn trẻ với giá đã được giảm nhiều so với bán tại shop chính hoặc trên mạng. Còn Saigon Flea Market (Quận 7) được tổ chức mỗi tháng 2 lần được các tín đồ thời trang quan tâm hơn cả vì nhiều mặt hàng độc đáo, có một không hai mang phong cách Tây với những món đồ rất “chất”. Tại đây khách hàng rất đa dạng và nhiều lứa tuổi, đặc biệt là nhiều khách nước ngoài. Saigon Flea Market thành lập được 4 năm nhưng vẫn duy trì ổn định nhất so với các phiên chợ khác. Điều dễ nhận thấy ở các phiên chợ là không khí thoải mái, người bán hàng thường trẻ nên rất dễ thương và phục vụ tận tình.
Tại khu chiếu phim Galaxy Nguyễn Du (Q.1), chợ phiên Sale4Share có thể nói là một điểm đẹp vì thu hút từ những người đến xem phim, trong khi chờ đợi có thể dạo quanh các gian hàng. Hàng hóa ở đây có giá khá mềm, thậm chí nhiều mặt hàng giảm giá chỉ còn 30.000 đồng/áo thun, 100.000 đồng/quần jean nên rất thu hút đối tượng học sinh, sinh viên. Tuy nhiên lại quá ít các gian hàng độc đáo mà phần lớn là hàng chợ nguồn từ Trung Quốc…Chợ phiên sale cuối tuần đang mọc lên nhiều nên cũng có sự cạnh tranh vì thời gian gần đây hàng hóa bắt đầu na ná nhau. Để giữ chân được khách hàng khó tính phụ thuộc rất nhiều vào nguồn hàng phong phú và độc đáo. Chưa kể, thời gian gần đây sản phẩm của chợ phiên đã bị trà trộn nhiều hàng Trung Quốc chất lượng kém.
Bán hàng ở chợ phiên dễ không?
Có thể nói chợ phiên là cách thức lập nghiệp ưa chuộng, dễ làm dành cho các bạn trẻ mê kinh doanh thời trang, với mô hình nhỏ, chi phí không nhiều lại được bày bán tất cả những gì mình có. Các chủ gian hàng ở chợ phiên đa số là chủ shop trên mạng, do ít vốn chưa mở được tiệm nên chọn lựa chợ phiên là kênh tiêu thụ hàng hóa nhanh chóng. Chợ họp có thể ở nhiều nơi nhưng các thông tin cần thiết về thời gian, địa điểm, gian hàng…đều được loan báo trên mạng xã hội. Dạo quanh các phiên chợ phần lớn gặp người bán kẻ mua là những bạn trẻ như sinh viên, dân văn phòng kinh doanh thêm. Họ là những sinh viên muốn kinh doanh thêm bằng chính năng khiếu của mình. Vì vốn ít nên thường 2 người sẽ thuê chung 1 gian hàng (giá của mỗi gian hàng giao động từ 500.000đ đến 1.600.000đ tùy từng địa điểm) nhưng giá của các món hàng phần lớn chỉ dao động từ 20.000đ đến 200.000đ (đã giảm từ 10% đến 70%). Do đó không ít người sau hai ba đợt thử nghiệm đã lâm vào cảnh lỗ vốn, phải giã từ mô hình kinh doanh này.
Phần lớn khách của chợ là lứa tuổi teen và khách du lịch nhưng theo Khiêm (chủ Flower party shop tại 1spot) thì sức mua không nhiều. Anh cho biết “Đa phần khách đến tham quan, ngắm nghía, dạo chơi…nếu khách có mua 1,2 món thì cũng không lãi nhiều vì hàng hóa ở đây giá thành đã rẻ lại giảm giá. Bên cạnh đó giá thuê mặt bằng cũng khá cao”. Còn Linh (chủ Mali store) chuyên order các mặt hàng từ Úc chia sẻ “Các gian hàng cũng thay đổi liên tục vì nhiều người không chịu được chi phí tiền thuê gian hàng, nhân công…”
Thu Hương, chủ cửa hàng thời trang tại Saigon Holiday Market - cho biết: Tôi thấy chợ phiên là một cách khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ, vì với ít vốn thì những sinh viên như tôi khó mà mở tiệm, khó để người ta biết đến mình. Tôi cũng từng bán thời trang ở vài chợ phiên, tuy có lúc hơi bất tiện vì quá đông người đến nhưng hàng bán rất chạy. Nhờ bán hàng ở đây, tôi tích lũy được chút vốn, lấy hàng về bán online nhiều hơn. Tuy nhiên, là tiền thuê gian hàng 1.000.000 đồng/ngày là hơi cao.
Những phiên chợ thu hút khách:
|