Đó là nhận định chung của các diễn giả tại “Diễn đàn quốc tế phát triển kinh doanh thành công xuyên biên giới” do Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM (Hawee) và CLB Các doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) vừa mới tổ chức tại TP.HCM đã thu hút trên 500 DN trong và ngoài nước tham dự.
Đa số những doanh nhân đã thành công trong việc phát triển doanh nghiệp ra thị trường thế giới cho rằng, xu hướng toàn cầu hóa đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của từng nước, việc nắm bắt cơ hội để phát triển kinh doanh vượt ra khỏi biên giới quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại diễn đàn PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn sơn Kova, đã kể câu chuyện 20 năm về trước, một mình bà đã lặn lội sang Mỹ. Hành trang lúc đó chỉ với 500 đôla và 15 kg mỳ gói để ăn, cũng không có tiền ngủ khách sạn, phải ngủ ở gầm cầu thang nhưng chưa từng bị các nhà khoa học nước này coi thường.
“Khi sang Mỹ, tôi nghĩ rất đơn giản, chỉ muốn vươn lên và thành công trong khoa học. Khi ấy tôi đang là cán bộ giảng dạy đại học ở TP.HCM và Cần Thơ, tôi có hướng dẫn nhiều sinh viên các đề tài nghiên cứu nhưng những đề tài đó không được thành công lắm. Ðến khi sang Mỹ, nhìn phòng thí nghiệm của họ tôi thấy choáng ngợp. Họ phân tích một mẫu chì chỉ hết 59 giây, trong khi ở Việt Nam là 4 tiếng đồng hồ. Lúc đó tôi có khát vọng là làm được như người Mỹ, chứ không nghĩ là mình làm để giàu. Nhưng qua hơn 20, tôi nghiên cứu không ngừng nghỉ, hiện tại tôi đang có 11 công ty với một gia sản không nhỏ. Tuy vậy, tôi thật sự vẫn day dứt vì nước mình vẫn còn nhiều người nghèo quá! Cứ đi quyên góp để ủng hộ người nghèo có lẽ không phải là cách tốt nhất. Nên theo tôi, chỉ có con đường nghiên cứu khoa học đúng nghĩa, có thể ứng dụng được, từ đó có thể thương mại hóa những thành quả nghiên cứu ấy…mới có thể thoát nghèo.” - Chủ tịch Tập đoàn sơn Kova chia sẻ.
Ông Trần Mạnh Huy, Giám đốc Công ty cổ phần V.B.P.O (công ty chuyên cung cấp các dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp) cho rằng, cơ hội thì rất nhiều nhưng vấn đề là những người bắt đầu khởi nghiệp và những doanh nghiệp muốn vươn mình ra thế giới có đủ tầm nhìn và sự nhạy bén để nhận ra hay không mà thôi. Dù thế giới có thay đổi hay phát triển đến đâu thì chuỗi giá trị toàn cầu vẫn có “khoảng trống” hay vẫn gọi là thị trường “ngách” dành cho những đối tượng lao động nhất định.
Điển hình là các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản đã phát triển đến mức không có người để nhập liệu, đánh máy văn bản, thì đó chính là cơ hội, là nguồn việc làm phù hợp với những người khuyết tật ở Việt Nam. Việc nhìn ra những “khoảng trống” đã giúp V.B.P.O trở thành công ty hàng đầu cung cấp các dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là cho các khách hàng Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ.
Bà Lê Diệp Kiều Trang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Fossil Việt Nam nhận định, cơ hội kinh doanh thì rất nhiều, tuy nhiên để khởi nghiệp thành công và phát triển vượt qua các ranh giới quốc gia đòi hỏi doanh nghiệp phải ước lượng được những biến động của thị trường, biết rõ mình có lợi thế gì và hạn chế gì trong từng bối cảnh, từ đó lựa chọn những cơ hội phù hợp. Bởi tầm nhìn của một doanh nghiệp không chỉ ở việc đón nhận cơ hội mà còn phải thể hiện qua chiến lược phát triển nguồn nhân lực và tạo dựng được những giá trị cốt lõi về văn hóa doanh nghiệp để tạo ra sự khác biệt khi gia nhập vào thị trường quốc tế.
Đồng quan điểm, bà Cait Moran – Đại sứ Irealand chia sẻ thêm, bên cạnh việc tạo dựng và nắm bắt cơ hội, các doanh nhân cũng cho rằng, để có thể tồn tại và kinh doanh thành công xuyên biên giới, các doanh nghiệp phải có nền tảng vững chắc từ nội lực đến trách nhiệm xã hội. Nội lực của doanh nghiệp bao gồm sự chuyên nghiệp, năng lực quản trị nhân sự và khả năng tài chính sẽ đảm bảo doanh nghiệp có thể vận hành tốt khi mở rộng quy mô. Các trách nhiệm xã hội như bảo vệ môi trường, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và phúc lợi cho cộng đồng chung sẽ giúp nâng cao giá trị uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Những ý kiến chia sẻ tại diễn đàn là những thông tin vô cùng hữu ích, tạo động lực để nhiều bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp, đồng thời giúp các doanh nghiệp khác đẩy nhanh tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Qua đó, khẳng định vai trò và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.