Chủ tịch Hà Nội: Xót lắm, giữa thủ đô mà lừa đảo vẫn hoành hành

23/05/2024 16:53 GMT+7

Trước thực trạng lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng nhức nhối, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Sở TT-TT Hà Nội lập các trang mang tính chất cảnh báo, phòng ngừa. Ông Thanh bày tỏ: Xót lắm, giữa thủ đô mà lừa đảo vẫn hoành hành.

Nhức nhối tình trạng lừa đảo qua mạng

Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động thủ đô năm 2024 diễn ra sáng 23.5 ở Hà Nội, anh Nguyễn Thành Công (Công ty CP đầu tư và sản xuất Âu Cơ) nêu thực tế, hiện có một số đối tượng cho vay "tín dụng đen" và các đối tượng lừa đảo tự nhận là công an, cán bộ thường xuyên gọi điện thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đã có công nhân, người lao động bị lừa đảo lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Người lao động phát biểu tại hội nghị

Người lao động phát biểu tại hội nghị

KHẮC HIẾU

Ngoài ra, theo anh Công, việc lừa đảo trên không gian mạng và lừa đảo của các công ty, doanh nghiệp thông qua hình thức phát hành trái phiếu hoặc nhượng cổ phần đang lan rộng, tội phạm công nghệ cao và các hình thức đánh bạc qua mạng thực chất là chiếm đoạt tài sản của nhân dân, trong đó có công nhân, người lao động.

Do đó, anh Công mong muốn UBND TP.Hà Nội chỉ đạo lực lượng và các cơ quan liên quan có chế tài và các biện pháp quản lý mạnh hơn nữa để ngăn chặn kịp thời các vấn đề lừa đảo, "tín dụng đen".

Trả lời kiến nghị của người lao động, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Thành Long cho rằng, đây là vấn đề mang tính thời sự. Tình trạng lừa đảo qua mạng là vấn đề hết sức nan giải, rất nhức nhối. Các đối tượng phạm tội lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, nhất là người già về công nghệ tin nên có khó khăn nhất định trong phòng ngừa.

Theo ông Long, khó khăn trước tiên là quy định pháp luật về ngân hàng, giao dịch chính danh ký xác thực, dễ dàng thu gom thông tin cá nhân, mở tài khoản, có thể lừa đảo chuyển tiền bất hợp pháp. Bên cạnh đó, đa số trung tâm lừa đảo đặt ở nước ngoài... nên dù lực lượng chức năng đã tuyên truyền nhiều, gắn với từng tổ dân phố, khu dân cư nhưng tình trạng người dân bị lừa vẫn nhiều và càng ngày càng phức tạp, với số tiền lớn.

"Về "tín dụng đen", một phần nguyên nhân là do đời sống công nhân còn khó khăn, có nhu cầu về tín dụng từ 1 - 30 triệu đồng mà mức này ngân hàng và công ty tài chính không có nội dung cấp tín dụng. Do vậy nếu công nhân không tìm đến người thân, bạn bè thì sẽ tìm ở bên ngoài. Thời gian qua, chúng tôi đã tập trung lực lượng quyết liệt tuyên truyền, đấu tranh, tập trung xử lý "tín dụng đen", ông Long nói.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh kết luận hội nghị

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh kết luận hội nghị

KHẮC HIẾU

Thủ tục "hành" người ngay chứ không ngăn được người gian

Thông tin thêm tại hội nghị, Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Công an TP.Hà Nội cùng Sở TT-TT đã tích cực tăng cường tuyên truyền, ngăn chặn tín dụng đen trên các kênh truyền thông, báo chí.

Theo ông Hùng, sở có một kênh Zalo riêng với độ phủ là 4,2 triệu công dân trên địa bàn thành phố. Vừa qua, sở đã cho truyền thông mạnh về lừa đảo trên mạng và tín dụng đen; triệt phá được một nhóm lừa đảo là người nước ngoài trú tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội). 

Tuy nhiên, ông Hùng lưu ý người dân vẫn cần tự trang bị kiến thức để phòng ngừa bởi "bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của các đối tượng này".

"Hiện một số đối tượng liên hệ người dân còn giả mạo là cán bộ phụ trách cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Điều này người dân, công nhân, người lao động cần cảnh giác", ông Hùng nói.

Nhấn mạnh tại việc lừa đảo qua mạng và "tín dụng đen" là vấn đề "nóng", Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các cơ quan liên quan tạo cơ chế thuận lợi để người dân vay tín dụng, tránh tìm đến các đối tượng xấu.

Chủ tịch Hà Nội cũng khuyến cáo, công tác đấu tranh cũng chỉ là "một mặt", quan trọng nhất là phòng ngừa, trong đó chú trọng ở khâu tuyên truyền. Người dân có thói quen dùng Facebook, Zalo hoặc TikTok nên cần tăng cường tuyên truyền.

"Tôi đề nghị Sở TT-TT Hà Nội lập các trang mang tính chất cảnh báo, phòng ngừa để người dân, đặc biệt là hơn 40 triệu người dùng mạng xã hội nâng cao nhận thức trên các nền tảng mạng xã hội…", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh và bày tỏ: Xót lắm, giữa thủ đô mà lừa đảo vẫn hoành hành.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng lưu ý các cơ quan chức năng cần hoàn thiện quy trình chuyển tiền ra nước ngoài bởi các thủ tục hiện nay chưa chặt chẽ.

"Sao người dân chuyển tiền cho con đi học ở nước ngoài khó khăn thế nhưng lừa đảo lại rất dễ. Thủ tục "hành" người ngay chứ không "hành" người gian. Ở nước ngoài, mua sim điện thoại cũng phải hoàn thiện thủ tục mất 1 - 2 giờ. Ở nước ta lại quá dễ dàng. Đây là điều bất cập", ông Thanh bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.