Bác sĩ Đào Ty Tách
Các dấu hiệu gãy xương hông bao gồm không thể cử động khớp hông sau khi ngã, đau nhức, bầm tím trong và xung quanh hông, chân bên hông bị thương ngắn hơn và xoay ra ngoài.
Nguyên nhân gãy xương hông thường do lực tác động mạnh sau tai nạn té ngã xảy ra ở mọi lứa tuổi. Riêng ở người lớn tuổi, gãy xương hông rất thường xảy ra đôi khi chỉ cần trượt chân nhẹ. Tỷ lệ gãy xương hông tăng đáng kể ở người già vì mật độ xương giảm và cơ bắp yếu. Các yếu tố khác tăng nguy cơ gãy xương hông bao gồm phụ nữ bị loãng xương nhanh hơn so với nam giới do giảm nồng độ estrogen ở thời kỳ mãn kinh, rối loạn nội tiết như tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến xương dễ vỡ, rối loạn đường ruột làm giảm hấp thu sinh tố D và canxi cũng dẫn đến suy yếu xương và gãy xương hông. Một số loại thuốc cortison như prednison làm yếu xương và mục xương nếu dùng lâu dài, một số loại thuốc gây chóng mặt dễ té ngã đưa đến gãy xương hông.
Thiếu canxi và sinh tố D trong chế độ ăn uống làm giảm khối lượng xương cũng tăng nguy cơ gãy xương, rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần và ăn uống vô độ thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho xây dựng xương, thuốc lá và rượu làm giảm hấp thu canxi dẫn đến yếu xương và dễ gãy xương hông.
Sau khi gãy xương hông, người bệnh thường bị biến chứng trụy tim mạch, mất máu vì xuất huyết nhiều, hình thành cục máu đông ở dưới chân hay trên phổi, lở loét vùng lưng do nằm lâu. Ngoài ra người bệnh cũng hay bị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, teo cơ, tăng nguy cơ té ngã và chấn thương tái phát. Người gãy xương hông thường bị yếu xương nên dễ gãy xương hông lần hai.
Thầy thuốc xác định gãy xương hông dựa trên dấu hiệu và vị trí bất thường của hông và chân, đồng thời cho chụp X quang để xác nhận có vết nứt hay gãy xương. Nếu X quang xương hông không hiển thị rõ ràng nơi nứt gãy xương, thầy thuốc cho chụp cắt lớp CT hay cộng hưởng từ MRI. Hầu hết gãy xương hông xảy ra ở một trong hai vị trí là cổ xương đùi và đường giữa hai mấu chuyển. Loại thứ ba là gãy xương hông không điển hình ở người dùng thuốc tăng mật độ xương bisphosphonat. Điều trị gãy xương hông thường kết hợp phẫu thuật, phục hồi chức năng và thuốc men. Phương pháp phẫu thuật tùy thuộc vào vị trí và mức độ gãy xương hông, tuổi tác và sức khỏe cho phép.
Thầy thuốc lựa chọn đóng đinh vít kim loại vào hai phần xương gãy để giữ hai đầu lại với nhau trong khi vết nứt lành, đôi khi thầy thuốc gắn đinh vít vào một tấm kim loại bao phủ xương đùi cho thêm chắc chắn. Nếu các đầu xương gãy di dời hay hư hỏng, thầy thuốc bỏ phần đầu và cổ xương đùi rồi thay thế bằng đầu kim loại. Thay khớp háng là lựa chọn cuối cùng nếu viêm khớp hay chấn thương hư hỏng khớp háng không phục hồi. Vật lý trị liệu ban đầu tập trung vào các bài tập vận động giúp cho người bệnh tự lập trong cuộc sống hàng ngày như vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo và nấu ăn, tập đi xe lăn hay chống gậy.
Các thầy thuốc đã làm thống kê và thấy rằng khoảng hai mươi phần trăm người bệnh gãy xương hông sẽ gãy xương hông lại trong vòng hai năm, cho nên cần hướng dẫn người bệnh cách đi đứng phòng ngừa té ngã và dùng thuốc bisphosphonat như Fosfomax làm giảm nguy cơ gãy xương hông lần thứ hai. Hầu hết các loại thuốc này dùng bằng đường uống nhưng có nhiều tác dụng phụ khó chịu bao gồm trào ngược acid dạ dày và viêm thực quản. Để tránh tác dụng phụ, thầy thuốc khuyên dùng bisphosphonat loại tiêm tĩnh mạch. Thuốc không nên dùng cho người suy thận và đôi khi dùng lâu dài gây đau xương hàm, giảm thị lực hoặc gãy xương hông không điển hình. |