Ra trường, Giang bước chân vào ngành du lịch, tôi biết cô sẽ thành công chính từ những cảm nhận đơn giản ban đầu ấy. Bẵng đi một thời gian, cả thế giới xoay vần với đại dịch Covid, trong đó, ngành du lịch của Giang là ngành nhận thiệt hại trầm trong nhất. Tôi gặp lại Giang, hơi bất ngờ, khi Giang - vẫn nụ cười tươi tắn, rạng rỡ và lối giao tiếp thông minh cùng cách sử dụng “body language” giàu cảm xúc kể cho tôi nghe về giấc mơ cô đang theo đuổi.
PV: Mình nên bắt đầu từ những mẹt hoa dân dã đậm chất Hà Thành hay từ những số liệu u sầu của ngành du lịch trong đại dịch Covid vừa qua?
Gloria Bùi: Là phụ nữ thích yêu ( yêu gia đình, yêu đời, yêu công việc và yêu bản thân mình) thì đương nhiên em sẽ thích nói về những mẹt hoa đầy hương thơm mà team ( đội ngũ) của em vừa tạo ra. Thế nhưng chị biết đấy, sẽ không dễ khi nói về ngày hôm nay nếu không khởi đầu nó từ ngày hôm qua. 2016, tụi em gia nhập Asia Exotica ( một công ty du lịch nổi tiếng có trụ sở chính đặt tại Thái Lan). Là Giám đốc của Asia Exotica Việt Nam nhưng đồng thời cũng quản lý luôn khu vực bán đảo Đông Dương ( gồm Lào, Campuchia), chuyên thị trường outbound ( thị trường khách nước ngoài – pv). Công việc đang rất tốt. Thế nhưng, 2020, Covid ập đến. Sau đợt oanh tạc thứ nhất ( tháng 4/ 2020 – pv) thì tụi em “gắng gượng” trở dậy. Trước lệnh cấm quốc tế, chúng em chuyển mình khai phá thị trường inbound ( thị trường khách trong nước). Nhưng ở thị trường mới, chưa kịp… lớn thì đợt Covid thứ hai ập đến. Đà Nẵng -một điểm du lịch lớn nhất nhì cả nước dịp hè “gặp nạn”. Mọi thứ lại lập tức đóng băng. Gục, gục hẳn chị ạ. Thiệt hại nặng nề không thể mô tả bằng một vài con số. Văn phòng của chúng em tại Lào, Campuchia đóng cửa. Cá nhân em có thể khép lại mọi thứ và đủ khả năng “chống chọi” vài năm. Thế nhưng, văn phòng tại Việt Nam với vài chục nhân viên, sẽ sống bằng gì, tồn tại bằng gì, thật sự em không đành lòng. Hơn nữa, bản lĩnh và tâm thế của một CEO ( Giám đốc điều hành doanh nghiệp – pv) không cho phép em đầu hàng dễ dàng như thế. Thôi thì trong cái khó buộc phải ló… ra gió, tìm cơ may ( cười). Để có thể tồn tại, duy trì thu nhập cho mấy chục nhân viên, em cùng team của mình, sau khi nghiên cứu đã quyết định chọn sẽ cung cấp dịch vụ hoa lễ, đồ lễ, đồ truyền thống. Cái tên Comida Ngon ra đời từ đó.
Gloria Bùi: Chị là người Hà Nội, chị tự hào về truyền thống của người Tràng An thì có lý gì, em là người địa phương khác, em không ngưỡng mộ? Nó đẹp và ý nghĩa mà chị. Mẹt hoa của người Hà Nội rất phong phú và độc đáo. Mùa nào hoa đó, bao giờ nó cũng có từ 5 -7 loại hoa như: Nhài, Huệ, Ngọc lan, Sói, Cúc, Sen, Bách Nhật, Thược dược, Hoàng Lan, Mẫu đơn… Đây là những loại hoa cánh mỏng, nhẹ, hương thơm bền mà không gắt, luôn thoang thoảng, man mát vô cùng dễ chịu. Chỉ cần có mẹt hoa như thế trong nhà, dù trên bàn thờ tổ tiên hay dưới khay cúng Thần tài thì không gian sẽ luôn được nhuộm kín bằng sự ngọt ngào, thanh tao, quyến rũ. Đúng là thói quen sử dụng hoa lễ theo mẹt của người Hà Nội đã mai một. Thế nhưng, không vì thế mà tính cách và cá tính của người dân vùng đất này thay đổi. Người Hà Nội vốn rất sành và chịu chi. Những người dân vùng khác tới đây lập nghiệp, dù có ý thức giữ gìn nếp sống địa phương nơi sinh ra thì chắc chắn họ cũng muốn/ thích/ chịu ảnh hưởng một cái gì đó của người bản xứ, nhất là những thứ thuộc tục lệ, tập quán mang tính văn hóa bản địa sâu xa, có ẩn chứa tinh hoa vùng miền. Hơn nữa, là một đất nước lấy đạo Phật làm chính yếu, coi trọng các nghi lễ, tục lệ thờ cúng tổ tiên và ưa thói quen xây dựng bàn thờ Thần Tài thì thị trường tiêu thụ chắc chắn không hẹp. Còn một điểm thú vị nữa là, các nước trong khu vực, tương đồng với Việt Nam về tôn giáo, văn hóa, vốn là thị trường du lịch thế mạnh mà tụi em đã, đang và sẽ khai thác như Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore… việc bày hoa cúng theo đĩa, gói, xâu/ chuỗi/ tràng rất phổ biến, trong khi ở Việt Nam thì chưa. Đó cũng là động lực thôi thúc em thử sức. Trước khi bắt đầu, em luôn tin rằng nếu mình làm tốt, sẽ chinh phục, khơi lại được thói quen tinh tế này.
Gloria Bùi: Tất nhiên chị ạ. Không phải mọi thứ đều là màu hồng. Khi bắt đầu tại thị trường Hà Nội tụi em rất thuận. Hàng làm không kịp cho nhu cầu của khách. Lại đúng vào đúng tháng 7 – tháng xá tội vong nhân, một dịp lễ lớn cần hoa cúng nên nhu cầu đặt hoa càng tăng đột biến. Thế nhưng điều đó chỉ ở Hà Nội - mảnh đất kinh kỳ văn hiến thôi. Khi vào thị trường Sài Gòn, em hơi bị… sốc ( cười). Tụi em va vào thất bại ngay. Người Sài Gòn rất chịu chi cho các hoạt động giải trí, tiêu dùng, mua sắm nhưng lại không quá quan tâm đến các nghi thức, hoạt động tâm linh. Tuy nhiên, không vì thế mà nản. Em đang tìm cách chinh phục người Sài gòn tiếp đây ( cười). Và tham vọng của em không chỉ dừng lại ở Sài Gòn mà còn nhiều tỉnh thành khác nữa như Đà Nẵng, Huế… Việt Nam có hàng triệu đền, chùa, tháp, em không nghĩ mọi việc quá khó. Chỉ là mình cần thời gian và cách đi tốt hơn. Song song với việc đó, thì còn có những khó khăn khác như để định vị thị trường, thu hút sự chú ý của khách hàng nhanh nhất, xua đi các “thành kiến” trước một thói quen, tập tục đang mai một, tụi em phải đổ rất ra rất nhiều tiền để đầu tư cho hình ảnh, quảng cáo. Và, thực tế là, hiện nay vẫn lỗ.
PV: Lỗ? Mà không sợ ư?
Gloria Bùi: Ôi, thế giới này có quá nhiều điều đáng sợ, nhất là với phụ nữ Á Đông. Em lớn lên từ một tỉnh nhỏ. Em phải học cách vượt qua nỗi sợ của mình nhiều lần chị ạ. Khi em bước chân từ quê lên thành phố, em học cách vượt qua nỗi sợ sự xô bồ, chi phí – giá cả đắt đỏ, cạnh tranh khắc nghiệt. Khi em đi làm, em học cách vượt qua nỗi sợ không hoàn thành công việc. Khi mở công ty riêng, em học cách vượt qua nỗi sợ sự tụt giảm doanh số, hao hụt doanh thu hay lời phàn nàn của các khách hàng… Thế nên khi vấp phải Covid, buộc phải xoay sở để mở ra những mảng mới “nuôi quân” em đã phải rất bình tĩnh, chậm rãi, chắc chắn. Tuy nhiên, từng nhiều năm lăn lộn trong nghề du lịch, một nghề luôn có một số nguyên tắc nằm lòng như: đẹp ( điểm đến, thái độ… phải đẹp), có dấu ấn ( có đặc trưng từ sản phẩm, dịch vụ cung cấp) và tận tâm, chu đáo ( mọi yếu tố, thông tin, hạng mục cung cấp phải chỉn chu). Thế nên em không lo lắng trước viêcj lợi nhuận những ngày khởi động này về bao nhiêu. Mà khi bước chân vào khai phá mảng mới này, em và các cộng sự đặt mục tiêu - mọi thứ đều phải làm tốt nhất có thể. Những bông hoa tươi nhất, đang ngậm những mùi hương mới nhất ( đảm bảo độ bền lâu nhất), màu sắc tốt nhất, chủng loại phong phú nhất… Thế nên với team Comida Ngon chúng em, không có chuyện sợ mà chỉ có chuyện phải phấn đấu bằng tất cả sức lực của mình.
Gloria Bùi: Là làm những thứ mình yêu thích, say mê. Phụ nữ cần hạnh phúc hơn tiền bạc. Ví dụ như này, nếu chị duy trì chế độ ăn giữ cân thì có lẽ mỗi tháng để “nuôi” bản thân mình (theo ý nghĩa vật chất) chị chỉ tiêu một đôi triệu. Tuy nhiên, để chị hào hứng, vui thích, phấn khích yêu đời, thì chị thường phải tiêu gấp nhiều lần như thế ( spa, mua sắm, cà phê tụ họp, du lịch.v..v…). Sự so sánh đơn giản thế để chị thấy người ta chi tiền cho niềm vui nhiều hơn hay chi tiền cho sự “tồn tại vật chất” nhiều hơn đúng không ạ? Khi bước chân vào kinh doanh dịch vụ hoa lễ, đồ lễ như này, em đã nghĩ thế và quyết định chọn điều cốt lõi của hành trình mới này chính là khơi dậy sự háo hức của người tiêu dùng trước tất cả những tinh hoa, đẹp đẽ trong truyền thống dân tộc Việt. Sau này, hết dịch, tụi em quay trở lại các hoạt động inbound, outbound thế mạnh thì chắc chắn em vẫn sẽ duy trì và kỳ vọng mảng kinh doanh mới của mình phát triển mạnh. Dịch Covid -19 diễn ra cũng đã hơn nửa năm, nhưng nhiều lúc với em nó lại như một cơ hội. Giúp em chậm lại, đánh giá lại những đam mê, mong muốn của mình và thử sức với những cái mới ( mà từ trước tới nay, vì sự bận rộn của công việc mà chưa có dịp làm). Thế nên thu nhập tuy có giảm thê thảm, chống chọi với chi phí duy trì doanh nghiệp, gánh gồng hỗ trợ nhân viên nhưng em vẫn rất hào hứng. Có lẽ điều đó đến từ những niềm vui thường trực trong em – niềm vui được trải nghiệm những thứ mình đam mê, yêu quý.
PV: Đơn giản hơn, yêu thứ mình đã chọn?
Gloria Bùi: Hơn 35 tuổi – là một phụ nữ trưởng thành, em nhận thấy một điều như này chị ạ. Giấc mơ, hoài bão và mục tiêu thành công của phụ nữ khác đàn ông. Có lẽ do đặc thù về giới và các quan niệm Á Đông mà nó bé mọn, thường tình thôi, đến từ những điều vụn vặt của cuộc sống thường ngày như: con cái khỏe mạnh, thu nhập đủ chi tiêu, có người đàn ông của riêng mình, quan tâm tới mình... Niềm vui của phụ nữ, vì thế mà nó cũng giản dị. Được đây đó, được giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp, được mua sắm, được sở hữu những thứ xinh xắn như hoa lá, áo quần, trang sức… Thế nên khi bước chân vào thương trường, em cũng chọn cho mình những mảng miếng nhẹ nhàng, nữ tính ( cười) như bán… những chuyến đi ( du lịch), bán hoa, bán đồ lưu niệm… – như thể em tìm cách kể về những giấc mơ của phụ nữ thôi chị.Mình yêu lựa chọn của mình, là yêu bản thân mình đó chị !
Chúc Giang thành công !