Bài: Đà Thư
Trước tiên, phải nói đếndự án âm nhạc Bản nguyên đã được Hà Trần công bố lần đầu tiên tại Festival âm nhạc gió mùa - Monsoon Music Festival 2014 (MMF). Khi đó 6 ca khúc mới lần đầu tiên ra mắt công chúng và đã nhận được những phản hồi tích cực ngoài sự tiên liệu của những thành viên trong êkip sáng tạo.
Quy trình ngược của Diva
Sau MMF 2014, từ cảm hứng mà chính khán giả đã mang lại cho Bản nguyên và Trần Thu Hà, phần còn lại của dự án đã được thu thanh và hoàn thiện tại phòng thu của nhạc sĩ Thanh Phương. Các nghiên cứu về âm nhạc của dự án cũng được căn chỉnh lại dựa trên chính những trải nghiệm live concert của Hà Trần và các thành viên ban nhạc bao gồm Thanh Phương (guitar), Hùng Cường (trống), Hải Bằng (bass)... Album “Bản Nguyên” đã hoàn tất gồm 11 ca khúc với âm hưởng rock mạnh mẽ. Điều Hà Trần mong muốn, khán giả khi nghe sản phẩm thu âm phải có được một cảm xúc mãnh liệt và trung thực như xem hát live, cân bằng với sự đòi hỏi nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu phải hoàn thiện như hát trong CD.
Trần Thu Hà và Dominik Nghĩa Đỗ
Quy trình sản xuất album này được Hà Trần gọi là một quy trình ngược. Thông thường các ca sĩ thường ra album sau đó mới đi tour và giới thiệu những bài hát trong đó. Lần này, Hà Trần đã đem những tác phẩm mới, đong đếm sự đón nhận của công chúng tại những Lễ hội âm nhạc lớn như Monsoon Music Festival, Rock Storm... để có hoàn thiện đĩa nhạc.
Cô tỏ ra rất hào hứng cho một hành trình âm nhạc mới của mình. Bản nguyên là một concept album, một hành trình âm nhạc đi tìm bản ngã con người của chính những người tham gia vào nó. Từ người sáng tác (nhạc: Dominik Nghĩa Đỗ, lời: Hoàng Quân) thể hiện (Hà Trần và nhà sản xuất âm nhạc Thanh Phương).... Với một nghệ sĩ đích thực, làm sao để tạo ra những bản nguyên chính là động lực để thôi thúc sự sáng tạo.
"Bản Nguyên" - Trần Thu Hà
Hà Trần luôn tự hào là cô có một lượng fan hâm mộ tuy không lớn nhưng đặc biệt “chất”, bởi họ đều là những “dị nhân” (cách nói của Hà về những người bạn- fan ruột) đều làm trong các ngành nghề thiên về sáng tạo, nghệ thuật... Họ ủng hộ Hà, dõi theo Hà, và sẵn sàng cùng sáng tạo với Hà nếu cô cần. Bản nguyên trở thành một dự án tương tác nghệ thuật đa phương tiện của Hà Trần cùng những nguyên bản khác, là một ngôi nhà mời gọi các “dị nhân” – các bạn trẻ với tư duy sáng tạo khác biệt ở nhiều lĩnh vực: game developer, graphic designer, fashion designer, video director, comics artist, photographer.... Và Hà Trần mở cửa cho tất cả các bạn trẻ mong muốn được sáng tạo trên một nền cảm hứng từ sản phẩm này. Đang có rất nhiều những sản phẩm sáng tạo mang tên “Bản nguyên” được thực hiện và sẽ lần lượt ra mắt công chúng. Một sản phẩm âm nhạc “Đa thù hình” đã được hình thành.
Trần Thu Hà
Trước tiên, với game âm nhạc Bản nguyên Journey, Hà Trần là nghệ sĩ đầu tiên đưa âm nhạc của mình vào đồ họa tương tác kỹ thuật số. Lấy cảm hứng từ chất nhạc độc đáo của album Bản Nguyên, Goya Studio đã cùng Hà Trần sáng tạo nên một trải nghiệm tương tác độc đáo, khi game mobile đã giao thoa cùng âm nhạc để làm nên một sản phẩm độc đáo. (Người chơi có thể tải Bản nguyên Journey lite trên kho ứng dụng App Store trên iOS và Google Play trên Android).
“Của lạ” ở Festival âm nhạc gió mùa
Ở MMF của nhạc sĩ quốc Trung, sẽ diễn ra vào đầu tháng 10 tới đây, không chỉ khởi động bán vé từ 3 tháng trước khi diễn ra chương trình, một điều bình thường ở xứ ngưới nhưng ít có ở xứ ta, mà còn gây ấn tượng khác biệt nữa từ chiếc vé vào cửa.
Nếu như những tờ vé giấy đã quá quen thuộc, thì ở MMF, khán giả sẽ sử dụng wristband (vòng đeo tay) để ra vào khu vực biểu diễn. Đây là điều mà từ trước đến nay chưa từng có ở các chương trình giải trí bán vé tại Việt Nam.
Ở nước ngoài, wristband đã được áp dụng khá rộng rãi, nó có thể xem như là một biểu tượng của Festival quốc tế. Hơn cả ý nghĩa là “tấm vé” để vào cửa, wristband còn là xu hướng thời thượng, là thời trang - vì chiếc vòng này thường được thiết kế với màu sắc rực rỡ trông cực cá tính. Trong không khí âm nhạc sống động như Monsoon Music Festival, cảnh tượng hàng loạt khán giả phía dưới cùng giơ tay cổ vũ với chiếc vòng là biểu tượng của chương trình thực sự sẽ là một hình ảnh rất đẹp.
Bên cạnh đó, wristband còn là dấu hiệu để nhận biết nhau của những khán giả trong cùng một Festival. Nó sẽ là một vật kỷ niệm cực ý nghĩa của những ai đã từng tham dự Lễ hội âm nhạc này, chứ không như kiểu vé giấy thông thường, tuy dễ bán, dễ sử dụng nhưng lúc vào cổng rồi lại chẳng còn giá trị gì nữa. Đó còn chưa kể tới việc vé giấy sẽ gây tác hại đến môi trường khi xé vé, mất mỹ quan, dù cho nó dễ bán và dễ dùng.
Việc chuyển sang dùng vòng đeo tay thay vì vé giấy truyền thông để vào cửa đã chứng tỏ Monsoon Music Festival luôn cập nhật những xu hướng mới nhất và đang được khán giả của chương trình này xem như sự kiện tiên phong thay đổi để đưa nền âm nhạc giải trí Việt Nam tiến gần hơn với quốc tế.
Thay lời kết
Mới đây, ngay cả trong khu vực nghệ thuật hàn lâm vốn rất “truyền thống”, nhà hát giao hưởng và vũ kịch TP.HCM cũng có sự đột phá khi tham gia Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu với hình thức bán vé mới. Đó là mở workshop với chi phí tham gia rất hữu nghị: 100.000VND/ người cho những ai thích chụp ảnh đồng thời mời thành viên của một diễn đàn về nhiếp ảnh tham gia. Thành phần tham gia rất đa dạng, sau khi chụp được những bức ảnh đẹp, không chỉ ưa thích vở múa mà những hình ảnh, chia sẻ cảm xúc của họ trên mạng xã hội, tạo sự tò mò kích thích bạn bè người quen đến chương trình và đua nhau mua vé xem buổi biểu diễn chính thức.
Trên con đường tiếp cận khán giả, nói chung, mỗi sự sáng tạo hay thay đổi trong lĩnh vực này đều đáng quan tâm và ủng hộ, miễn không kèm…scandal. ít ra thì khán giả luôn cảm thấy mình được lợi, khi thụ hưởng nhiều hơn.