Ngày cuối tuần, khi bạn đang chơi cùng các con thì anh bạn thân gọi rủ đi “làm vài chai”. Vì hôm nay bạn đã dành riêng cho vợ con nên bạn nói qua điện thoại rằng “có hẹn đi đám tiệc cùng gia đình”. Với bạn, đó không phải là nói dối mà chỉ là lời từ chối khéo một buổi ăn nhậu. Nhưng với trẻ, bạn vừa nói dối trước mặt chúng.
Bài: Kim Ngọc
Đừng lảng tránh hay nói dối
Từ khi 3 - 4 tuổi, sẽ có lúc trẻ khiến bạn “phát điên” vì cứ liên tiếp đặt ra những câu hỏi. Nhiều câu hỏi bạn dễ dàng trả lời nhưng cũng không ít câu hỏi quá mơ hồ, trừu tượng hay thuộc nhóm các vấn đề “khó nói”. Dưới đây là một mẩu hỏi đáp của cậu bé 4 tuổi và mẹ khi hai mẹ con đi trên đường:
- Xe gì kia mẹ?
- Xe... tang.
- Xe tang để làm gì vậy mẹ?
- Để chở người chết con à.
- Người chết là người thế nào?
- Người chết là người không thở, không động đậy, không làm gì, nghĩ gì được nữa.
- Xe tang chở người chết đi đâu vậy mẹ?
- À đi đến nghĩa trang.
- Đến nghĩa trang làm gì vậy mẹ?
- À để người chết lên trời.
- Lên trời giống ông nội phải không mẹ?
- Đúng rồi, giống ông nội.
....
Ở tình huống này, người mẹ đã không né tránh câu hỏi về xe tang hay người chết mặc dù nhiều người mẹ khác cho rằng trẻ nhỏ không nên biết nhiều về nỗi buồn hay mất mát. Nói với trẻ về sự vật, hiện tượng một cách đơn giản, dễ hiểu nhất để trẻ thỏa mãn sự tò mò mà bạn cũng không cần phải nói dối trẻ.
Cha mẹ nói dối bị con phát hiện
Ở tình huống người cha nói với bạn rằng gia đình sắp đi đám tiệc. Ngay sau cuộc điện thoại, đứa con 6 - 7 tuổi của anh ta sẽ có thể hỏi ngay: “Ba vừa nói dối bạn ba à? Hôm nay nhà mình đâu có đi tiệc?” Bạn đừng vội sừng sộ mắng trẻ hỗn hào hay xấu hổ lấp liếm bằng một câu trả lời qua quýt. Hãy thẳng thắn và thành thật nhận lỗi với trẻ: “Ừ đúng là ba vừa nói không đúng sự thật.” Và giải thích: “Chỉ vì trong lúc tức thời ba chưa tìm ra câu từ chối mà không làm mất lòng bác ấy nên ba nói vậy. Hôm nay ba chỉ muốn ở nhà với các con. Lần sau ba sẽ thành thật hơn, được không con?”
Khi thấy con nói dối
Không ít vị phụ huynh mới chỉ nghe con mình kể về những vết bầm trên cơ thể đã vội vàng đến trường học của con để “làm cho ra nhẽ”. Bạn đâu biết rằng đứa trẻ của bạn có thể nói không đúng về vết bầm mà thực ra chúng cũng chẳng để ý. Trong lúc chơi đùa với bạn bè hoặc trong lúc bất cẩn, chúng đã tự gây ra cho mình. Trẻ nhỏ cũng ghét bị đánh thức vào buổi sáng. Chúng sẽ “để ý” và biết rằng khi sức khỏe không tốt chúng sẽ được ở nhà ngủ thoải mái. Vì vậy sẽ có lúc, đứa trẻ của bạn không chịu thức dậy và quả quyết chúng đang rất đau bụng, đau đầu hay đau... bất cứ chỗ nào đấy trên cơ thể. Lúc này, bạn đừng vội “vạch mặt” trò mè nheo để được ở nhà của trẻ. Chỉ cần bạn tỏ ra hiểu cảm giác của trẻ và hỏi “Nếu con đau bụng thế này, thì chiều chắc không thể đi ra khu vui chơi cùng em”, trẻ sẽ bật dậy, cười tươi như chưa từng “đau bụng”.
Trẻ dần lớn, bạn càng phải để ý đến lời ăn tiếng nói của mình. Cách tốt hơn cả để con không nói dối là cha mẹ không nói dối và không thỏa hiệp với việc nói dối. Nói dối để được yêu chiều, nói dối để vòi vĩnh hay nói dối để che giấu việc làm không đúng... đều không bao giờ được tha thứ. Tuy nhiên, hình thức phạt cần nghiêm khắc nhưng không được khiến trẻ bị tổn thương. Dần dần, bằng sự hướng dẫn của cha mẹ, trẻ sẽ hiểu rằng trong tình huống nào cũng nên nói về sự việc đúng như nó xảy ra hay ở góc nhìn khách quan nhất. Chúng tôi tin rằng một đứa trẻ được cha mẹ “huấn luyện” kỹ càng từ tuổi ấu thơ, khi lớn lên sẽ không nói dối dù là việc nhỏ hay việc lớn.
Nói dối có hại và nói dối vô hại |
Cha mẹ thường biện minh cho những lời nói dối vô hại của mình rằng để làm vui lòng ai đó, để không làm mất lòng người này người kia. Tuy vậy với trẻ em, khái niệm về “lời nói dối vô hại” không mấy ý nghĩa một khi bạn đã dạy chúng nói dối là không tốt. |