Bài: Nguyễn Anh
Cơ duyên nào đưa bạn đến với việc kể chuyện cổ tích theo một cách hoàn toàn mới?
Tôi tiếp cận với văn học dân gian từ rất sớm bởi sinh ra trong gia đình có ông bà là cả một kho tàng những truyện cổ, lời ru phong phú. Ông nội biết rất nhiều truyện cổ, bà nội thuộc rất nhiều ca dao, dân ca. Cha mẹ biết con có tình yêu cho văn học, văn hóa nên luôn tạo điều kiện cho con bồi đắp kiến thức. Khi vào Đại học, chuyên ngành học vẫn là văn học, sau Đại học là chuyên ngành văn hóa, được các thầy cô truyền thêm kiến thức, tìm hiểu thêm về văn học dân gian, văn hóa dân gian sâu hơn. Khi làm mẹ, mình cũng muốn cô con gái nhỏ được tiếp cận với những giá trị đẹp của văn hóa dân tộc – khởi đầu đơn giản từ những lời ru, thế giới truyện cổ. Ở nhà có rất nhiều sách truyện cổ tích cho con và hầu như ngày nào con cũng đòi mẹ kể. Khi kể cho con, vẫn là những truyện cổ đó, mình muốn con thêm hứng thú nên thường nhấn nhá, đóng vai nhân vật, có khi diễn kịch cho con xem. Vì vậy, có truyện cổ con nghe đi nghe lại nhiều lần nhưng vẫn không thấy chán vì mẹ thay đổi cách kể hơn một chút. Mình cũng từng nghĩ truyện cổ đã rất quen thuộc với các bé, nhưng nếu thay đổi hướng kể đi một chút, trẻ em sẽ hào hứng hơn. Chính vì vậy, khi nhận được lời mời từ phía nhà xuất bản cùng dự định làm truyện cổ cho trẻ mình đã rất vui bởi đây là cơ hội để mình thực hiện một cuốn sách với hướng đi mới cho truyện cổ, phần nào gửi gắm được mong muốn bồi đắp thêm tình yêu cho các con dành cho văn học dân gian, văn hóa dân tộc.
Tác giả Thủy Nguyên - Tác giả cuốn sách Thiện và Ác và Cổ tích
Khi bắt tay vào biên soạn, bạn có bị quán tính đọc và tiếp cận cũ chi phối không? Phải mất bao lâu mới có được hình thức bản thảo như sách đã in?
Khi xác định làm truyện cổ theo hướng tiếp cận mới có nghĩa mình phải xác định việc đứng ở một góc độ khác nhìn truyện cổ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo sao cốt truyện vẫn giữ được như các truyện cổ nguyên bản. Việc bị quán tính đọc và cách tiếp cận cũ không ảnh hưởng nhiều mà là nền tảng tham khảo để bắt tay vào làm, đi hướng đi mới. Khi bắt tay vào thực hiện thì phần bảo thảo mất khoảng 3 tháng để hoàn thành. Còn lại là thời gian chỉnh sửa và các họa sĩ dành cho phần tranh minh họa.
Tại sao lại là 16 truyện cổ, mà không phải một con số ít hơn hay nhiều hơn? Khi bắt tay vào thực hiện, bạn chọn truyện theo tiêu chí nào?
Vì sao lại là 16 truyện cổ mà không phải con số ít hơn hay nhiều hơn và chọn theo tiêu chí nào: Truyện cổ Việt Nam rất nhiều nhưng ở “Thiện và Ác và Cổ tích” chỉ chọn lọc những truyện thật đặc sắc trong kho tàng truyện cổ. Đó là những truyện được trẻ em yêu thích nhất, biết đến nhiều nhất, nổi bật bởi những tuyến nhân vật Thiện – Ác đối đầu nhất như: Thạch Sanh – Lý Thông, Tấm – Cám, Sơn Tinh – Thủy Tinh,… Cũng có những truyện không đối kháng tuyến nhân vật Thiện – Ác mà nổi bật những cặp nhân vật trong mối tương quan để từ đó làm bật ý nghĩa, giá trị truyện như: Lạc Long Quân – Âu Cơ, Mai An Tiêm – Vua Hùng,… Qua thống kê tìm hiểu trong kho truyện cổ chọn lọc được số lượng 16 câu chuyện như trên.
Cuốn sách Thiện và ác và cổ tích
Khi viết về phe Ác bạn cảm nhận ra sao? Những khó khăn của bạn khi hóa thân vào các nhân vật phản diện? Bạn nghĩ gì khi lần đầu tiên độc giả có thể hiểu tâm lý của nhân vật phản diện trong cổ tích?
Cuốn sách này để cho cả hai phe Thiện và Ác cùng cất tiếng nói kể lại câu chuyện của mình một cách công bằng nhất. Độc giả, những em nhỏ sẽ là người đánh giá, đúc rút ra ý nghĩa bài học từ chính câu chuyện hai tuyến nhân vật kể. Phe Ác vẫn thường bị lên án, khi kể bằng ngôi thứ 3 trong truyện cổ thông thường chúng ta vẫn thường nghe những từ mà dân gian lồng vào truyện khi nhắc đến họ như: “có tên bán rượu Lý Thông gian xảo”, “Cám độc ác”,… Với cách kể cho phe Ác lên tiếng, tuyến nhân vật Ác được tự kể lại chuyện của mình, tự biện hộ cho mình. Độc giả có thể hiểu tâm lý của tuyến nhân vật phản diện này hơn.
Về những khó khăn khi hóa thân vào nhân vật phản diện đó là phải làm sao trong ngôn ngữ chọn lọc nhất có thể giúp nhân vật bộc lộ bản chất của họ, tự bao biện cho họ. Với truyện như Tấm Cám chẳng hạn. Truyện cổ bản gốc quen thuộc có kết cục Tấm trả thù lại Cám gây nhiều tranh cãi. Khi kể lại chuyện này, đứng ở góc độ hai nhân vật, mình cũng phân vân nhiều và chọn cách không muốn nhắc đến kết cục tàn nhẫn ấy, thay vào đó là dùng cách kể: “tôi và mẹ đã bị trừng trị thích đáng”.
Với cách kể, hướng tiếp cận dựa trên 2 tuyến nhân vật như vậy mình nghĩ trẻ sẽ hào hứng vì được “đóng vai”, tự mình hóa thân vào cả hai tuyến nhân vật để từ đó hiểu hơn câu chuyện.
Được biết trước khi đến với việc viết sách, chị đã từng làm báo, làm vườn và dạy trẻ. Bạn có thể cho biết những công việc này có bổ trợ liên quan tới nhau như thế nào? Nó có ảnh hưởng gì đến việc ra mắt cuốn sách đầu tay “Thiện và Ác và Cổ tích”?
Trước đây mình đã có thời gian làm báo. Mảng mình hay làm là mảng về gia đình, nuôi dạy trẻ. Sau này cũng có thời gian làm theo mảng giáo dục. Mình cũng thường làm việc với chuyên gia tâm lý, bà mẹ trẻ em nên có sự quen thuộc nhất định.
Mở ra dự án về Vườn cây thuốc nam “Thuốc Quý Việt”, tổ chức các buổi workshop hướng dẫn bé trồng cây cũng như việc tạo ra sân chơi trong CLB Truyền thông-MC nhí đối tượng mình hướng đến đều là trẻ em. Chính vì vậy mình nghĩ những công việc mình làm đều có sự liên quan bổ trợ nhau.
Tác giả Hoàng Thủy Nguyên (Thứ 2 từ trái qua), tặng sách cho các em nhỏ tại chùa Phận Minh-Bến Tre trong 1 chương trình thiện nguyện cuối name 2018
Với nhiều tác giả viết sách cho thiếu nhi hiện nay thì tuổi đời còn khá trẻ nhưng tại sao thời điểm này bạn mới chọn cho ra cuốn sách đầu tay?
Việc viết sách cho thiếu nhi không nhất thiết phải ở độ tuổi nào mà còn tùy thuộc vào cơ duyên và sự trải nghiệm. Với mình, với những công việc mà mình đã trải qua cùng với vai trò làm mẹ làm bạn với cô con gái 6 tuổi, cùng với những ấp ủ cho cuốn sách đầu tay về việc bồi đắp văn hóa dân gian cho trẻ thì mình nghĩ đây là thời điểm thích hợp để ra cuốn sách này.
Sau cuốn sách này bạn có thể tiết lộ một vài dự định trong thời gian tới?
Năm 2019 mình tiếp tục kết hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng làm thêm những đầu sách cho thiếu nhi. Bên cạnh đó mình tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của CLB Truyền thông-MC nhí để tạo sân chơi kỹ năng cho các bé giúp các bé tự tin trong giao tiếp. Mình tiếp tục tổ chức các buổi Workshop hướng dẫn bé trồng cây định kỳ hàng tháng tại khu vườn “Thuốc Quý Việt” 1145 Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh. Và ngoài ra công việc làm vườn cũng vẫn được mình vẫn tiếp tục. Nó sẽ giúp mình có thêm thu nhập, tạo nguồn cảm hứng viết sách và cần bằng được cuộc sống gia đình.
Một trong những dự án mà mình tâm đắc và sẽ triển khai trong năm 2019 này đó là “Tủ sách cổ tích”. Dự án sẽ vận động các bé, các ba mẹ cùng chung tay tặng sách truyện cũ để tặng lại các em nhỏ ở các mái ấm nhà mở còn nhiều khó khăn về điều kiện học tập. Hy vọng dự án này sẽ được nhiều người đón nhận và cùng ủng hộ.
Xin cảm ơn bạn! Chúc cho những dự định của bạn sớm hoàn thành!
Links online đặt sách “Thiện và Ác và Cổ tích”
1.Kim Đồng: https://nxbkimdong.com.vn/thien-va-ac-va-co-tich
2.Tiki: https://tiki.vn/thien-va-ac-va-co-tich-p7976704.html
3.Fahasa: https://www.fahasa.com/thien-va-ac-va-co-tich.html…
4.Phương Nam: http://m.nhasachphuongnam.com/thien-va-ac-va-co-tich-p10831…
5.Pibook: https://pibook.vn/thien-va-ac-va-co-tich