BÀI: Như Hạ
Nhân vô thập toàn, đàn ông không tránh khỏi những lúc gây ra lỗi lầm với người yêu. Đặc biệt trong tình trạng khủng hoảng kinh tế như hiện nay, nam giới càng cảm thấy áp lực vì gánh nặng cuộc sống hơn bao giờ hết. Phái nữ nhẹ lòng nên dễ dàng bỏ qua những sai lầm đó, nhất là chỉ cần anh ấy biết cách làm bạn vui sau đó. Theo nghiên cứu mới đây của đại học Tennessee, Mỹ, điều này có thể làm tổn thương mối quan hệ của bạn. Các nhà nghiên cứu cho biết khi một phụ nữ dễ dàng tha lỗi cho đàn ông, họ dễ có xu hướng lập lại sai lầm đó gấp 6 lần. Nếu bạn tha lỗi cho anh ấy càng nhiều lần, bạn sẽ càng cảm thấy không hạnh phúc khi ở bên anh ấy.
Câu hỏi đặt ra: Bạn muốn trở thành một cô nàng khó tính và bắt lỗi từng việc sai nhỏ nhặt của người yêu hay không? Có lẽ chẳng ai muốn. Cái khó ở đây là nhận ra giới hạn. Để tránh việc ngựa quen đường cũ, bạn cần phân biệt khi nào nên là một nàng cừu ngoan hiền và khi nào cần thiết trở thành một cô sói già. TTT đã hỏi ý kiến của các chuyên gia tâm lý để giúp bạn nhận ra giới hạn trong 3 tình huống phổ biến sau. Nào, cùng xem bạn nên là bạn gái sói già hay cừu non nào?
Tình huống 1. Anh ấy tiêu xài phung phí thay vì lo tiết kiệm hay trả nợ
Bạn sẽ là cừu khi
Hai bạn chưa từng nói về vấn đề tiền bạc. Dù bạn và anh ấy đã có quỹ chung hoặc lên kế hoạch cho tương lai hay chưa, vấn đề tài chính của anh ấy ít nhiều ảnh hưởng đến bạn. Điều đầu tiên bạn cần làm là khéo kéo cho anh ấy biết mình không muốn trở thành gánh nặng nếu như anh ấy mắc nợ bạn bè hay thẻ tín dụng. Trong tình huống ngược lại, anh ấy cũng chẳng vui vẻ gì khi bạn gái nợ như chúa chổm. Sau đó, hai bạn nên cùng bàn bạc để giúp nhau lập một ngân sách tiết kiệm riêng vào mỗi tháng. Nếu mối quan hệ đã quá thân thiết như ở chung nhà hoặc có chung tài khoản ngân hàng, hai bạn nên thống nhất về việc lập ngân sách chung. Thoạt đầu chưa quen, bạn có thể làm theo cách sau: tính toán sẽ chi bao nhiêu phần trăm thu nhập mỗi tháng cho tiền nợ thẻ tín dụng, bao nhiêu cho chi tiêu hàng ngày và khoản tiền tiết kiệm. Bạn cần nhớ một nguyên tắc là hỏi ý kiến lẫn nhau trước khi chi tiền cho một món đồ giá trị.
Bạn nên là sói già khi
Hai bạn đã từng nói về vấn đề tiền bạc và anh ấy phớt lờ quỹ chung do hai bạn tạo ra, hoặc thậm chí lấp liếm việc phung phí mua một tivi 3D mới rằng “anh mua để tặng em”. Bạn không nên nổi đóa lên vì chỉ khiến anh ấy im tịt. Bạn nên nói thẳng với anh ấy ví dụ như “Chúng ta không đủ tiền để mua nó” sẽ giúp anh ấy nhận ra mình đang tiêu xài phung phí.
Thẳng thẳng nói cho anh ấy biết bạn không vui với món đồ đó vì nó không phù với ngân sách chung của hai bạn. Sau đó, bạn có thể hỏi chàng: “Theo anh chúng ta nên giải quyết vấn đề này như thế nào là tốt nhất?”. Điều này rất quan trọng vì sẽ khiến anh ấy cân nhắc về cách khắc phục hậu quả do mình gây ra. Nếu nghĩ đó là nhiệm vụ của mình, nam giới sẽ kiên trì để giải quyết.
Tình huống 2. Anh ấy suốt ngày than thở về công việc
Bạn sẽ là cừu khi
Anh ấy đang tìm việc làm mới. Dù bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu khi nghe anh ấy than phiền, nhưng nếu anh ấy đang nỗ lực tìm kiếm những cơ hội mới, bạn nên ủng hộ anh ấy hết mình. Lòng tự trọng của một người đàn ông liên quan rất nhiều đến công việc, và chẳng cô gái nào muốn cư xử với người yêu như thể “anh không thể tìm được 1 công việc mới”.
Nhưng nếu bạn không thể chịu đựng nổi những lời than phiền quá thường xuyên của anh ấy thì sao? Bạn có thể kín đáo gợi ý với anh ấy một người bạn khác để trút bầu tâm sự. Bạn có thể nói với anh ấy: “Anh đã nói chuyện với (tên của một người bạn thân) về chuyện này chưa? Anh ấy có thể cho anh một lời khuyên tốt hơn em đấy”. Rất có thể anh ấy không hiểu ý của bạn và vẫn tiếp tục ca điệp khúc chán ngắt ấy mỗi ngày, bạn có thể nhắc khéo: “Thế anh bạn (tên người bạn thân) nói gì về chuyện này?”.
Bạn nên là sói già khi
Anh ấy không có động tĩnh gì để cải thiện tình hình. Anh ấy chỉ đơn giản than phiền để cảm thấy dễ chịu nhất thời. Lúc này, cách duy nhất giúp anh ấy là bạn phải cứng rắn.
Bạn có thể nói với anh ấy những câu như: “Vì em yêu anh nên sẽ không cho phép anh làm mình buồn bã như thế”. Kế đó, bạn cho anh ấy biết mình sẽ sẵn lòng lắng nghe nếu như anh ấy chủ động tìm kiếm công việc mới. Nếu chàng vẫn không ngừng ca cẩm, bạn nên kiên quyết nói với anh ấy mình sẽ không tiếp tục lắng nghe. Nếu anh ấy bắt đầu than vãn với những người xung quanh, bạn không cần phí thời gian với một anh chàng yếu đuối như thế.
Tình huống 3. Bạn gái cũ kết bạn với anh ấy trên facebook
Bạn sẽ là cừu khi
Tình cảm của hai bạn rất tốt và anh ấy ít khi làm bạn ghen tức. Dù vậy lúc này bạn cũng nên thận trọng bằng cách để ý đến anh ấy thường xuyên hơn nhưng tránh soi mói quá kỹ Facebook của chàng. Bởi vì càng thường xuyên nhìn vào Facebook của người yêu, bạn càng cảm thấy nghi ngờ anh ấy dù muốn hay không.
Không có lý do gì khiến bạn không được hỏi anh ấy về cô bạn gái cũ. Bạn nên nói với giọng nhỏ nhẹ: “Em thấy anh vừa liên lạc lại với bạn gái cũ. Cô ấy dạo này thế nào?”. Bằng cách này, bạn cho anh ấy biết mình quan tâm nhưng không làm quá vấn đề. Nếu câu trả lời của anh ấy đại loại như: “Hình như cô ấy khỏe”, bạn không nên nhắc lại chuyện này nữa.
Bạn nên là sói già khi
Bạn thấy nhiều việc thay đổi từ sau khi anh ấy liên lạc lại với bạn gái cũ. Bạn cần cảnh giác khi thấy những dấu hiệu như: Anh ấy chỉ dành cho bạn khoảng thời gian nhất định trong ngày; anh ấy sử dụng máy vi tính hoặc iPhone nhiều hơn bình thường; bỗng dưng bạn trở thành người khơi gợi cuộc “yêu”.
Lúc này, bạn nên nói chuyện nghiêm túc với anh ấy về những điều bạn nhận thấy sau khi cô bạn gái cũ xuất hiện. Ngoài ra, bạn cần tỏ rõ quan điểm không muốn duy trì một mối quan hệ mà lúc nào cũng phải quản lý người yêu. Hãy để anh ấy trả lời câu hỏi: “Nếu anh là em, anh sẽ cảm thấy như thế nào?”, chàng sẽ có dịp nhìn lại những gì mình đang làm. Bạn không nên cấm anh ấy nói chuyện với bạn gái cũ. Hãy để anh ấy tự nhận ra bạn gái cũ chính là mối đe dọa cho tình cảm hiện tại của mình.