Bài: Hoàng Hoài Hương - Ảnh: Lê Minh Hạ
Người làm công tác văn hóa – du lịch có lẽ cũng cảm nhận được sinh khí của dự báo này mà đưa áo dài thành hội rộn ràng vào tháng dành cho phái đẹp, quy mô hơn, công phu hơn và thu hút hơn. Lễ hội Áo dài năm nay được chuyển về trung tâm thành phố, trong suốt hơn nửa đầu tháng 3, với phần hội nhiều hơn lễ, hy vọng sẽ tiếp tục gây ấn tượng mạnh với người dân và cả bạn bè quốc tế có dịp ghé qua thành phố tháng 3 này. Cùng lúc đó, tại sân Bái Đường, Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra đêm áo dài đầy cảm xúc.
Trong dòng lốc hiện đại
Nếu bạn là người hoài cổ, hẳn là bạn sẽ nao nao dừng lại trước một bức ảnh nào đó của Sài Gòn độ mấy mươi năm về trước, hoặc ngắn hạn hơn là vào thập niên 90. Sài Gòn nói riêng và áo dài nói chung, khi ấy như đang đi giữa miền hoa lệ của hòn ngọc Viễn Đông. Ai đó, trong tâm thức đều cất giữ cho riêng mình một tà áo bâng khuâng gợi nhớ, chứ đâu riêng gì các thi sĩ, nhạc sĩ. Chuyện cô Việt kiều, lần đầu trở lại quê hương sau hơn 20 năm định cư nơi xứ người đã không thể nào cầm được nước mắt khi nhìn thấy tà áo dài của một hãng máy bay khiến bao người không cầm được lòng mình rưng rưng. Như thi sĩ Thanh Tùng tinh tế viết, “thoáng thấy áo dài là thoáng thấy hình bóng quê hương”. Phía sau tà áo mong manh, duyên dáng khoác lên người con gái Việt vóc hình nhỏ bé là cả một khoảng trời thương nhớ, ăm ắp hoài niệm. Của thanh xuân, của những giấc mơ ngọt ngào xưa cũ.
Rồi theo dòng thác của hội nhập, áo dài dần trở nên thưa thớt, để hợp thời và cũng là để tiện việc. Trên giảng đường, ở công sở, áo dài cứ thế đi vào hoài niệm mà không có bất cứ hấp lực gì cản được. Thay vào đó là những bộ âu phục gọn gàng hơn, tiện việc hơn mà cũng vô hồn hơn. Đôi khi, tàn nhẫn mà nghĩ, sự mơ mộng, vẻ ngọt ngào phải chăng cũng dần nhường chỗ cho những gì thực tế?
May sao, giữa cơn lốc của hiện đại, áo dài vẫn trụ lại trong tâm thức của những người trót yêu vẻ đẹp mong manh, thướt tha và duyên dáng. Thực tế cho thấy, nhiều trường THPT khu vực nội thành tại TP.HCM như: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Võ Thị Sáu, THPT Gia Định, THPT Marie Curie… vẫn triển khai cho nữ sinh mặc áo dài trong các ngày lễ lớn (khai giảng, 20.11…) và thứ Hai đầu tuần. Một số ngân hàng, công ty hoặc chọn áo dài làm đồng phục hoặc quy định một ngày cố định trong tuần, nhân viên phải mặc áo dài, dẫu không ai ép buộc. Tại các cuộc thi nhan sắc, áo dài cũng được xem là một trong những trang phục không thể thiếu. Nào phải ngẫu nhiên khi xuất hiện những cuộc thi như: Miss Áo dài, Hoa hậu Áo dài, Hoa khôi Áo dài,… Các người đẹp Việt bước ra quốc tế, áo dài chính là hành trang chắc chắn của họ.
Giá trị chưa bao giờ lỗi thời
Sau thời đoạn chán chê việc chạy theo những vẻ đẹp hiện đại, tiện nghi, một ngày ghé qua “căn phòng cũ”, người ta chợt òa lên trước vẻ đẹp mà bấy lâu nay vô tình quên lãng. Ồ, hóa ra, thời gian đóng vai trò thử thách và tôn vinh những giá trị mà dù có bao nhiêu năm đi nữa thì vẫn vẹn nguyên nét quyến rũ, nữ tính và hợp thời. Còn nhớ, năm 1989, khi Độ Thị Kiều Khanh đăng ngôi hoa hậu, trong tà áo dài và mái tóc ngắn mạnh mẽ, định kiến áo dài gắn liền với vẻ tha thướt, yêu chiều của mái tóc hoàn toàn chịu trói. Quả tình, đúng như câu ví: “càng ngắm càng thấy mới mẻ”. Áo dài chưa bao giờ khiến người ta thôi bất ngờ về nó. Đi làm, đi học, xuống phố hay sự kiện trọng đại, ngày cưới, áo dài đều có thể sánh bước. Về khoản này thì các kiểu áo Tây phương đành lắc đầu chịu thua!
Từ thập niên 30 của thế kỷ trước, áo dài qua bàn tay cách tân của họa sĩ Cát Tường đến giờ có bao giờ chịu đứng yên một chỗ? Nó luôn vận động và biến đổi hòng hướng đến sự hoàn mỹ và tiện nghi nhất cho người mặc. Những chiếc áo dài tay ngắn, cổ rộng hơn, chất liệu vải đa dạng hơn cứ thế ra đời và mặc nhiên trở lại đường hoàng trên phố mà không cần bất cứ sắc lệnh bắt buộc hay lời hiệu triệu, hô hào, phát động nào. Trên màn ảnh, áo dài tung tăng cùng cô gái mang tên Miu Lê, gợi lên những gì đẹp nhất, thanh nhã nhất, quyến rũ nhất của vẻ đẹp Việt. Áo dài lặng lẽ trở lại như cái cách nó đã nhường bước cho âu phục, cho những biện hộ về sự tiện dụng. Và, ở thời điểm hiện tại của năm 2016, có lẽ không quá lời khi viết: áo dài mới chính là xu hướng thời trang nổi bật trong năm.
Tháng 3 này, TP. HCM sẽ thơ mộng hơn trong những tà áo thướt tha tại Lễ hội Áo dài, từ ngày 5 - 20/3, như 4 câu mở đầu bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Thanh Tùng: “Tà áo em bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng/ Tà áo em bay bay bay bay trên phố dịu dàng/ Áo bay trên đường như mây xuống phố/ Áo tung sân trường tựa cánh chim câu…” Lâu lắm rồi, thành phố mới có một lễ hội ngập sắc được hưởng ứng nhiều đến vậy. Một vẻ đẹp say ngủ, được đánh thức đúng lúc, hy vọng sẽ vừa điểm tô, làm đẹp thành phố, vừa thu hút sự quan tâm chú ý của du khách quốc tế đến với TP.HCM.
Aodai around The World |
Aodai around The World là dự án bắt nguồn từ tình yêu tà áo truyền thống dân tộc của cô sinh viên năm nhất Nguyễn Thị Thu Thủy, hiện đang theo học ngành cử nhân quản lý Nhà hàng, khách sạn và du lịch tại trường William Anglisss, Melbourne, Australia. Từ ý định ban đầu mang theo 10 bộ áo dài để “diện” vào những dịp đặc biệt trên đất nước bạn, được sự khuyến khích của người thân, bạn bè Thủy đã lập fanpage và trang web aodaiaroundtheworld.com nhằm chia sẻ hình ảnh người phụ nữ Việt trong trang phục áo dài trên khắp mọi miền đất nước và thế giới. Hiện tại, fanpage Aodai around The World đã có hơn 3.000 lượt thích. Điểm đặc biệt của dự án này là góp phần “bản đồ hóa” sự hiện diện của tà áo dài trên thế giới. Tại trang web chính thức aodaiaroundtheworld.com, một bản đồ số hóa đã được lập nên để ghi nhận hình ảnh tà áo dài Việt Nam tung bay trên nhiều nước trên thế giới như: Paris, Brunei, Hàn Quốc, Malaysia… Kèm theo mỗi bức ảnh là những câu chuyện, những sẻ chia đầy tự hào về áo dài Việt Nam. |