• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bạn cần biết Tiện ích Liên hệ
Theo dõi báo trên
Kỹ năng sống

Giấc mơ ở phố

29/02/2016 02:58 GMT+7

Sài Gòn hoa lệ, hào nhoáng, cuồn cuộn chảy trong bao nhiêu tất bật. Nên khi chậm lại trong những cuộc gặp gỡ chuyện trò bất chợt, tôi chợt thấy có nhiều câu chuyện đáng ngẫm, dù nhỏ thôi, đâu đó giữa những dòng đời xuôi ngược.

Bài: Hoài Hương - Ảnh: Quỳnh Huỳnh

 

Sài Gòn, rong xe chạy loáng cái qua cầu Ông Lãnh, đã là đặt chân ra Q.1. Ngược đường Khánh Hội, qua Kênh Tẻ, bên kia là khu đô thị Him Lam sầm uất. Mấy khi cảm giác Sài Gòn thiệt chật hẹp và đáng chán. Lại mấy khi, chạy xe mãi nghĩ thế nào đi tuốt qua khu Nhà Bè, đường phố thênh tha thênh thang. Không vui không buồn, rẽ xe vào ngõ ngoằn nghoèo. Xóm nhỏ xơ xác vắng hoe, như quê ngày người lớn cặm cụi ngoài đồng chang chang nắng, trẻ con lem luốt bụi đất tự trông nhau. Có vậy thôi mà rưng rưng mắt…

 

nha-que-01

 

1. Sài Gòn sau Tết, trên khắp mọi nẻo đường, người ta vội vã đổ về như lúc ra đi, chút gì đó vấn vương trong dạ, ngùi ngùi khói nơi chái bếp. Đâu rồi cái nôn nao, cái háo hức của những ngày giáp Tết? Thứ gì cũng vội vội vàng vàng, cũng tranh thủ hết cỡ mà người ta chẳng thấy mệt. Thay vào đó là nhấp nhỏm người đứng ngồi ở bên xe, những chặng dừng trên khắp xa lộ. Trong dòng người đông đúc, nhễ nhại mồ hôi, kềnh càng hành lý ấy có Trân và ba mẹ.

Trân là cô bé thường gội đầu cho tôi ở tiệm gần nhà. Em hay nói hay cười, chuyện gì cũng bật thành tiếng, hồn nhiên quá đỗi. Hỏi chuyện, mới hay tết này Trân lên tuổi 14. Chuyện của Trân, như bao cô bé ở quê lên phố, mang trong mình giấc mơ thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Trân vừa hết lớp 7 cũng là lúc khoản nợ ngân hàng từ bầy vịt chạy đồng của ba má lan như sóng nước trên mặt ao. Không biết, tự lúc nào, những khoản “đầu tư hy vọng” của người nông dân trên ruộng vườn, heo bò gà vịt, càng trở nên khốn khó bởi đủ thứ tai họa có thể ập xuống bất thình lình. Năm tôi lớp 12, cũng những ngày giáp Tết, dịch cúm lan rộng. Vốn liếng của má dồn hết vào bầy vịt chạy đồng gần 400 con. Mồng 1, mai trong vườn xao xác, tôi neo vịt xa nhà, phập phồng lo lệnh thiêu bầy vịt. Má sấp ngửa hết ra thú ý lại lên ủy ban nghe ngóng. Cho đến tận bây giờ, nhiều đêm tôi vẫn nằm mơ thấy mình dang nắng nhìn theo những cái chấm trắng muốt…

Ba má Trân bàn tính dắt díu nhau lên phố, làm công nhân, chắt chiu may ra gỡ gạt. Chứ bám đồng, bám ruộng, mấy trăm triệu biết chừng nào trả nổi. Trân cục cựa trở mình trong màn, nước mắt chảy thành dòng. Tờ mờ sớm, Trân dậy xin đi theo. Ba má lắc đầu, bảo ở lại với nội ráng mà học lấy cái chữ. Dăm bữa nửa tháng, nợ dí nợ đòi, bụng dạ đâu mà đến lớp. Trân năn nỉ: “Ba má cho con lên Sài Gòn, làm phụ ba má kiếm tiền trả nợ. Để chị hai đi học được rồi”. Người chị bà con thương cảnh nhà, xin cho Trân lên phố học nghề ở tiệm cũng là chỗ quen biết. Hỏi, ở phố vầy, gia đình có thường gặp nhau không? Trân buồn buồn xuống giọng: “Ba má em tăng ca suốt, nhiều khi hai ba tháng, mới gặp nhau”.

“Giờ em đang học việc chưa có tiền, nhưng ít nhất cũng tự nuôi được bản thân. Vài năm nữa, em ra nghề, ba má sẽ đỡ cực hơn.” – mắt Trân lấp lánh. Quê Trân, một vùng xa heo hút của Vĩnh Long, đi rả cặp giò mới thấy một cái chòi lúp xúp.

 

nha-que-02

 

2. “Tết rồi em lại không về!” Thắm nhắn cho tôi vậy. Tự dưng nhớ ánh mắt buồn buồn, Thắm theo chân tôi ra tận cửa khi biết đó là ngày cuối cùng hai chị em gặp nhau cách đây 3 năm. Hồi đó, Thắm vừa tròn 18 tuổi.

Thắm quê Bình Định, da trắng tóc dài, người tròn tròn nhưng xinh thiệt xinh. Thắm làm giúp việc cho một gia đình nơi tôi dạy học. Việc của Thắm quanh đi quẩn lại, hết ngày này qua ngày khác, chăm trẻ nhỏ, lau chùi, dọn dẹp, cơm nước, giặt giũ. Nguồn vui của Thắm là mỗi khi nhà thiếu món đồ dùng nào đó, Thắm được sai ra ngoài mua. Có lần, Thắm líu ríu nhờ tôi hỏi giùm chỗ nào dạy học nấu ăn. Ước mơ của Thắm là, ráng làm xong việc, tối xin chủ cho đến lớp học nghề, sau này có số vốn nhất định, về quê mở tiệm. Người chủ viện lý do con còn nhỏ, đi về trễ không tập trung công việc nên từ chối, thành ra cứ dở dở dang dang…

 

3. Hôm rồi, tôi lỡ việc, ghé một quán café ở quận 2. Quán đúng kiểu gặp gỡ bàn công việc, người ra vào liên tục, cô bé phục vụ tên Linh chạy bở hơi tai. Vậy mà, rỗi chút, Linh lại chui vô chiếc bàn ở góc cầu thang say mê giải toán. Ban đầu, tôi đinh ninh Linh là sinh viên của một trường đại học, cao đẳng nào đấy làm thêm. Khách thưa dần, tôi bắt chuyện, Linh thiệt tình thưa: “Em học bổ túc ở gần đây nè, ở trọ gần đây, xin đi làm luôn”. Việc của Linh bắt đầu từ sáng tới chiều, tối là thời gian em đến lớp. Linh hào hứng khoe: “Tháng trả tiền nhà, tiền ăn, em cũng dư được chút đỉnh gởi về phụ ba má”. Sau Linh còn 8 đứa em nheo nhóc. Linh nói, ước mơ của em là được làm cô giáo.

Một ông khách hút thuốc váng trời, mặt đỏ như cổ gà cắt tiết, có vẻ thích sai vặt phục vụ, hết tắt lại mở máy lạnh, gọi châm trà thêm nước. Lúc về, ông khách đưa ít tiền dư, kêu khỏi thối. Linh nhanh nhẹn chạy vào quầy, cầm tiền lẻ: “Dạ, cảm ơn chú. Chú cầm dùm, ở đây không cho nhân viên nhận tif (tiền boa-NV).” 

 

nha-que-03

 

4. Mấy khi nhọc nhằn quá, muốn chạy ngay về ngồi yên dưới mái nhà. Nghe đám lá chuối ru sau hè. Nghe bầy sẻ ríu rít bên lu nước cạnh bụi trúc gai. Nghe con gà mái già nhảy ổ. Nhìn một vạt nắng đưa qua cửa sổ. Ngó rơm rạ xơ xác mé ruộng sau nhà, lại lấc cấc trở về phố. Ừ thì, nếu ở quê no đủ, yên ấm, ai mà nỡ rời nơi chỉ nhìn nhau thôi đã ấm mặt người đến một thành phố xa lạ bao giờ?

Phố dài và rộng bao nhiêu, tôi đâu biết! Chỉ thấy phố lúc nào cũng bao dung, chẳng trách người quê nặng lòng, cứ thế dang tay ôm tất cả, nhen nhóm tất cả. Mười năm ở phố, tôi đã đi, đã gặp và chứng kiến phố thắp lên bao giấc mộng đổi đời cho người ở quê. Bến xe chưa khi nào thôi xuôi-ngược, đi-về. Phận người ở quê cun cút ngóng phố như lần đầu tiên ngó ánh điện kéo qua xóm nhỏ tù mù. Giấc mơ ở phố của những đứa con xa nhà, đôi khi chỉ là đủ miếng ăn đắp đổi qua ngày, đỡ đần ba mẹ, vun vén gia đình. Biết bao người trẻ rời quê ra phố, ôm một giấc mơ giản dị vô ngần, dẫu không gồng gánh bán bưng như các bà, các mẹ, các chị?

 

 

Top
Top