Nhân dịp Tết Nguyên đán 2019, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM trân trọng giới thiệu tập sách “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” và “Khảo luận về Tết” cùng nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.
Chương trình chủ yếu đề cập đến những vấn đề sau:
Phần 1
Bắt nguồn từ những ý kiến, cảm nhận trái chiều về ý nghĩa của ngày Tết hiện nay. Liệu Tết có còn cần thiết và vẹn nguyên ý nghĩa?
Tết bắt nguồn từ đâu?
Tết chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?
Tết đã thay đổi như thế nào theo dòng biến chuyển không ngừng của lịch sử?
Đọc “Khảo luận về Tết” để thấy, để cảm nhận Tết Nguyên đán là một phong tục tốt đẹp mà nhân dân ta còn duy trì, lưu giữ như một nét sinh hoạt văn hóa mang những giá trị truyền thống trong nhịp sống hiện đại.
Những giá trị truyền thống đang đứng trước thách thức nhịp sống hối hả. Chúng ta cần tiếp cận sâu hơn để hiểu rõ bản sắc, dân tộc, bản chất căn nguyên của mọi giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử hào hùng của Việt Nam.
Cấp thiết nhất là bên cạnh những tập tục, lễ hội Tết còn lưu giữ ngày nay, còn những phong tục đang dần mất đi. Hay nói cách khác là đã mất đi nhưng vẫn còn tồn tại chút tàn dư. Việc này cần phải tìm hiểu căn nguyên, phân tích và kể lại câu chuyện ấy để một mảng lịch sử không bị mất đi vĩnh viễn.
Phần 2
Giới thiệu tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” như một tập thành công phu các hình thức diễn xướng dân gian mà tác giả cùng nhóm nghiên cứu đã dày công điều tra theo phương thức điền dã trong suốt nhiều năm (từ 1980 đến 1990). Hầu như những giá trị văn hóa truyền miệng ngày nay đã thất truyền do những nghệ nhân, những con người sống trong thời đại xưa nay đã không còn.
Vậy thì, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sưu tầm và lưu giữ lại những giá trị quý giá ấy bằng phương thức nào khi không hề có những thiết bị hỗ trợ tiên tiến như ngày nay?
Với một đề tài mang giá trị văn hóa tinh thần quan trọng như thế, vì sao sau rất nhiều năm tập hợp công phu, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng mới chọn thời điểm Tết năm nay 2019 để giới thiệu đến bạn đọc?
Tập sách “Gia Định – Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” này ghi nhận các hình thức diễn xướng dân gian ở vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa, tức khuôn trong địa bàn TP.HCM ngày nay. Cụ thể gồm các phần chính như sau:
I. Các hình thức diễn xướng trữ tình, bao gồm các thể loại dân ca, hò, hát, lý...
II. Các hình thức diễn xướng tự sự dân gian bao gồm các lối nói vần vè, kể vè, nói thơ, nói tuồng…
III. Các hình thức diễn xướng nghi lễ, gồm các hình thức diễn xướng tổng hợp trong lễ hội cúng miễu, cúng Kỳ yên ở đình làng, diễn xướng nghi lễ trong các cuộc trai đàn chẩn tế, hát Ông Tổng trong tang lễ và đặc biệt là hát sắc bùa chúc Tết.
IV. Các hình thức múa lốt: múa Hẩu, múa Lân, múa Rồng...
Gia Định - Sài Gòn là xứ đô hội ở ngã ba đường, luôn đón lấy những luồng giao lưu văn hóa rộng lớn với thế giới bên ngoài nên các dạng thức văn hóa nói chung, các loại hình nghệ thuật biểu diễn nói riêng luôn đổi thay không ngừng để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng từng thời đại. Do đó, việc tìm hiểu về các loại hình diễn xướng dân gian trong tập sách nhằm phục dựng lại bức tranh sinh hoạt nghệ thuật đã phải vượt qua nhiều khó khăn trong công việc điều tra hồi cố và phải mở rộng không gian điền dã mới có được thành tựu này. Ở đó, nổi bật là sự kết hợp tài liệu điền dã và những chỉ báo ít ỏi trong tài liệu thư tịch.
Chương trình giao lưu sẽ diễn ra vào lúc 9h thứ bảy ngày 26.1.2019 tại sân khấu chính đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM.
Khách mời: PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội.